Mô hình nuôi cá nhiều lợi ích
Với mục đích nâng cao năng suất, tạo ra sản phẩm an toàn, góp phần xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản bền vững, năm 2018, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội xây dựng mô hình nuôi cá chép ứng dụng công nghệ “sông trong ao”, quy mô 5ha với 5 hộ thực hiện tại các huyện Quốc Oai, Thường Tín và Phú Xuyên.
Chia sẻ về hiệu quả của mô hình, anh Nguyễn Bá Trung, ở xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên cho biết, nếu như trước đây năng suất ao nuôi cá của gia đình anh chỉ đạt 5 – 7 tấn/ha thì nay đã tăng lên 15 tấn/ha nhờ áp dụng công nghệ “sông trong ao”. Hơn nữa, do kiểm soát được mọi thông số kỹ thuật, lượng oxy và chất thải nên cá khỏe mạnh, sinh trưởng nhanh, chỉ khoảng 6 tháng nuôi là cho thu hoạch. “Với giá bán trung bình 60.000 đồng/kg, vụ này ao nuôi 1ha cá chép của gia đình tôi sẽ đạt doanh thu trên 200 triệu đồng” – anh Trung nhẩm tính.
Là người có kinh nghiệm nhiều năm nuôi cá thương phẩm nhưng đây là lần đầu tiên ông Phan Nhân Lợi, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai mạnh dạn ứng dụng công nghệ mới. Ông Lợi cho biết: “Cái hay nhất của mô hình “sông trong ao” là hạn chế việc thay nước trong suốt quá trình nuôi, đồng thời giúp giảm mùi bùn trong sản phẩm sau thu hoạch. Đặc biệt, cá vận động liên tục nên thịt săn chắc, thơm ngon hơn”.
"Thời gian tới, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ tiếp tục hỗ trợ các vùng nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn. Cụ thể là xây dựng chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ thủy sản, giới thiệu điểm tiêu thụ sản phẩm trên thị trường; hỗ trợ về hạ tầng, thiết bị ứng dụng công nghệ mới cho các hộ nuôi trồng." - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ
Bên cạnh đó, lượng chất thải, thức ăn dư thừa đều được thu gom hàng ngày, môi trường nước luôn đảm bảo sạch sẽ, hạn chế tối đa nguy cơ gây dịch bệnh cho cá. Nhờ đó, ông Lợi bớt đi nỗi lo mỗi khi thời tiết thay đổi và tiết kiệm được đáng kể chi phí mua thuốc phòng bệnh cho cá.
Hướng tới nuôi trồng thủy sản bền vững
Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương, kỹ thuật nuôi cá chép ứng dụng công nghệ “sông trong ao” là kỹ thuật mới và khá phức tạp. Do đó, đơn vị đã lựa chọn những hộ có kinh nghiệm nuôi trồng thủy sản, đáp ứng các điều kiện về đất đai, cơ sở vật chất, lao động, vốn đối ứng để thực hiện. Các hộ được hỗ trợ 100% cá giống, 30% chế phẩm sinh học và 30% thức ăn. Bên cạnh đó, Trung tâm còn tập huấn kỹ thuật và cử cán bộ theo sát, hướng dẫn các hộ trong suốt quá trình nuôi.
Hiện, sau 5 tháng, cá sinh trưởng tốt, khỏe mạnh, đồng đều, đạt mức tăng trưởng bình quân 240g/con/tháng, cao hơn 30% so với nuôi theo phương pháp thông thường. Hạch toán kinh tế cho thấy, với năng suất dự kiến đạt 28 - 30 tấn/250m2 sông, (tương đương 10 - 12 tấn/ha), mô hình cho hiệu quả kinh tế đạt trung bình 250 triệu/ha, cao hơn 1,5 - 2 lần so với nuôi cá thông thường.
Trưởng phòng Chăn nuôi – Thú y (Trung tâm Khuyến nông Hà Nội) Nguyễn Hồng Sơn cho hay, với công nghệ mới này, điểm quan trọng nhất là người nuôi phải duy trì máy thổi khí 24/24 giờ. Cùng với đó, thường xuyên kiểm tra và vệ sinh lưới lọc, các màng chắn và các đầu thổi khí để đảm bảo lưu lượng nước luôn tuần hoàn trong hệ thống sông.
Ưu điểm vượt trội của công nghệ là thu gom chất thải, thức ăn dư thừa triệt để giúp môi trường nước luôn được đảm bảo, cá được nâng cao sức đề kháng, giảm dịch bệnh. Mặc dù mật độ nuôi cao 60 con/m2, gấp tới 20 lần so với nuôi ở ao nước tĩnh, song cá vẫn lớn đồng đều, tăng trưởng nhanh. Sau thu hoạch, các hộ có thể thả con giống mới ngay mà không mất nhiều thời gian xử lý đáy ao, giúp rút ngắn chu kỳ nuôi. Đó là những tiêu chí cần thiết để phát triển mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn, bền vững.