dd/mm/yyyy

Nữ cử nhân 8X làm nên cơ nghiệp từ buôn nho, táo

Nhiều cử nhân, kỹ sư đã từ bỏ những công việc nhẹ nhàng ở chốn thành thị để trở về làng quê lập nghiệp. Dù trải qua nhiều khó khăn, gian khổ nhưng với lòng đam mê họ vẫn không dừng bước, đã gặt hái được thành công bước đầu, với thu nhập khiến cho nhiều người mơ ước.

Sản phẩm táo, nho Ninh Thuận của Trang được cung ứng đến nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Chị Lê Thị Nhã Trang (SN 1989, thôn Vạn Phước, xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận) là tấm gương điển hình, tốt nghiệp hệ chính quy ngành tài chính ngân hàng và nhanh chóng tìm được công việc với ngành mà mình đang theo học. Sau khi rời TP.HCM để trở về quê hương sinh sống, nhiều doanh nghiệp và ngân hàng ở địa phương ngỏ lời mời Trang về làm việc với mức lương hấp dẫn. Thế nhưng, nhiều người bất ngờ khi Trang đưa ra quyết định không giống ai, bỏ việc nhẹ nhàng để đi buôn nho, táo.

Hàng ngày, Trang dùng chiếc xe gắn máy để mang nho, táo để giao hàng. Dần dần tích lũy được ít vốn, Trang táo bạo mở rộng thị trường kinh doanh. Hiện nay, chị cung cấp chủ yếu hàng ra các tỉnh Hà Nội, Bắc Giang, Thái Nguyên, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Phú Yên, Thanh Hóa, Bình Dương,…

Để tiện cho công việc làm ăn của mình, hàng ngày Trang dùng chiếc điện thoại học thêm cách kinh doanh qua mạng và tìm hiểu thị trường tiêu thụ nông sản. Đến nay, Trang đã hiện thực hóa giấc mơ của mình, xây dựng cơ ngơi hoành tráng, thu nhập lãi hơn 10 triệu đồng/tháng, thậm chí vào những tháng giáp Tết hoặc vào dịp lễ Trang có thu nhập cao gấp đôi.

Trang chia sẻ, trở về quê trong túi chẳng có đồng xu nào cả. Chỉ bắt đầu từ mua nho, táo “nợ” của gia đình rồi cung cấp cho bạn bè và những người thân theo từng đợt hàng.
Trang cho biết, nghề kinh doanh thực sự không hề dễ dàng, nếu không cẩn thận khả năng thất bại rất cao. Trang bộc bạch: “Bí quyết trong kinh doanh phải tôn trọng khách hàng, hết sức mềm mỏng, quan trọng nhất là tạo được uy tín bằng những sản phẩm có chất lượng cao”.

Sản phẩm trước khi cung cấp cho thị trường phải thông qua kiểm tra, cắt tỉa, đóng gói kỹ lưỡng trước khi vận chuyển. Đối với những sản phẩm không đạt tiêu chuẩn cần loại bỏ ngay từ đầu. Với cách làm này, trung bình mỗi tháng Trang xuất bán 10 tấn nho, riêng ngày Tết số lượng tăng lên gấp nhiều lần.

Việc buôn táo được Trang thực hiện đến tận vườn để lựa chọn sản phẩm mua, đến giai đoạn thu hoạch thuê công để thu hoạch và vận chuyển. Qua quan sát, thấy những hộ nào khó khăn trong đầu tư Trang cho tạm ứng vốn để tái sản xuất, đến thu hoạch mới hoàn vốn mà không hề lấy đồng lãi nào. Chính vì vậy mà táo của Trang có đến đâu tiêu thụ hết đến đó, nhiều lúc không đáp ứng đủ cho khách hàng.

Nghề kinh doanh nông sản nhiều rủi ro nhưng Trang vẫn nỗ lực vì niềm đam mê

Trang kể, trong kinh doanh cũng có nhiều giai đoạn thăng trầm và chuyện bị lỗ cũng không hề tránh khỏi. Đầu năm 2017, Trang mua trọn vườn nho xanh của một nông dân, với diện tích hơn 1 sào, trị giá khoảng 40 triệu đồng. May mắn đã không mỉm cười với chị khi những cơn mưa liên tiếp ập đến, chỉ thời gian ngắn vườn nho bị hư hỏng gần hết. Nhẩm tính, lúc đó vườn nho hàng tấn chỉ còn lại vỏn vẹn 2 tạ, chị lỗ khá nặng. “Những lúc như thế này tưởng chừng dừng bước, tuy nhiên mình vẫn cố gắng khắc phục khó khăn, tập trung tìm kiếm thêm thị trường”, Trang tâm sự.

Tuy vóc người nhỏ bé, nhưng Trang đã tạo lập sự nghiệp khiến cho người người nể phục. 

Sản phẩm của chị hiện rất đa dạng, phong phú, ngoài táo, nho tươi, Trang còn đầu tư máy móc hiện đại và xây dựng nhà để chế biến táo, nho khô. Trong tương lai, Trang dự kiến đẩy mạnh sản phẩm vào các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên.

Tâm Công