dd/mm/yyyy

Nông thôn Tây Bắc: Cao Phong huy động sức dân xây dựng Nông thôn mới

Ở vùng Nông thôn Tây Bắc - huyện Cao Phong, (Hòa Bình), người dân góp hàng chục nghìn ngày công, hiến đất, ủng hộ tiền mặt... xây dựng nông thôn mới (XDNTM).

Dân là chủ thể trọng tâm XDNTM ở Nông thôn Tây Bắc

Xác định người dân là nhân tố quan trọng quyết định sự thành bại của công cuộc xây dựng nông thôn mới. Huyện Cao Phong luôn tập trung đẩy mạnh tuyên truyền vận động bà con nhân dân tham gia đóng góp, thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu Quốc gia XDNTM tại địa phương. Có thể nói, xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm làm thay đổi diện mạo nông thôn, mang lại cuộc sống sung túc, hạnh phúc cho người dân. Để thực hiện các tiêu chí nông thôn mới đạt hiệu quả cao, bên cạnh vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức của Đảng bộ và chính quyền địa phương, một động lực quan trọng không thể thiếu là phải phát huy được nội lực, sự đồng thuận, chung sức, đồng lòng của người dân. Tại huyện Cao Phong, vai trò ý nghĩa của sức dân đã được thể hiện một cách sinh động trong suốt lộ trình XDNTM trong thời gian qua.

Cao Phong (Hoà Bình): Huy động sức dân xây dựng nông thôn mới - Ảnh 1.

Hưởng ứng Chương trình XDNTM, người dân tham gia góp công làm nhà văn hoá xóm. Ảnh: Hà Hoàng.

Là 1 trong những người dân tiêu biểu trong phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương, ông Dương Văn Hải (phố Bằng, xã Tây Phong, huyện Cao Phong) cho biết: "Thời buổi này tôi biết đất rất quý, nhưng tôi xác định muốn xóm và xã phát triển đi lên, mỗi người dân cần nêu cáo tinh thần trách nhiệm của mình phối hợp với xã XDNTM. Khi triển khai làm đường bê tông trong xóm đi qua đất vườn của gia đình tôi, tôi đã hiến khoảng 100m2 đất thi công tuyến đường cho nó thẳng tắp và đẹp hơn. Có đường rộng và phẳng phiu thì ô tô sẽ vào mua cam, bưởi cho người dân nhiều hơn, bà con trong xóm sẽ có thu nhập cao hơn".

Cao Phong (Hoà Bình): Huy động sức dân xây dựng nông thôn mới - Ảnh 2.

Đường giao thông nông thôn được huyện Cao Phong nâng cấp, mở rộng và trồng hoa 2 vệ đường để tạo cảnh quan. Ảnh: Hà Hoàng.

Hơn 10 năm thực hiện chương trình XDNTM, cơ cấu kinh tế nông thôn trên địa bàn huyện Cao Phong tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Hệ thống chính trị cơ sở không ngừng được củng cố và phát huy sức mạnh tổng hợp. Các thành viên trong Ban Chỉ đạo nông thôn mới luôn đổi mới tư duy, nâng cao trách nhiệm trong việc đôn đốc các xã thuộc địa bàn được giao phụ trách, nhờ vậy đã kịp thời giải quyết những khó khăn và bức xúc trong nhân dân. Bên cạnh đó, huyện Cao Phong cũng luôn thực hiện tốt công tác bảo đảm an ninh quốc phòng được giữ vững và ổn định. Huyện đã tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhờ đó mà đời sống của người dân ở nông thôn được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt trên 33 triệu đồng/người năm. Tỷ lệ hộ nghèo liên tục được giảm xuống, đảm bảo đúng lộ trình kế hoạch đề ra.

Cao Phong (Hoà Bình): Huy động sức dân xây dựng nông thôn mới - Ảnh 3.

Nhờ chương trình nông thôn mới, đường xá được đầu tư mở rộng, tạo điều kiện cho người dân người dân vận chuyển nông sản, hàng hoá. Vì vậy đời sống của bà con ngày càng khấm khá, xây được nhà cao cửa rộng. Ảnh: Hà Hoàng.

Huy động tổng lực trong XDNTM ở Nông thôn Tây Bắc - Cao Phong

Theo ông Bùi Văn Dán, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Cao Phong, tỉnh Hoà Bình cho biết: sau khi thực hiện sáp nhập các xã trên địa bàn huyện có 9 xã, 1 thị trấn. Hiện nay huyện có 4 xã như Dũng Phong, Thu Phong, Nam Phong, Tây Phong đạt chuẩn nông thôn mới. Còn lại các xã đều đạt từ 11 đến 16 tiêu chí, không có xã đạt dưới 10 tiêu chí. Chúng tôi phấn đấu đến hết tháng 12/2021 sẽ đưa xã Bắc Phong đạt chuẩn nông thôn mới. Đồng thời tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các xã triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM năm 2022 và các năm tiếp theo. Tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, tổ chức các lớp đào tạo nghề nông thôn cho người dân để xoá đói giảm nghèo bền vững trong thời gian tới.

Cao Phong (Hoà Bình): Huy động sức dân xây dựng nông thôn mới - Ảnh 4.

Công trình thuỷ lợi suối Bưng được huyện Cao Phong đầu tư xây dựng, để chống sạt lở và bảo đảm đầy đủ nguồn nước tiêu cho người dân sản xuất. Ảnh: Hà Hoàng

Với phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ" và sự công khai, minh bạch về tài chính; cộng với sự động viên, khích lệ kịp thời từ các cấp ủy đảng, chính quyền, đến nay diện mạo nông thôn mới trên địa bàn huyện Cao Phong đã "thay da đổi thịt". Đời sống vật chất và thu nhập của người dân ngày càng cao, nhiều mô hình kinh tế mang lại giá trị cao như: Nuôi cá lồng, nuôi bò vỗ béo, nuôi trâu vỗ béo, trồng cây ăn quả có múi… Hệ thống giao thông nông thôn, trường, trạm y tế, nhà văn hoá, nước sạch, điện trong các xóm đã đáp ứng nhu cầu đi lại và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Hàng trăm hộ gia đình ở các xã trên địa bàn huyện Cao Phong (Hoà Bình) đã hiến hàng nghìn m2 đất, phá dỡ tường bao, các công trình phụ trợ để làm đường giao thông, đường nội đồng. Đạt được sự đồng thuận trên, đó là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị huyện Cao Phong trong triển khai công tác XDNTM.

Cao Phong (Hoà Bình): Huy động sức dân xây dựng nông thôn mới - Ảnh 5.

Ông Hà Văn Di, Bí thư huyện Cao Phong, tỉnh Hoà Bình cho biết, huyện luôn xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trong tâm và xuyên suốt. Ảnh: Hà Hoàng.

Theo ông Hà Văn Di, Bí thư huyện uỷ Cao Phong, tỉnh Hoà Bình nhận định, XDNTM là chủ trương lớn, thực hiện toàn diện trên các mặt kinh tế, y tế, giáo dục, giao thông nông thôn… Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ này, ngay từ khi bắt đầu, chúng tôi đã xác định công tác tuyên truyền, vận động nhân dân cùng tham gia là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt. Bởi "dân là gốc", 1 khi người dân hiểu rõ mục đích ý nghĩa của việc XDNTM, có sự nhất trí cao cùng tham gia mới có thể hoàn thành tốt và đạt hiểu quả cao.

Sau nhiều năm thực hiện phong trào thi đua "Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh", người dân trên địa bàn huyện Cao Phong đã tự nguyện đóng góp hàng tỷ đồng, hiến trên trăm nghìn m2 đất và hàng chục nghìn ngày công lao động để XDNTM. Bà con tham gia góp công làm đường giao thông nông thôn, sửa chữa kênh mương… cùng chính quyền địa phương xây dựng Cao Phong ngày càng khởi sắc. Kết quả XDNTM đã góp phần làm cho đời sống vật chất và tinh thần của người dân ở các xã thuộc huyện Cao Phong không ngừng được nâng lên.

Cao Phong (Hoà Bình): Huy động sức dân xây dựng nông thôn mới - Ảnh 6.

Bên cạnh tập trung chương trình nông thôn mới, huyện Cao Phong còn tuyên truyền người dân áp dụng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Nuôi trâu vỗ béo, nuôi bò, trồng cam, bưởi... Ảnh: Hà Hoàng.

"Chúng tôi thường xuyên đôn đốc và chỉ đạo các thành viên trong Ban Chỉ đạo nông thôn mới làm tốt công tác dân vận, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người dân. Để từ đó, đề ra các giải pháp thích ứng và xử lý nhanh và bảo đảm quyền lợi cho nhân dân. Bởi, suy cho cùng chương trình xây dựng nông thôn mới mục đích chính là mang lại lợi ích và đời sống âm no cho người dân. Tất cả các tiêu chí đều hướng với lợi ích của người dân. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thường xuyên xuống cơ sở kiểm tra đôn đốc. Tập trung sử dụng nguồn vốn xây dựng nông mới hiểu quả, không gây lãng phí, tuyệt không để nguồn vốn đầu tư của nhà nước bị thất thoát", ông Hà Văn Di, Bí thư huyện uỷ Cao Phong thông tin.

Hà Hoàng