dd/mm/yyyy

Nông thôn Tây Bắc: Bỏ ngô, lúa sang trồng chè, dân vùng này no ấm

Mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bỏ cây ngô, lúa năng suất thấp sang trồng chè, nhiều hộ dân ở huyện Tam Đường Lai Châu) đã sung túc, khá giả hơn.

Cây Chè trên đất Tam Đường

Nằm ở cửa ngõ của tỉnh Lai Châu, huyện Tam Đường có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế. Trước đây, người dân huyện Tam Đường chủ yếu sống dựa vào sản xuất nông nghiệp, trong đó lúa, ngô là hai cây trồng chủ lực. Do trình độ dân trí không đồng đều, tập quán canh tác lạc hậu, sản xuất mang nặng tính tự cung, tự cấp nên đời sống, thu nhập của người dân còn thấp. Thực hiện đề án phát triển vùng chè nguyên liệu của tỉnh Lai Châu, huyện Tam Đường đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, vận động người dân trồng chè. Các ban, ngành, đoàn thể của huyện, các xã, thị trấn cùng vào cuộc tuyên truyền, vận động người dân chuyển diện tích trồng lúa, ngô kém hiệu quả sang trồng chè, tạo nên phong trào trồng chè sôi nổi rộng khắp ở nhiều xã, bản trong huyện.

Lai Châu: Bỏ ngô trồng chè, dân vùng này no ấm - Ảnh 1.

Cây chè là một trong những cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế của huyện Tam Đường. (Ảnh: Thanh Ngân)

Trước giá trị kinh tế cao mà cây chè mang lại, nhiều hộ dân ở các xã, thị trấn của huyện Tam Đường đã mạnh dạn đưa cây chè vào trồng thay thế cây ngô, cây lúa. Những khu đất trống, đồi trọc, những diện tích trồng lúa, ngô 1 vụ, năng suất thấp dần phủ kín màu xanh của cây chè. Ở Tam Đường, cây chè phát triển mạnh tại các xã: Bản Bo, Bản Giang, Nà Tăm, Sơn Bình, Bình Lư, Thèn Sin và thị trấn Tam Đường, với các giống chè: Shan tuyết, Kim Tuyên, PH8. Hiện toàn huyện Tam Đường có gần 2000ha chè, trong đó có khoảng 1.200ha chè kinh doanh, sản lượng ước đạt 10.200 tấn/năm. Từ khi chuyển đổi sang trồng chè, thu nhập của người dân huyện Tam Đường được cải thiện rõ rệt, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa, ngô; Không ít hộ dân có thu nhập từ 100 - 300 triệu đồng/năm.

Bản Bo là một trong những xã đi đầu của huyện Tam Đường trong việc chuyển đổi diện tích trồng ngô, lúa 1 vụ kém hiệu quả, sang trồng chè chất lượng cao. Bản Bo cũng là xã có diện tích chè lớn nhất huyện Tam Đường. Toàn xã Bản Bo hiện có hơn 830ha chè, trong đó có hơn 530ha chè kinh doanh. 

Lai Châu: Bỏ ngô trồng chè, dân vùng này no ấm - Ảnh 2.

Người dân huyện Tam Đường có thu nhập ổn định từ trồng chè. (Ảnh: Thanh Ngân)

Nhờ trồng chè mà thu nhập, đời sống của người dân trong xã không ngừng cải thiện, nâng cao. Với thu nhập ổn định, người dân trong xã ngày càng chú trọng đầu tư thâm canh, mở rộng diện tích, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng chè búp tươi. Mỗi năm, cây chè đem lại nguồn thu cho người dân trên địa bàn xã từ 40 - 50 tỷ đồng.

Nhiều hộ dân khá giả nhờ cây chè

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt, ông Nguyễn Xuân Hoàn - Bí thư Đảng ủy xã Bản Bo, phấn khởi cho biết: "Cây chè đã và đang chiếm được cảm tình của người dân xã Bản Bo. Nhờ có cây chè mà cuộc sống người dân trong xã khá giải hẳn lên. Cũng nhờ có cây chè mà diện mạo của xã ngày càng khởi sắc. Xã thường xuyên phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện tổ chức tập huấn, chuyển giao kĩ thuật trồng, chăm sóc chè cho người dân. Người dân trong xã ngày càng mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào trồng, chăm sóc, thâm canh nương chè của gia đình. Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 39 triệu đồng/năm. Nếu không trồng chè, thì thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã khó có thể đạt mức cao như vậy".

Lai Châu: Bỏ ngô trồng chè, dân vùng này no ấm - Ảnh 3.

Toàn huyện Tam Đượng hiện có gần 2000ha chè. (Ảnh: Thanh Ngân)

Cũng như nhiều hộ dân khác ở bản Hưng Phong (xã Bản Bo), gia đình chị Phạm Thị Lý trồng chè từ nhiều năm nay. Với hơn 2ha chè Kim Tuyên, mỗi năm gia đình chị Lý bán cho Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển chè Tam Đường vài chục tấn chè búp tươi. Chị Lý chia sẻ: "Từ hơn 2ha chè kim tuyên, mỗi lứa, gia đình tôi thu từ 5 - 6 tấn chè búp tươi. Bán cho công ty với giá dao động từ 8.000 - 10.000 đồng/kg, gia đình tôi cũng thu trên dưới 50 triệu đồng mỗi lứa hái. Gia đình tôi thu từ 4 – 5 lứa chè/năm. Chăm sóc, thu hái đúng quy trình kĩ thuật nên nương chè của gia đình tôi luôn sinh trường, phát triển tốt, cho năng suất cao. Nhờ trồng chè mà cuộc sống của gia đình tôi ngày càng sung túc hơn".

Những năm gần đây, huyện Tam Đường đã làm tốt khâu rà soát, quy hoạch vùng sản xuất chè tập trung, trong đó có vùng chè chất lượng cao. Thực hiện đề án phát triển vùng chè chất lượng cao, thời gian tới huyện Tam Đường tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc người dân đầu tư thâm canh, chăm sóc diện tích chè hiện có, mở rộng diện tích trồng chè mới tại các xã, thị trấn.

Thanh Ngân