dd/mm/yyyy

Nông thôn mới Dương Quỳ: Đích đến không còn xa

Những con đường bê tông phẳng lì, thẳng tắp, nhà ở dân cư, trường học, trạm y tế, cơ sở vật chất văn hóa được đầu tư xây dựng khang trang; người dân các thôn trên địa bàn xã Dương Quỳ (Văn Bàn - Lào Cai) đang hối hả sản xuất vụ đông. Chúng tôi cảm nhận đích đến xã NTM không còn xa với xã Dương Quỳ.

Dương Quỳ là một xã miền núi thuộc khu vực III của huyện Văn Bàn, cách trung tâm huyện 15 km về phía Tây Bắc, tổng diện tích tự nhiên 10.462,57 ha, trong đó đất nông nghiệp 6.767,24 ha, đất phi nông nghiệp là 170,62 ha; đất chưa sử dụng 3.549,14 ha; địa hình phức tạp, nhiều đồi núi, dân cư không tập trung, giao thông đi lại khó khăn. Toàn xã có 13 thôn, với 1.272 hộ và 6.095 nhân khẩu, gồm 5 dân tộc cùng sinh sống: Tày 931 hộ; Dao 110 hộ; Xa Phó 46 hộ; Thái 121 hộ, Kinh 68 hộ.

Nông thôn mới Dương Quỳ: Đích đến không còn xa - Ảnh 1.

Đường giao thông được xây dựng khang trang tạo đà cho kinh tế - xã hội Dương Quỳ phát triển.

Năm 2010, khi Dương Quỳ bước vào triển khai thực hiện xây dựng NTM, xã mới chỉ đạt có 3 tiêu chí là thủy lợi, thông tin và truyền thông, y tế; thu nhập bình quân đầu người đạt 7 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo năm 2012 là 41,5%.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Trang Trại Việt về những kết quả đạt được trong xây dựng Nông thôn mới (NTM), ông Phùng Văn Thời – Chủ tịch UBND xã Dương Quỳ, chia sẻ: Mặc dù là xã vùng III, có xuất phát điểm thấp nhưng bằng những cách làm sáng tạo, thiết thực cộng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự chung sức, đồng lòng của người toàn dân, đến nay, có thể khẳng định rằng bức tranh nông thôn Dương Quỳ đã thực sự đổi thay và bước sang một trang mới. Đến nay, xã đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí, hiện chúng tôi đang nỗ lực hoàn thành nốt một số chỉ tiêu và phấn đấu đạt chuẩn NTM trong cuối năm nay.

Nông thôn mới Dương Quỳ: Đích đến không còn xa - Ảnh 2.

Người dân xã Dương Quỳ tích cực gieo trồng khoai tây vụ đông để nâng cao thu nhập.

Theo ông Thời, xây dựng NTM không phải ngày một, ngày hai mà đó là cả một quá trình lâu dài. Vì vậy, ngay từ khi bắt tay vào thực hiện, cấp ủy, chính quyền xã Dương Quỳ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động; thực hiện tốt phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng"; cử cán bộ bám, nắm cơ sở để kịp thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng của bà con và từ đó đề ra hướng giải quyết hợp tình, hợp lý.

Khi người dân hiểu rõ được ý nghĩa, tầm quan trọng của Chương, phong trào xây dựng NTM ở Dương Quỳ đã lan tỏa mạnh mẽ và phát triển rộng khắp. Từ chỗ bà con còn e dè, trông chờ vào sự hỗ trợ từ Nhà nước thì mấy năm trở lại đây, đã khơi dậy được ý chí chủ động vươn lên làm chủ trong sản xuất – đời sống của người dân; hàng trăm hộ gia đình đã tự nguyện hiến đất, giải phóng mặt bằng, đóng góp ngày công.

Nông thôn mới Dương Quỳ: Đích đến không còn xa - Ảnh 3.

Người dân nghèo ở thôn Nà Hạch được hỗ trợ gà giống trong phát triển sản xuất theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Đặc biệt, có nhiều hộ gia đình còn xung phong đóng góp nhiều hơn để sớm đạt được các tiêu chí, như: Đường giao thông, nhà văn hóa, trạm y tế, lớp học… Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi trong việc hoàn thành các tiêu chí nằm kế hoạch, tiến độ đã đề ra.

"Người nông dân chúng tôi được Đảng, Nhà nước quan tâm rất nhiều, đặc biệt là những hộ nông dân nghèo. Họ không chỉ đầu tư xây dựng đường giao thông, trường học, điện lưới quốc gia, kênh mương cho người dân mà còn hỗ trợ các loại cây giống, con giống mới năng suất cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nên bà con chúng tôi đều bảo nhau cần cù lao động sản xuất, phấn đấu thoát nghèo để xây dựng bản làng ngày càng phát triển đi lên" – Trưởng thôn Tông Hốc, Hoàng Văn Sư bảo.

Nông thôn mới Dương Quỳ: Đích đến không còn xa - Ảnh 4.

Trường học được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng nhằm phục vụ nhu cầu học tập của con em học sinh tại địa bàn.

Một trong những điểm sáng trong xây dựng NTM ở Dương Quỳ là trình độ trong phát triển sản xuất của bà con đã được nâng lên một cách đáng kể. Nếu như trước đây, người dân chỉ biết trồng cây ngô, cây lúa; nuôi vài con gà, con vịt chỉ để đáp ứng nhu cầu tự cung, tự cấp. Đến nay, người dân Dương Quỳ đã đẩy mạnh phát triển các mô hình sản xuất theo hướng hàng hóa, như: Mô hình nuôi ngựa sinh sản tại thôn Khuôn Đo, Tùn Trên; mô hình nuôi gà tại thôn Nà Hạch, Tông Hốc, Tùn Dưới.

Hàng chục ha đất trồng lúa đã được chuyển đổi sang thâm canh, tăng vụ trồng khoai tây, khoai lang và đã được liên kết với Công ty An Việt; mô hình trồng lúa BC 15 Thái Bình cho giá trị kinh tế cao, với diện tích 100 ha liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với người nông dân Dương Quỳ. Nhờ vậy, đã góp phần giải quyết được bài toán khó khăn trong thực hiện tiêu chí thu nhập và hộ nghèo. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ở Dương Quỳ đạt 33,2 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 11,95%.

Chặng đường về đích NTM trong cuối năm 2019 của Dương Quỳ đã ở rất gần. Hiện cấp ủy, chính quyền và người dân đang huy động mọi nguồn lực để hoàn thành một vài chỉ tiêu trong tiêu chí nhà ở dân cư để cán đích 19/19 tiêu chí.

PV Tây Bắc