dd/mm/yyyy

Nông sản Việt và những bài học thị trường

Điệp khúc được mùa rớt giá có lẽ là lời than vãn thường nghe nhất của nông sản Việt. Gần đến cuối năm, chúng ta thường ngồi lại với nhau liệt kê xem năm qua có bao nhiêu đợt nông sản rớt giá.

Sổ "đen" năm nay mới bổ sung thêm thanh long miền Tây và Bình Thuận. Từ đầu năm, danh sách có củ cải, su hào, khoai tây ở miền Bắc; ớt, dưa hấu, dưa leo ở miền Trung; mía, dứa, hay mít ở miền Nam. Hồ tiêu - từng được coi là vàng đen của Tây Nguyên - cũng rớt giá thảm hại và khiến nhiều hộ dân lâm vào cảnh vỡ nợ.

Gần như mỗi một tháng người Việt lại có một loại nông sản cầu cứu. Trong số đó, có nhiều mặt hàng được “giải cứu” thực sự bởi những cuộc vận động tiêu dùng hàng Việt vô cùng lớn như cuộc giải cứu thịt heo và dưa hấu cách đây gần hai năm. Từ việc là nguồn cơn cho nỗi thương cảm mạnh mẽ của công chúng, hiện tượng này trở thành câu chuyện diễn ra hàng ngày.

Người dân tham gia giải cứu dưa hấu tại TP.HCM. Ảnh: Thành Hoa
Người dân tham gia giải cứu dưa hấu tại TP.HCM. Ảnh: Thành Hoa

Trung Quốc tất nhiên là nhân vật phản diện chính của các cuộc giải cứu nông sản. Đây là thị trường lớn nhất của nông sản Việt, và các thương lái của họ cũng rất chủ động trong việc đến tận địa điểm để mua. Năm 2017, trong 3,5 tỉ đô la Mỹ kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau - củ - quả thì Trung Quốc đã chiếm đến 76% giá trị. Đây cũng là đích đến của phần lớn các loại nông sản khác của Việt Nam.

Lý do chủ yếu là bởi đây là thị trường lớn nhất thế giới, nhưng nhiều khi các thương lái Trung Quốc tạo ra cơn sốt ảo để tạo ra làn sóng đầu cơ kiểu đa cấp, qua đó họ có thể thu lợi bất chính bằng cách thổi giá lên trời như chuyện mua ốc bươu vàng hay đỉa cách đây gần 20 năm.

Buôn bán với Trung Quốc lại thường qua đường tiểu ngạch - tức là giao dịch qua biên giới mà không qua hợp đồng và các thủ tục khác như đường chính ngạch - khiến cho rủi ro tăng cao. Đặc thù của hàng nông sản lại thường khó bảo quản, bởi thế, chỉ một quyết định dừng nhập khẩu tiểu ngạch của

Nhà nước có thể hỗ trợ một phần từ quy hoạch, tìm hiểu thị trường, liên kết doanh nghiệp, hay cung cấp ưu đãi về tín dụng, nhưng những hộ sản xuất phải tự đưa ra quyết định kinh doanh và chịu trách nhiệm chính cho sự thành bại của các quyết định đó.

Trung Quốc cũng có thể khiến doanh nghiệp và nông dân Việt Nam lao đao. Hình ảnh những chuyến container ùn ứ hàng cây số ở Lạng Sơn, hay thương lái đổ bỏ dưa hấu vương vãi ở các cửa khẩu do không thể thông quan minh họa rõ nét cho rủi ro này. Cuộc “khủng hoảng thịt heo” cách đây hai năm có một phần là do quốc gia này siết chặt thương mại biên giới để bảo vệ các nhà sản xuất nội địa.

Đổ lỗi cho Trung Quốc là việc dễ dàng. Thế nhưng điều quan trọng hơn có lẽ là vấn đề ngược lại: tại sao nông sản Việt lại chỉ hướng đến thị trường Trung Quốc? Tại sao lại qua đường tiểu ngạch? Nông sản Việt có đủ chất lượng để hướng đến các thị trường cao cấp và ổn định hơn hay không?

Một cuộc giải cứu diễn ra một lần thì đó là thiên họa, một sự không may, hay thiếu hiểu biết. Nhưng nếu nó xảy ra nhiều lần, lặp lại, và trên quy mô lớn, thì đó là vấn đề của tư duy hệ thống. Và lúc đó, những cuộc giải cứu nông sản sẽ giống tình thế lưỡng nan của chính sách với người nghèo: nhiều người không muốn thoát nghèo bởi như vậy sẽ không còn được hưởng ưu đãi.

Phụ thuộc vào thương lái Trung Quốc là cách làm đơn giản, nhưng chứa nhiều rủi ro, như đã phân tích ở trên. Cách làm khác yêu cầu nông dân phải sản xuất chuyên nghiệp hơn, đảm bảo rất nhiều điều kiện khắt khe về tiêu chuẩn kỹ thuật, nắm bắt được thị trường, lựa chọn con giống... tất nhiên đòi hỏi sự đầu tư cả về tiền bạc và trí tuệ lớn hơn. Nông dân vẫn trồng dưa hấu - bất chấp tín hiệu thị trường, chất lượng và khả năng cạnh tranh - theo cách cũ, nếu biết dù không bán được cho thương lái, họ vẫn còn có thể được “bảo hiểm” bởi xã hội qua các chiến dịch giải cứu.

Nhưng người ta không thể ăn mãi hàng giải cứu, bất chấp thực tế là chất lượng nông sản được giải cứu thường không tốt. Và kể cả có chất lượng tốt, một gia đình không thể nhân đôi khẩu phần thức ăn mỗi ngày chỉ vì ở đâu đó có một mặt hàng bị dư thừa. Thậm chí có những câu chuyện dở khóc dở cười như một địa phương ở Quảng Trị ra công văn đề nghị mỗi công chức mua ít nhất 9 ki lô gam ớt để hỗ trợ nông dân. Mấy ai trong chúng ta ăn nổi hơn 100 gram ớt mỗi ngày?

Giải quyết vấn đề này, bởi thế, không cần những cuộc giải cứu mà cần sự thay đổi về tư duy kinh doanh của chính các hộ nông dân. Nhà nước có thể hỗ trợ một phần từ quy hoạch, tìm hiểu thị trường, liên kết doanh nghiệp, hay cung cấp ưu đãi về tín dụng, nhưng những hộ sản xuất phải tự đưa ra quyết định kinh doanh và chịu trách nhiệm chính cho sự thành bại của các quyết định đó.

Họ có thể tiếp tục phụ thuộc vào sự may rủi của biến động thị trường, nuôi trồng nông sản theo cách truyền thống và bị động chờ thương lái thu mua để bán sang Trung Quốc, hoặc chủ động sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng cao như VietGap hoặc GlobalGap để hướng đến các thị trường phân khúc cao hơn, ổn định hơn. Thành công của vụ vải thiều Bắc Giang năm nay, khi vải được xuất khẩu đến hơn 30 quốc gia, đồng thời thâm nhập vào hầu hết các chuỗi siêu thị lớn trên cả nước, là một ví dụ điển hình. Địa phương này, vào những năm trước, cũng đã phải tích cực kêu gọi người dân “giải cứu” vải.

Đất nước ta mới thực sự trải qua hơn 30 năm làm quen với kinh tế thị trường. Với nông dân, thời gian thậm chí còn ngắn hơn, do quá trình chuyển đổi chậm từ nền sản xuất tự cung tự cấp sang kinh tế hàng hóa. Những lần “được mùa mất giá”, bởi thế, mang đến những bài học về quy luật thị trường đắt giá cho họ. Trong quá trình đó, nông dân cần hỗ trợ rất lớn từ Nhà nước và xã hội bằng nhiều cách, nhưng chắc chắn không phải qua các chương trình từ thiện. Chỉ có người nông dân mới có thể lựa chọn cho mình những phương án sản xuất và kinh doanh có lợi nhất.

Nguyễn Khắc Giang