Sìn Hồ là huyện vùng cao còn nhiều khó khăn của tỉnh Lai Châu. Vào mùa đông, nhiệt độ ở cao nguyên Sìn Hồ giảm sâu, thấp hơn các địa bàn khác của tỉnh Lai Châu từ 1 độ – 3 độ. Mấy ngày gần đây, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, nhiệt độ ở vùng cao Sìn Hồ xuống dưới 10 độ C, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và sản xuất của người dân. Để bảo vệ đàn gia súc không bị thiệt hại do giá rét, huyện Sìn Hồ đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn người dân thực hiện nhiều giải pháp phòng chống rét cho trâu, bò.
Trò chuyện với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt, bà Trần Thị Thu Hiền – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sìn Hồ, cho biết: Trước đây, do nhận thức còn hạn chế nên nhiều hộ dân trên địa bàn huyện chưa mấy quan tâm đến đàn vật nuôi của gia đình. Tình trạng thả rông trâu, bò trên nương đồi diễn ra khá phổ biến và tồn tại ở hầu hết các xã, bản trong huyện từ nhiều năm liền. Cũng chính vì thả rông, không chăm sóc, bảo vệ nên không tránh khỏi tình trạng trâu bò bị chết do đói, rét. Có năm, số trâu, bò trong huyện bị chết rét lên đến hàng trăm con, gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế cho người dân.
Bà Hiền thông tin thêm: Vài năm trở lại đây, nhờ có sự tuyên truyền, vận động của các cấp, các ngành trong huyện, nhận thức và ý thức bảo vệ đàn vật nuôi của người dân trên địa bàn đã được nâng lên. Tình trạng người dân thả rông trâu, bò đã giảm rõ rệt. Người dân chuyển dần từ thả rông sang chăn dắt và làm chuồng trại nuôi nhốt trâu, bò. Đặc biệt là trước khi vào mùa đông, người dân đã tự giác sửa sang lại chuồng trại, quây bạt xung quanh chuồng nuôi và đưa trâu, bò về nuôi nhốt để tránh rét cho chúng.
Ý thức bảo vệ đàn gia súc của người dân nâng lên, cũng đồng nghĩa với tình trạng trâu, bò bị chết vì đói, rét giảm hẳn. Hai năm gần đây, mặc dù thời tiết ở Sìn Hồ vào mùa đông rét như kim châm, nhưng không có con trâu, con bò nào bị chết rét, vì được người dân bảo vệ tốt.
Chúng tôi đến nhà ông Tẩn Cha Phà, dân bản Phăng Sô Lin 1 (xã Phăng Sô Lin, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu) vào một ngày cuối tháng 12, đúng lúc ông đang quây bạt quanh chuồng, giữ ấm cho đàn trâu của gia đình.
Ông Phà tâm sự: Gia đình tôi nuôi trâu từ nhiều năm nay, chủ yếu là lấy sức cày kéo. Trước đây, tôi chủ yếu là thả rông trâu trên nương, đồi, chỉ khi nào đến mùa vụ mới đi dắt về để cày bừa đất. Khi đó gia đình tôi cũng chỉ nuôi có một con trâu thôi. Thả rông trâu dẫn đến nhiều hệ lụy, nó không chỉ gầy còm mà nguy cơ ngã vực hay chết vì đói, rét. Mấy năm nay, tôi không thả rông nữa, mà làm chuồng nuôi nhốt, cho ăn cẩn thận. Tôi trồng thêm cả cỏ voi để làm thức ăn cho trâu. Vào mùa đông, nhất là những hôm trời rét buốt, tôi quây bạt kín chuồng và đốt lửa sưởi ấm cho chúng. Hiện gia đình tôi có 7 con trâu, con nào con nấy cũng khỏe manh, béo tốt.
Tương tự như gia đình ông Phà, gia đình ông Sử, bản Phăng Sô Lin 1, cũng làm chuồng trại kiên cố và quây bạt xung quanh chuồng để giữ ấm cho 3 con trâu của gia đình.
Mấy hôm nay, thời tiết rét đậm, rét hại, nhất là vào sáng sớm và khi tối trời thì càng rét buốt hơn. Tôi trồng hơn 1.000m2 cỏ voi ngoài vườn nên không phải lo lắng về thức ăn cho chúng. Ngoài quây bạt xung quan chuồng, tôi còn đốt lửa sưởi ấm cho đàn trâu và cho chúng uống nước ấm, chứ không dám cho chúng uống nước lạnh – ông Sử chia sẻ.
Hiện trên địa bàn huyện Sìn Hồ có hơn 26.000 con trâu, bò, trong đó có hơn 22.000 con trâu. Nhờ chủ động trong công tác phòng chống rét cho "đầu cơ nghiệp" nên đàn trâu, bò trong huyện sinh trưởng, phát triển tốt, không xảy ra tình trạng trâu, bò bị chết vì đói, rét. Tỷ lệ tăng trưởng đàn gia súc trên địa bàn huyện đạt từ 3% – 5% mỗi năm.