Về thăm vùng kiệu trong những ngày này, không khí tất bật chuẩn bị Tết Nguyên Đán xuân Mậu Tuất 2018 dường như lan tỏa khắp nơi, từ trong nhà cho đến những cánh đồng bạt ngàn kiệu. Bây giờ, niềm vui của nông dân đã thể hiện rõ hơn trên các gương mặt, nhìn ai cũng hồ hởi, bởi niên vụ kiệu này nhà nào cũng bội thu, lợi nhuận cao.
Ông Trần Văn Minh (xã Cam An Nam, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) chia sẻ: “Mấy năm trước thời tiết thất thường, giá cả không ổn định. Bên cạnh đó người dân mua giống không tốt nên phần nào làm ăn rất chật vật. Chính vì đó mà cứ mỗi lần Tết đến, xuân về là bà con chạy khắp nơi để vay mượn tiền tiêu Tết. Riêng năm nay thì hoàn toàn khác, nhiều hộ khấm khá, nhờ có cây kiệu mà nhiều gia đình có tiền sắm sửa trang trí lại nhà cửa và thừa ra ít tiền để tiêu Tết.
Từ một vùng đất trồng mía, mì kém hiệu quả, ông Minh đã mạnh dạn cải tạo đất chuyển sang trồng kiệu và nghề này ông đã gắn bó hơn 5 năm nay, cho thu nhập ổn định hơn so với 2 loại cây trên. Theo ông, những vụ đầu do không biết nên mua một số giống trôi nổi ngoài thị trường dẫn đến cây kiệu thường hay bị chết, nhiều lúc chết nhiều đếm không xuể. Qua nhiều năm đúc kết kinh nghiệm, ông đã thuần thục hơn trong việc chọn cây kiệu giống. Chính vì việc chọn đúng giống nên vụ này ông thắng lợi, ước tính sản lượng khoảng 1 tấn/sào, tăng 200 – 300 kg/sào so với các năm trước.
Vườn kiệu 5 sào của gia đình ông tháng trước đã có người đặt hàng với giá 26 triệu đồng/sào. Tuy nhiên, ông quyết không bán và hiện đã có người đến hỏi mua với gần 30 triệu đồng/sào, ngay lập tức ông gật đầu. Nhẩm tính, vụ này sẽ thu về 150 triệu đồng, bình quân mỗi sào lãi gần 10 triệu đồng, lãi cao nhất từ trước cho đến nay.
Ông Minh chia sẻ thêm: “Việc trồng kiệu thành công hội tụ rất nhiều yếu tố. Ngoài thời tiết, thị trường, thì nguồn giống cũng là một trong những khâu quan trọng. Giống cây này mỗi năm chỉ trồng được một vụ. Chính vì đó khi chọn giống kiệu phải hết sức cẩn thận, tuyệt đối không nên chọn củ quá to, củ quá nhỏ hoặc củ bị sâu bệnh. Bởi củ to thì rất tốn chi phí, còn củ nhỏ sẽ làm cây yếu ớt và còi cọc chậm phát triển.
Hiện nay, ông đang mua giống kiệu của cơ sở Tám Na (huyện Tam Nông, Đồng Tháp). Ông Minh tiết lộ: “Trồng kiệu phải thường xuyên thay đổi chất đất, làm sạch đồng ruộng sau khi thu hoạch kiệu. Kiệu không nên trồng liên tục trong năm, bởi sẽ làm cho đất bị chai, dễ sinh ra sâu bệnh và làm cho năng suất không cao”.
Theo Hội Nông dân huyện Cam Lâm, mỗi khi mùa kiệu bắt đầu thì kiệu giống thường khan hiếm, một số nơi cung cấp không đúng nguồn giống nên chất lượng kiệu mấy năm trước không đạt tiêu chuẩn. Qua sự hướng dẫn, tập huấn của Hội mà nhiều hộ đã có kinh nghiệm trong việc chọn giống trên thị trường.