Nhiều mô hình bảo vệ môi trường hiệu quả
Đi đầu trong công tác này phải nói đến tập thể BCH Hội ND huyện Bình Sơn - đơn vị tiên phong trong triển khai xây dựng các mô hình ND tham gia bảo vệ môi trường. Toàn huyện có 100% cơ sở Hội đồng loạt triển khai với 97 mô hình đang hoạt động hiệu quả.
Theo Hội ND tỉnh Quảng Ngãi, những năm tới, các cấp Hội ND trong tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động ND nâng cao nhận thức chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ tài nguyên môi trường.
Đặc biệt, vận động ND tích cực bảo vệ rừng, trồng rừng và phủ xanh đất trống, đồi núi trọc; khoanh vùng khu chăn nuôi theo hướng chuỗi liên kết, khép kín để hạn chế tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường...
Điển hình như mô hình "Bảo vệ môi trường" ở Chi hội ND thôn An Cường, xã Bình Hải (huyện Bình Sơn), nơi trước đây người dân có thói quen vứt rác ra hai bên đường, lâu dần thành bãi rác gây ô nhiễm.
Chi hội ND An Cường đã phân công thành viên thường xuyên theo dõi để nhắc nhở người dân tập kết rác đúng nơi quy định và xin UBND xã hỗ trợ kinh phí lắp đặt camera tại các đoạn đường trên.
Nhờ vậy mà ý thức người dân dần được nâng cao, thói quen vứt rác cũng được khắc phục và hiện nay trên các đoạn đường này đã được hội viên ND trong thôn tự giác trồng hoa, tạo cảnh quan xanh, đẹp và thông thoáng.
Hay như mô hình "thu gom rác thải trên cánh đồng" của ND các xã Đức Phong, Đức Hiệp (huyện Mộ Đức) cũng đã được ND đồng tình hưởng ứng và được các cấp chính quyền ghi nhận và tuyên dương trong năm 2018.
Hội đã vận động hội viên ND đóng góp tiền mua hố bi ximăng đặt trên khắp các cánh đồng để làm nơi tập kết bao bì thuốc BVTV, đến cuối tháng sẽ được các chi hội trưởng ND của thôn đến thu gom và vận chuyển về nơi xử lý rác của xã để tiêu hủy (đốt và phân hủy).
Đặc biệt, trong năm 2019, Hội ND xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa đã thí điểm thành công mô hình phân loại rác thải trong sinh hoạt. Giải pháp của hội là tuyên truyền, vận động và hướng dẫn các hộ gia đình tự phân loại rác thải sinh hoạt ra thành từng loại và tổ chức xử lý bằng cách chôn lấp hoặc đốt. Còn rác thải rắn thì tập trung đến một địa điểm để xe thu gom rác đến gom đi.
Đồng thời, Hội ND tuyên truyền cho người dân trong thôn, xóm, hộ nào có gia cầm, gia súc chết là mang đi chôn lấp rồi phun thuốc khử trùng chứ không vứt bừa bãi như trước kia...
Miền quê ngày càng xanh - sạch - đẹp
Có thể khẳng định, sự đổi thay trên những cánh đồng ở các xã Đức Phong, Đức Hiệp (huyện Mộ Đức) và những con đường nông thôn sạch sẽ, ngát hương hoa như ở xã Bình Hải (Bình Sơn) hay các xã miền núi huyện Sơn Hà là nhờ sự nỗ lực của cán bộ hội viên, ND đã tích cực tham gia và tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức về công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước sạch cũng như bảo vệ chính cuộc sống của mỗi con người.
Hội ND tỉnh Quảng Ngãi cho hay, từ năm 2015 đến nay, các cấp Hội ND trong tỉnh đã vận động hơn 450.000 lượt người tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường ở nông thôn, tổ chức 678 buổi sinh hoạt với gần 24.500 lượt người tham dự các lớp truyền thông về Luật Bảo vệ môi trường, kiến thức về bảo vệ môi trường, quản lý sử dụng đất đai, sử dụng và bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách có hiệu quả.
"Hàng năm, hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường, Ngày Môi trường thế giới 5/6, các cấp Hội đã tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi thu hút hàng chục nghìn cán bộ, hội viên nông dân trong tỉnh tham gia. Các cơ sở Hội duy trì, phát triển các câu lạc bộ nông dân tự quản về bảo vệ môi trường, tổ thu gom xử lý rác thải…" - lãnh đạo Hội ND Quảng Ngãi thông tin.