Chuyện của “vua bò” vùng cao
Trong ngôi nhà 3 tầng khang trang, với những tiện nghi không kém gì những gia đình ở đất Hà thành, ông Sùng Phì Sinh (ở bản Tả Kố Khừ) cười sảng khoái: “Nhà cửa, đồ dùng của gia đình đều trông trờ vào đàn trâu, bò cả. Gần 20 nay gia đình tôi tập trung chăn nuôi đàn trâu bò, chứ trên thảo nguyên này chỉ có rừng với núi thì buôn bán được gì để làm giàu”.
Qua câu chuyện với chúng tôi, ông Sinh kể những ngày lang thang cùng đàn gia súc khắp thảo nguyên Tá Miếu. “Trang trại của gia đình tôi cách nhà hơn 2 giờ đi bộ, đấy là nơi tập trung đàn gia súc hơn 200 con của gia đình. Hàng tuần tôi và vợ thay nhau ngủ lại trang trại trông đàn trâu, bò; đất rộng, chỉ việc sáng thả gia súc, chiều gọi chúng về cho ăn muối, xem có nhầm lẫn với các gia đình khác không” ông Sinh tâm sự. Ngôi nhà 3 tầng khang trang, được xây dựng hơn 1,4 tỉ đồng là tiền ông Sinh bán mấy chục con trâu, con bò để xây dựng.
Như tâm sự của ông Sinh thì bà con trong xã Sín Thầu, chỉ trông ngóng vào đàn trâu, bò. Nhà nào có công việc đều bán trâu, bò; có nhà bán vài chục con cùng lúc, để mua ô tô, xây nhà mới. Đúng như lời ông Sinh kể, qua con số thống kê cả xã Sín Thầu, có gần 10.000 con trâu, bò, mỗi nhà vài chục con, có nhà vài trăm con.
Cũng giống gia đình ông Sùng Phì Sinh, nhà ông Chang Váng Sinh, bản Tá Miếu được mệnh danh là “Vua bò”. Nhà ông Chang Váng Sinh có nhiều trâu, bò nhất xã Sín Thầu, với đàn trâu, bò lên đến hơn 200 con.
“Họ cứ nói quá, chứ tôi có phải “Vua bò” gì đâu, chẳng qua đàn trâu, bò nhà tôi nhiều hơn các nhà khác vài chục con thôi. Nhưng phải công nhận đất ở đây nuôi gia súc rất tốt, ít bị dịch bệnh nên trâu, bò con nào con đấy cứ béo tròn. Mọi người chăn nuôi không sợ mất trộm vì ở nơi này người dân thật thà, chẳng ai lấy của ai, mà nhà nào chẳng có vài con đến vài chục con”, ông Chang Váng Sinh tâm sự.
Theo ông Chang Váng Sinh để đàn bò phát triển tốt, thì mọi người dân trong xã đều dự trữ nguồn thức ăn cho bò trong mùa đông. Khi gặt lúa, bà con trong xã hướng dẫn nhau cách ủ rơm làm thức ăn dự trữ cho gia súc. Nhiều gia đình trồng cỏ voi làm thức ăn, những mảnh đất nhỏ đều được tận dụng để trồng cỏ.
Khơi khát vọng làm giàu
Vừa bước xuống chiếc xe ô tô mới mua, ông Pờ Dần Sinh (ở bản Tả Kố Khừ), vui vẻ “Chỉ bán có hơn chục con bò là có ngay chiếc bốn bánh này đấy. Trước đây có nằm mơ cũng chưa bao giờ tôi nghĩ mình có ô tô mà đi, nhưng đàn trâu, bò đã cho gia đình tôi tất cả, từ nuôi con cái ăn học, dựng vợ gả chồng, giờ đến mua ô tô... cũng nhờ đàn bò”. Qua câu chuyện với ông Sinh, chúng tôi được biết tất cả các con ông đều được ăn học, có ngành nghề, người thì làm giáo viên, người học đại học báo chí... đều được ông bán bò đi lấy tiền nuôi con ăn học.
Theo ông Pờ Chinh Phạ - Phó Chủ tịch UBND xã Sín Thầu thì mô hình chăn nuôi gia súc đang được xã nhân rộng. Nhiều gia đình đầu tư vào nuôi trâu bò vì đem lại lợi nhuận kinh tế cao, vì thế xã Sín Thầu là địa phương có số lượng gia súc nhiều nhất của huyện Mường Nhé. “Đảng bộ xã có riêng một nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo nhân dân phát triển chăn nuôi đại gia súc. Đây là nhiệm vụ hàng đầu để lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo” ông Pờ Chinh Phạ nói.
Mô hình chăn nuôi gia súc được lãnh đạo xã tập trung chỉ đạo đang nhân rộng ra toàn xã Sín Thầu; nhiều gia đình đã đầu tư mua trâu, bò giống để chăn nuôi. Đến nay số hộ có từ 10 - 20 con trâu bò, chiếm khoảng 50% số hộ của xã. Nuôi trâu, bò đã mở ra hướng xóa nghèo của Sín Thầu, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống dưới 30%, là những con số tự hào của huyện Mường Nhé khi số hộ nghèo toàn huyện là trên 70%.