Thành phần dinh dưỡng của chuối với sức khoẻ
Chuối là loại trái cây phổ biến ở Việt Nam. Chuối được nhiều người yêu thích không chỉ bởi hương vị thơm ngon mà còn rất bổ dưỡng.
Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, đầu thế kỷ 20, Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ xếp chuối vào danh sách đầu tiên của siêu thực phẩm. Thành phần dinh dưỡng của chuối gồm:
Trong mỗi quả chuối sẽ có nhiều thành phần dưỡng chất quan trọng gồm:
- Calo: 89.
- Đường: 12.2g.
- Đạm: 1.1g.
- Carb: 22.8g.
- Chất xơ: 2.6g.
- Chất béo: 0.3g.
Chuối là thực phẩm giàu carbs, nhiều nhất là ở dạng tinh bột và đường. Trong quá trình chuối chín sẽ có sự thay đổi mạnh về thành phần carb.
Trong quả chuối chín có các loại đường: fructose, sucrose và glucose. Tổng lượng đường trong mỗi quả chuối chín lên đến > 16% trọng lượng tươi. Chỉ số đường huyết trong chuối khá thấp (42 - 58).
Tinh bột trong chuối chưa chín chủ yếu là tinh bột mà cơ thể không thể phân hủy để sử dụng làm năng lượng, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe và có ít calo hơn so với tinh bột thông thường. Do đó, nó là bổ sung tốt cho chế độ ăn uống nếu muốn giảm hoặc duy trì cân nặng. Ở trong ruột già, tinh bột của chuối được vi khuẩn lên men thành axit béo butyrate chuỗi ngắn tốt cho hệ tiêu hóa.
Ngoài ra, thành phần dinh dưỡng của chuối còn nhiều các loại chất xơ, điển hình là pectin có thể tan trong nước. Nếu chuối chín sẽ làm tăng tỷ lệ pectin hòa tan trong nước. Cả tinh bột kháng và pectin đều giúp cho lượng đường huyết sau bữa ăn không bị tăng lên.
Những người không nên ăn chuối
Chuối tuy tốt cho sức khoẻ nhưng không phải ai cũng có thể ăn được.
Dưới đây là những người được khuyến cáo không nên ăn chuối:
Người bị bệnh thận, có nồng độ kali cao
Báo Vietnamnet dẫn nguồn trang Eatthis chia sẻ lời khuyên của chuyên gia Melendez: "Những người có nồng độ kali cao cũng có thể mắc bệnh thận hoặc các vấn đề về thận. Hạn chế một số loại thực phẩm giàu kali (chuối, cam, dưa hấu) có thể giúp bạn cảm thấy tốt hơn và ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh".
Người bị đau dạ dày
Mặc dù chuối thường dễ tiêu hóa nhưng không phải ai cũng có thể dung nạp được. Chuối chứa nhiều đường fructose, sorbitol và chất xơ hòa tan, không tốt cho những người đang có vấn đề về đường tiêu hóa.
Ngoài ra, đối với một số người, chuối có thể gây đầy hơi do lượng chất xơ hòa tan và một loại rượu đường tự nhiên trong chuối. Mặc dù chất xơ hòa tan cần thiết trong chế độ ăn uống, nhưng quá nhiều có thể gây ra cảm giác đầy hơi ngay sau đó.
Vì vậy bạn hãy cân nhắc hạn chế khẩu phần của mình. Ví dụ, thay vì ăn một hoặc nhiều quả chuối mỗi ngày, hãy bắt đầu bằng cách ăn nửa quả để xem các triệu chứng của bạn có thuyên giảm không.
Lý do là những người mắc bệnh thận không thể loại bỏ kali khỏi máu. Nồng độ kali cao có thể dẫn đến đau tim hoặc tử vong.
Người đang uống một số loại thuốc
Cũng theo chuyên gia Melendez: "Có một số loại thuốc tương tác với thực phẩm. Vì vậy, bạn hãy hỏi bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để xem liệu bất kỳ loại thuốc nào bạn dùng có thể tương tác với chuối hay không".
Hai loại thuốc mà bạn nên tránh sử dụng khi ăn chuối là thuốc ức chế men chuyển (như lisinopril, enalapril hoặc ramipril) và spironolactone. Theo Trường Y Harvard, các thuốc này tăng nồng độ kali trong máu.
Người đang đói bụng
Nếu bạn nghĩ rằng ăn một quả chuối sẽ cung cấp năng lượng cho cả ngày thì bạn đã đúng. Nhưng bạn không nên ăn khi bụng đói vì chuối có tính axit. Các chuyên gia cho rằng dùng thực phẩm có tính axit khi bụng đói có thể dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa. Ngoài ra, chuối có nhiều kali và magiê nên ăn khi đói và ăn nhiều có thể dẫn đến dư thừa hai chất dinh dưỡng này trong máu, gây hại cho tim.
Chuối là loại quả giàu dinh dưỡng nhưng không phải ai cũng có thể ăn được. Nếu bạn thuộc nhóm những người trên hãy tránh xa chuối nhé.