dd/mm/yyyy

Những “người hùng” lặng lẽ trên đồng ruộng

Họ là những nông dân tỷ phú trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, tạo việc làm cho hàng chục lao động… tên tuổi của họ chưa một lần được xướng lên trong những dịp vinh danh. Nhưng chính hoa trái ruộng vườn đang từng ngày tôn vinh họ.

“Vua” lúa miền Bắc Cao Văn Lâm đang kiểm tra mạ

Biến đất thành vàng

Còn nhớ, năm 2013 khi nông dân bỏ ruộng “nở rộ” ở khắp các tỉnh miền Bắc do chi phí đầu vào cho sản xuất lúa lớn, đầu ra thấp, người trồng lúa không có lãi, dẫn đến bỏ ruộng. Vậy mà tại huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương - nơi có tỷ lệ bỏ ruộng khá cao, nông dân Cao Văn Lâm (sinh năm 1977 ở thôn Vũ Xá, xã Ngô Quyền) lại dám “cả gan” nhận lại tới 70 mẫu ruộng người khác chán bỏ để cấy cày.

Anh Cao Văn Lâm cho biết, năm 2012 khi nông dân bỏ ruộng, lên thành phố làm thuê, nên vào mùa cấy, gặt rất khó thuê người làm. Là người từng làm tại Công ty than Đông bắc Quảng Ninh, rồi kinh doanh xăng dầu, anh Lâm đã nhanh chóng nhìn ra cơ hội và quyết định đầu tư một máy gặt 300 triệu đồng để làm dịch vụ. “Khi đi gặt tôi mới biết, các xã lân cận nông dân bỏ ruộng rất nhiều, tôi chợt nảy ra ý tưởng “tích tụ” đất làm nông nghiệp” - anh Lâm chia sẻ.

Nhân lúc ở thôn người dân trả lại 11 mẫu ruộng công điền, anh viết đơn xin nhận thầu lại. Lãnh đạo xã, đang lúc chưa biết phải xử lý thế nào với số diện tích này, nay bỗng có người xin nhận, mà lòng vui như mở cờ. Còn người dân thì lời ra tiếng vào, bảo anh “hết khôn dồn dại”. Bỏ ngoài tai những đàm tiếu, anh bắt tay ngay vào việc. Sau một thời gian, khu ruộng nhận thầu của anh từ một vùng cỏ mọc um tùm, đã được phủ lên bằng màu xanh của mạ non. Cuối vụ đầu tiên, anh thu về hơn 10 tấn lúa tẻ và 3 tấn lúa nếp thơm, trừ chi phí cũng lãi 170 triệu đồng.

Từ thành công ban đầu, anh Lâm đã thầu thêm 30 mẫu ruộng mà người dân bỏ hoang; mua thêm một máy cày công suất lớn gần 600 triệu đồng và chọn làm mạ khay để cấy máy. Theo anh Lâm, cấy khay giúp cây lúa khỏe, cứng, ít bị đổ, kháng được nhiều loại sâu bệnh, cây đẻ nhánh rất khỏe, tiết kiệm được hạt giống.

Hiện anh Lâm đang cấy khoảng 70 mẫu rộng, doanh thu khoảng 1,2 – 1,5 tỷ đồng/năm, trừ chi phí lãi 700 - 800 triệu đồng và tạo việc làm cho hàng chục lao động, góp phần ngăn ngừa “nạn” bỏ ruộng ở Hải Dương.

Truyền cảm hứng nuôi con đặc sản

Mặc dù chỉ học hết lớp 5, nhưng anh Bùi Đăng Núi (ở xã Ứng Hoà, huyện  Thanh Oai, Hà Nội) vẫn làm nên một kỳ tích, trở thành tỷ phú, giám đốc một công ty chuyên nuôi và cung cấp ba ba, ếch, các sấu.

Anh Núi bảo: “Năm 1990 anh bắt đầu nuôi ba ba, ếch, nhưng vì chưa có kinh nghiệm nên lứa nuôi đầu tiên của anh thất bại, trắng tay”. Anh đi đến các trang trại ở huyện, rồi vào tận Hà Nam, Hải Dương… để học hỏi kinh nghiệm, đọc các sách, báo nghiên cứu…

Anh Bùi Đăng Núi bên trang trại nuôi con đặc sản (Ảnh TL)

Rút kinh nghiệm nuôi ba ba, ếch, anh chuyển sang cách nuôi trong bể, quây lưới cẩn thận. Hiện trang trại của anh Núi có hơn 100 con cá sấu; 1.000 cặp ếch bố mẹ, mỗi năm xuất khoảng 6 - 7 vạn con giống ra thị trường; 700 đôi ba ba bố mẹ và 12 cặp nhím, mỗi năm thu gần 1 tỷ đồng.

Về kinh nghiệm nuôi, anh Núi chia sẻ: “Nuôi ba ba quan trọng nhất là phải giữ cho nguồn nước luôn sạch, mỗi tháng nên rắc 1 lần nước muối, vôi, thuốc tím 7 lần/tháng. Ba ba nuôi khoảng 10 tháng/lứa, đạt từ 1,8kg trở lên, giá từ 300.000 - 420.000 đồng/kg. Mỗi lứa ba ba đẻ từ 20 - 30 quả, tỷ lệ ấp nở khoảng 80%”; “Với ếch, chỉ cần 18m2 là có thể nuôi được 1.000 con. Trung bình 2,5 - 3 tháng/lứa, khoảng 250g/con, giá từ 60 - 70.000 đồng/kg. Trừ hết chi phí lãi gần 100 triệu đồng/lứa”.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Núi còn giúp cho hàng chục hộ ở địa phương và các tỉnh thành khác cùng thoát nghèo và làm giàu; sẵn sàng nghe điện thoại và tư vấn cho bất kỳ nông dân nào về cách trị bệnh cho vật nuôi. Theo anh Núi, chỉ cần 40 - 50 triệu là có thể lập nghiệp bằng mô hình trang trại nuôi ếch hoặc ba ba, kết hợp cá... cho thu nhập từ 30 - 40 triệu đồng/năm.

Liên kết tạo nên cánh đồng bạc tỷ

Nông dân trở thành công nhân khi tham gia góp đất trồng rau, củ, quả với anh Phạm Văn Cương.

Anh Phạm Văn Cương sinh năm 1982, tốt nghiệp hai bằng đại học, trong đó có tấm bằng của Trường Kinh tế Quốc dân. Một ngày, người Tề Lỗ (ở Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) thấy anh Cương lân la từng gia đình hỏi nguyên nhân vì sao bỏ ruộng. Và khi đã có được câu trả lời, anh nói với bà con rằng: “Nếu cùng “góp” đất với tôi, từ nay bà con sẽ không phải bỏ ruộng, mà sẽ trở thành công nhân, có lương trên chính đồng ruộng của mình”.

Cũng giống anh Cao Văn Lâm (ở Hải Dương) là thuê lại đất của dân, song anh Cương chọn cách trồng rau, củ, quả sạch, an toàn. Thứ củ, quả anh chọn là khoai tây, bí đỏ, bí xanh, cà rốt, chuối tiêu hồng… Từ chỗ chỉ có 5ha năm 2012, đến nay anh Cương đã có gần 100ha đất thuê, liên kết với người dân để sản xuất, tạo việc làm cho hàng trăm lao động.

Mỗi năm anh Phạm Văn Cương thu hàng chục tấn khoai tây, mang lại giá trị hàng tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng chục lao động.

 “Đích của tôi hướng đến là sản xuất nông sản sạch. Ở thời điểm này giữa “sạch”, “bẩn” còn lẫn lộn, nên giá trị thu lại chưa như kỳ vọng. Trong tương lai đây sẽ là… “mỏ vàng” để tôi và người dân khai thác. Khi đó, chắc chắn sẽ không có ai muốn bỏ ruộng nữa và sẽ liên kết lại để sản xuất” - anh Cương chia sẻ.

Việt Tùng