dd/mm/yyyy

Những con đường “Hạnh Phúc” mới ở Mèo Vạc

Là huyện vùng cao núi đá, biên giới nơi địa đầu cực Bắc Tổ quốc; do nhiều nguyên nhân tác động làm cho đời sống của người dân huyện Mèo Vạc (Hà Giang) còn nhiều khó khăn, nhất là hệ thống đường giao thông nông thôn vẫn chưa được đầu tư hoàn thiện, đến hết năm 2018, toàn huyện Mèo Vạc còn trên 50 thôn chưa được kiên cố hóa đường đến trung tâm thôn.

Cùng chung tay làm đường

Từ những khó khăn trên, Ban Thường vụ Huyện ủy Mèo Vạc đã cho chủ trương phát động và tổ chức phong trào “Ngày thứ 7 cán bộ và nhân dân chung tay xây dựng nông thôn mới”; trọng tâm là huy động, kêu gọi xã hội hóa làm đường giao thông nông thôn.

Từ chủ trương đúng đắn của huyện, những con đường bê - tông đến các thôn, bản được hoàn thành ngày càng nhiều; đã mang lại một diện mạo mới cho nông thôn vùng cao nơi đây.

Những con đường “Hạnh Phúc” tạo thuận lợi cho nhân dân giao lưu, trao đổi hàng hóa.
Những con đường “Hạnh Phúc” tạo thuận lợi cho nhân dân giao lưu, trao đổi hàng hóa.

Phát huy truyền thống của các thế hệ thanh niên xung phong mở “con đường Hạnh Phúc” nối liền thành phố Hà Giang đi các huyện vùng cao nguyên đá Đồng Văn, và điểm cuối là trung tâm huyện Mèo Vạc hơn 50 năm trước, trong năm 2018 và 2019, huyện đã tập trung lãnh, chỉ đạo, phát động và triển khai thực hiện thường xuyên phong trào; 100% các cơ quan, đơn vị, địa phương trong huyện phát động và huy động cán bộ, công chức, viên chức tham gia xuống xã, thôn cùng người dân làm đường giao thông; quyên góp mỗi người ủng hộ 1.000 đồng/ngày để xây dựng các công trình phúc lợi tại các xã và kêu gọi, vận động xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân, các nhóm từ thiện, thiện nguyện trong và ngoài tỉnh đầu tư, tài trợ cho chương trình xây dựng nông thôn mới và làm đường giao thông.

Kết quả, đã có 12.311 cán bộ, nhân dân tham gia lao động, đắp được 14.810m lề đường; vận động các tổ chức, cá nhân tài trợ kinh phí, cùng với sự vào cuộc góp công, góp sức của cán bộ và nhân dân trong toàn huyện nâng cấp, mở mới và tu sửa trên 38.700m đường giao thông nông thôn, khơi thông cống rãnh, phát cỏ hành lang đường được 39.202m; vận động nhân dân hiến trên 36.000m2 đất và đóng góp trên 29.000 ngày công để nâng cấp 61.000m đường trục thôn, liên thôn.

Tiêu biểu trong chương trình xây dựng nông mới của huyện thời gian qua là phong trào “Ngày thứ 7 cán bộ và nhân dân chung tay xây dựng Nông thôn mới” được Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo, huy động cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện; cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Sơn Vĩ tham gia đóng góp 2.447 ngày công; cùng với sự chia sẻ, tài trợ kinh phí của Nhóm Áo ấm trao yêu thương Hà Nội, Nhóm Cầu Giấy trao yêu thương, Hội Doanh nghiệp huyện Mèo Vạc, Công ty TNHH Đầu tư TMDV Nguyễn Hoàng Thiện (thành phố Hồ Chí Minh),... ủng hộ trên 800 triệu đồng mua vật liệu đổ bê - tông con đường từ thôn Tù Lủng đi thôn Trù Sán dài 3,7km, mà người dân nơi đây vẫn quen gọi là con đường “Áo ấm, Cầu Giấy đại đoàn kết” đã từng bước hiện hữu đem lại hạnh phúc cho nhân dân vùng biên giới.

Nông thôn đổi thay

Từ sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Mèo Vạc; đến nay, bộ mặt nông thôn đã có sự đổi thay, những con đường bê tông nông thôn nối dài đến tận thôn, bản lên ngày càng nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân giao lưu trao đổi hàng hóa, phát triển kinh tế nông nghiệp.

Đoàn viên, thanh niên huyện Mèo Vạc tạo mặt bằng đổ bê tông đường dân sinh tại thôn Ha Súng, xã Pả Vi.
Đoàn viên, thanh niên huyện Mèo Vạc tạo mặt bằng đổ bê tông đường dân sinh tại thôn Ha Súng, xã Pả Vi.

Vì vậy, năm 2018 sản lượng lương thực đạt 35.364,94 tấn; giá trị sản xuất ngành Nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 616,38 tỷ đồng vượt kế hoạch đề ra; thu nhập bình quân đầu người đạt 16,27 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo năm 2018 giảm xuống còn 50,44%. Trong xây dựng nông thôn mới năm 2018, Mèo Vạc có 3 xã đạt từ 10-14 tiêu chí; 14 xã đạt từ 8-9 tiêu chí; trong đó, xã Pả Vi đạt 14 tiêu chí; 2 xã và 19 thôn đạt tiêu chí điển hình về phát triển kinh tế nông nghiệp đã minh chứng cho sự vượt khó, vươn lên mạnh mẽ của người dân nơi đây.

Để phát huy hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, trên cơ sở các nghị quyết, đề án của tỉnh; thời gian tới, Ban Thường vụ Huyện ủy Mèo Vạc tiếp tục tập trung lãnh, chỉ đạo quyết liệt nhằm phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu KT – XH theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện và chú trọng đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Đề án 1 triệu tấn xi măng; Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 17- NQ/TU ngày 07.9.2018 của BCH Đảng bộ tỉnh về tái cơ cấu kinh tế tỉnh Hà Giang đến năm 2030, Đề án nửa triệu con đại gia súc hàng hóa và Đề án mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2019; trong đó, tập trung vào các sản phẩm có thế mạnh của địa phương, như: Mật ong Bạc hà, thịt lợn đen Lũng Pù, bò Vàng, gạo Khẩu mang…

Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kịp thời biểu dương những gương điển hình trong xây dựng nông thôn mới; thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các xã thi công đường giao thông nông thôn. Tích cực kêu gọi và sử dụng hiệu quả các nguồn xã hội hóa trong xây dựng nhà lớp học, trụ sở thôn, nhà văn hóa và làm đường bê tông nông thôn,... từng bước hoàn thành các tiêu chí theo lộ trình xây dựng nông thôn mới đã đề ra.

Trần Quang Minh