dd/mm/yyyy

Nhiều quốc gia “mơ ước” giống lúa Việt Nam

Trong sản xuất lúa gạo, giống là một trong những yếu tố quyết định năng suất, chất lượng. Do đó, việc chọn tạo giống lúa luôn được Nhà nước đặc biệt quan tâm đầu tư, giao các viện nghiên cứu thực hiện, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp (DN) và tư nhân phối hợp tham gia nghiên cứu chọn tạo và thương mại giống lúa.

Được xem là "cánh tay nối dài" giúp đưa các thành tựu nghiên cứu giống lúa vào thực tiễn, nhưng DN đang gặp nhiều khó khăn về cơ chế trong hợp tác với các viện nghiên cứu. Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tại tọa đàm "Kết nối và hợp tác công tư trong nghiên cứu chọn tạo và thương mại giống lúa" do Hiệp hội ngành hàng Lúa gạo Việt Nam, Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam và Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức tại Thái Bình mới đây.

Việt Nam sở hữu bộ giống lúa nhiều quốc gia "mơ ước"

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), từ tháng 6/2014 đến 31/12/2019 đã có 119 giống lúa được công nhận giống quốc gia, hiện vẫn đang được thương mại hóa ra sản xuất. Từ 1/1/2020 đến nay (28/5/2024), có tổng cộng 267 giống lúa được công nhận theo Luật Trồng trọt, trong đó: Công nhận lưu hành 152 giống; gia hạn công nhận lưu hành: 82 giống và công nhận đặc cách: 33 giống lúa.

Nhiều quốc gia “mơ ước” giống lúa Việt Nam - Ảnh 1.

Phòng thử nghiệm Quốc gia tại Viện Nghiên cứu cây trồng thuộc Tập đoàn Thaibinh Seed có mã số Vilas 110, được đầu tư thiết bị hiện đại. Ảnh: T.L

"Các doanh nghiệp đặt hàng nghiên cứu cho các viện vì mỗi doanh nghiệp có nền tảng giống, năng lực và mục tiêu đầu tư khác nhau. Chỉ khi doanh nghiệp đầu tư từ giai đoạn nghiên cứu, sản phẩm mới có thể đáp ứng tốt nhất mục tiêu kinh doanh của họ".

GS -TS Nguyễn Hồng Sơn

Việt Nam đang có bộ giống lúa rất đa dạng, đồng thời chất lượng giống ngày càng được nâng cao. Đến năm 2024, nhiều giống lúa chất lượng đã chiếm ưu thế trong sản xuất, như: Đài thơm 8, OM18, OM5451, TBR225, RVT, ĐS1, ST24, ST25… Giống chất lượng gạo thấp IR50404 từ chỗ trên 1,3 triệu ha năm 2015 ở ĐBSCL giảm xuống còn 176.000ha năm 2023. 

Tương tự, giống lúa Khang dân 18 hiện nay đã không còn chiếm ưu thế ở Đồng bằng sông Hồng, Trung du miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ, thay vào đó là các giống lúa thuần chất lượng: TBR225, Thiên ưu 8, Đài thơm 8, HT1, Bắc thơm 7, các giống Japonica, lúa lai chất lượng Thái Xuyên 111, Lai thơm 6...

Cục Trồng trọt đánh giá, Việt Nam đang có bộ giống lúa hội đủ các tiêu chí: Ngắn ngày, chống chịu sâu bệnh tốt, khả năng thích ứng rộng, năng suất cao, chất lượng tốt, là mơ ước của nhiều nước trong khu vực. Đồng thời với sự dịch chuyển bộ giống lúa chất lượng cao, giá gạo của Việt Nam hiện đã thuộc top đầu thế giới.

Việc hợp tác công tư trong nghiên cứu chọn tạo và thương mại giống lúa cũng ngày một phát triển. Nhiều giống lúa của các viện nghiên cứu đã được chuyển nhượng, chuyển giao cho DN, từ đó nhanh chóng được thương mại hóa ra sản xuất và góp phần vào thành tựu xuất khẩu gạo ra nhiều thị trường lớn trên thế giới.

Nhiều vướng mắc trong hợp tác nghiên cứu, chuyển giao giống lúa

Nhiều quốc gia “mơ ước” giống lúa Việt Nam - Ảnh 2.

Các đại biểu thăm cánh đồng khảo nghiệm các giống lúa tại Viện Nghiên cứu cây trồng thuộc Tập đoàn Thaibinh Seed. Ảnh: M.H

Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều đại biểu tham gia tọa đàm, chuỗi sản xuất lúa gạo của nước ta đang còn nhiều vướng mắc. Bà Trần Kim Liên – Phó Chủ tịch Hiệp hội ngành hàng Lúa gạo Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Vinaseed cho biết, các giống lúa tốt cần có các doanh nghiệp đưa vào thực tiễn, tuy nhiên từ chính sách cho tới thực tiễn đang có độ trễ so với mong muốn của DN.

Cụ thể, các hình thức hợp tác công - tư giữa DN và các viện nghiên cứu đang phụ thuộc vào Nghị định số 70/2018 của Chính phủ về "quy hoạch việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước". Điều này khiến các DN không có quyền sở hữu các giống lúa, dù họ có đóng góp nhiều vào quá trình nghiên cứu.

Bà Trần Kim Liên cho rằng, cả DN lẫn các viện nghiên cứu đều rất mạnh dạn hợp tác công - tư nhưng đến nay chúng ta vẫn thiếu hành lang pháp lý cụ thể cho việc hợp tác này. Từ năm 2018 đến nay, các viện không thể chuyển giao bản quyền giống cây trồng cho DN dù DN có tham gia vào quá trình nghiên cứu. Thay vào đó chỉ là hình thức chuyển giao quyền sản xuất kinh doanh.

"Khi nhiều bên cùng tham gia vào thì sẽ rất khó tìm tiếng nói chung, có vấn đề xảy ra không ai chịu trách nhiệm. Vận dụng cơ chế chính sách chưa thông thoáng thì DN rất khó mạnh dạn đổi mới, ứng dụng cái mới và giống mới. Do đó, các cơ quan quản lý cần có chủ trương, chỉ đạo, hướng dẫn các viện nghiên cứu hướng xử lý đối với các giống cây trồng đã bán trước khi thi hành Nghị định số 70/2018" - bà Liên đề nghị.

Ông Trần Mạnh Báo - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed cho biết, việc thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu giữa các viện và doanh nghiệp đang rất vướng. Các DN nông nghiệp, trong đó có các DN làm giống đang gặp khó khăn trong việc đổi mới khoa học công nghệ do hạn chế về nguồn lực kinh tế, kiến thức, nhân lực, trình độ và công nghệ. 

"Đặc biệt, việc bảo vệ thương hiệu rất khó khăn. Mạng xã hội bán giống giả rất nhiều, tôi được biết nhiều người quảng cáo bán giống ngô F1 nhập từ Nhật Bản, nhưng thực ra làm gì có. Bên cạnh đó, hiện tượng bán bao trắng, không thương hiệu không nhãn hiệu vẫn tồn tại khá phổ biến ở ĐBSCL. Còn ở miền Bắc, cũng rất nhiều nơi mua giống lúa xác nhận về, gieo giống rồi bán lại cho nông dân. Ở nước ngoài không được phép làm như vậy, nhưng nước ta thì chưa có cách nào xử lý. Do không bảo vệ được thương hiệu, thì về lâu về dài DN sẽ không ai muốn làm, không thể nào "sống" nổi nếu cạnh tranh bán giống kiểu này" - ông Trần Mạnh Báo nêu vấn đề.

Để minh bạch cơ chế hợp tác công - tư, Chủ tịch ThaiBinh Seed kiến nghị, thứ nhất, nhà nước phải tăng cường đầu tư cho khoa học công nghệ, bởi không có khoa học công nghệ thì không thể phát triển được. Thứ hai, cần điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế hợp tác công tư, chính sách về thực hiện các nhiệm vụ khoa học và chuyển giao sản phẩm nghiên cứu.

GS-TS Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp (VAAS) cũng khẳng định: "Nếu chỉ dựa vào nguồn lực khoa học công nghệ của Nhà nước như hiện nay, chúng ta không thể đáp ứng yêu cầu của thế giới và yêu cầu phát triển trong giai đoạn này. Chúng ta cần xã hội hóa, cần sự đầu tư của các DN bằng nguồn vốn đầu tư khoa học công nghệ, để Việt Nam có thể nhận khoa học từ nước ngoài hoặc tự chủ nghiên cứu trong nước".

Minh Huệ