dd/mm/yyyy

Hiệu quả từ các mô hình, dự án hỗ trợ hội viên nông dân phát triển nông nghiệp bền vững

Hội nông dân Sơn La liên kết với Đại sứ quán các nước, các tổ chức phi chính phủ, hỗ trợ hội viên nông dân thông qua các dự án; giúp hội viên tiếp cận với cách thức sản xuất khoa học, hiện đại, từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu và nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Clip: Hiệu quả từ các mô hình, dự án hỗ trợ hội viên nông dân phát triển nông nghiệp bền vững

Nông dân Sơn La ứng phó với biến đổi khí hậu

Đứng trước những tác động nặng nề từ biến đổi khí hậu (BĐKH), Việt Nam nói chung và khu vực Tây Bắc nói riêng đã chứng kiến nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan trong những năm qua. Sản xuất nông nghiệp, một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng mạnh nhất của BĐKH, ngày càng trở nên bấp bênh, nhiều rủi ro hơn. Chính vì vậy, làm nông như thế nào để có thể ứng phó được với BĐKH là vấn đề không chỉ được Nhà nước đặt ra mà đã được các tổ chức triển khai.

Giai đoạn 2018-2024, toàn tỉnh Sơn La tiếp nhận 3 dự án liên kết với Đại sứ quán các nước và các tổ chức phi chính phủ do Hội Nông dân tỉnh Sơn La làm đầu mối. Các dự án được triển khai tại các huyện: Mộc Châu, Vân Hồ, Mai Sơn, Yên Châu, Thuận Châu, với tổng số trên 1.200 hộ nông dân tham gia. Các hộ nông dân được chuyển giao khoa học kỹ thuật; hỗ trợ giống, phân bón, ứng dụng khoa học kỹ thuật, từng bước làm thay đổi tư duy, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Hiệu quả từ các mô hình, dự án hỗ trợ hội viên nông dân phát triển nông nghiệp bền vững- Ảnh 1.

Hội nông dân Sơn La liên kết với Đại sứ quán các nước, các tổ chức phi chính phủ, hỗ trợ hội viên nông dân phát triển nông nghiệp. Ảnh: Văn Ngọc

Tại Dự án Tăng cường tiếng nói và năng lực của các nhóm nông dân người dân tộc dễ bị tổn thương đối với BĐKH ở Tây Bắc Việt Nam (VOF) Được triển khai trong giai đoạn 2019-2022, Dự án VOF hướng tới hỗ trợ đồng bào người dân tộc tăng cường khả năng phục hồi trước tác động của BĐKH tại vùng Tây Bắc Việt Nam thông qua việc thúc đẩy nông nghiệp thông minh, ứng phó với biến đổi khí hậu và sự tham gia của người dân vào quá trình ra quyết định. Dự án do Hiệp hội Tổ chức Xã hội Dân sự Đan Mạch (CISU) tài trợ, thông qua Tổ chức Phát triển Nông nghiệp Đan Mạch Châu Á (ADDA) và do PanNature điều phối các hoạt động, phối hợp thực hiện cùng với Hội nông dân tỉnh Sơn La và Lai Châu. Trọng tâm của dự án là mô hình Làng nông nghiệp ứng phó với BĐKH.

Anh Khuất Hữu Dương, xã Xuân Nha (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) chia sẻ: "Ngày xưa thì đúng là không hiểu gì về BĐKH, về hiệu ứng nhà kính, cứ nghĩ là chỉ có thành phố mới gây tác hại thôi chứ mình thì không. Làm gì đã biết đốt nương, bón phân, dùng thuốc trừ cỏ là ảnh hưởng đến khí hậu đâu. Vào Nhóm mô hình Làng nông nghiệp ứng phó với BĐKH, thì mọi người mới biết được, nắm được là bón phân đạm, phân lân nhiều cũng tạo ra BĐKH ấy chứ. Ngày xưa thì kệ, chứ giờ người dân biết bón phân hợp lý rồi. Xưa cứ phát nương là đốt, nhưng giờ người ta không đốt nữa, biết giữ lại làm thảm thực vật rồi. Trước đây cứ làm nương thì hầu như năm nào cũng xảy ra cháy rừng. Nhưng giờ hiện tượng cháy rừng còn mấy nữa đâu".

Hiệu quả từ các mô hình, dự án hỗ trợ hội viên nông dân phát triển nông nghiệp bền vững- Ảnh 2.

Nông dân Sơn La xử lý phụ phẩm nông nghiệp thành phân bón hữu cơ. Ảnh: Văn Ngọc

Chị Hà Thị Bông, trưởng nhóm Nông dân ứng phó BĐKH bản Nà Khái (xã Sặp Vạt, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) chia sẻ: Trung tâm của mỗi Làng Nông nghiệp ứng phó BĐKH - Dự án VOF là một nhóm nông dân nòng cốt do chính dân làng bầu ra. Với chị Bông và các anh chị em khác trong nhóm, việc tham gia Dự án không chỉ đơn thuần để tự cải thiện kỹ thuật canh tác và chăn nuôi để ứng phó tốt hơn với BĐKH. Họ đã áp dụng các kỹ năng được trang bị để trở thành một lớp "tuyên truyền viên" tích cực và bền bỉ để thúc đẩy cộng đồng xung quanh áp dụng các thực hành nông nghiệp bền vững.

Thông qua các lớp tập huấn cung cấp kiến thức và nâng cao nhận thức, người dân tham gia dự án VOF đã giúp cộng đồng người nông dân hiểu được BĐKH và ô nhiễm môi trường có thể bắt nguồn từ chính tập quán canh tác nông nghiệp mà họ đã và đang duy trì. Từ đó người nông dân có thêm động lực chủ động thay đổi phương thức sản xuất, hướng tới nông nghiệp thông minh ứng phó với BĐKH.

"Khi họp nhóm thì mình đều yêu cầu các thành viên cũng phải tuyên truyền đến các hộ trong bản. Cũng như qua các đợt sinh hoạt bản, sinh hoạt đoàn thể, hay cả khi ngồi ngoài chợ, nếu người ta hỏi thăm về hoạt động và mô hình của mình thì các thành viên cũng rất là nhiệt tình để trao đổi", chị Bông nói.

Hiệu quả từ các mô hình, dự án hỗ trợ hội viên nông dân phát triển nông nghiệp bền vững- Ảnh 3.

Nông dân huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào cánh tác nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu. Ảnh: Văn Ngọc

Nông dân Sơn La phát triển sản xuất bền vững

Còn đối với Dự án FFF về hỗ trợ rừng và trang trại do Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) tài trợ, giai đoạn 1 (2019-2022) đã xây dựng các mô hình kinh tế trang trại và rừng ở huyện Mộc Châu, Vân Hồ và Thuận Châu đạt nhiều kết quả tích cực. Diện tích cây dược liệu được trồng dưới tán rừng tăng gần 100 ha; các trang trại trồng cây lâu năm được cải tạo. Từ kết quả đó, Dự án đã được gia hạn đến năm 2025.


Hiệu quả từ các mô hình, dự án hỗ trợ hội viên nông dân phát triển nông nghiệp bền vững- Ảnh 4.

Mô hình Làng nông nghiệp ứng phó với BĐKH áp dụng cách tiếp cận lấy người nông dân làm trung tâm và thúc đẩy cộng đồng một cách tổng thể gồm nâng cao nhận thức và năng lực ứng phó với BĐKH của cộng đồng. Ảnh: Văn Ngọc

Ông Nguyễn Văn Tiến, HTX Tiến Thành, xã Chiềng Xuân, huyện Vân Hồ, chia sẻ: Năm 2021, sản xuất của HTX gặp khó khăn, do nguồn nước khan hiếm. Vì vậy, HTX đề nghị với dự án FFF hỗ trợ phương án khắc phục. Theo đó, các kỹ sư nông nghiệp đưa ra giải pháp giữ thảm cỏ trong vườn, giữ ẩm cho đất, sử dụng các loại phân bón kích thích sự phát triển của bộ rễ cây, tăng sức chịu đựng. Riêng thời điểm cây ra hoa, hướng dẫn sử dụng các bể chứa dự trữ nước, đảm bảo đủ nước tưới cho cây. Đến nay, tổng diện tích canh tác của HTX đã phát triển lên 60 ha, sản lượng đạt 100 tấn quả, thu nhập 1,4 tỷ đồng/năm, trung bình mỗi thành viên thu nhập từ 140-250 triệu đồng/năm.

Hiệu quả từ các mô hình, dự án hỗ trợ hội viên nông dân phát triển nông nghiệp bền vững- Ảnh 5.

Các dự án hỗ trợ sản xuất đã giúp hội viên nông dân từng bước thích nghi với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Ảnh: Văn Ngọc

Ông Bạc Cầm Khuyên, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết: Tham gia dự án, khả năng chuyển hướng sản xuất, thích ứng của các hộ, nhóm hộ có nhiều chuyển biến tích cực, hạn chế được tác động của biến đổi khí hậu. Từ năm 2023 đến nay, nắng nóng kéo dài, mưa lũ đã gây thiệt hại 3.782 ha cây trồng bị. Do đó, việc chuyển đổi giống và phương pháp gieo trồng theo kiến thức được chuyển giao từ các dự án nhằm từng bước hạn chế thiệt hại do tác động của thời tiết. Đồng thời, nâng cao khả năng chủ động phòng dịch bệnh, ưu tiên thay đổi phương thức chăn nuôi từ chăn thả sang bán chăn thả, hoặc nuôi nhốt.

Có thể thấy, các dự án hỗ trợ sản xuất đã giúp hội viên nông dân từng bước thích nghi với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Hội Nông dân tỉnh đang tiếp tục tìm kiếm, chọn lọc các dự án phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất bền vững.

Văn Ngọc