dd/mm/yyyy

Nhà nông Sóc Sơn liên kết trồng chè, chăn nuôi gà đồi

Từ nguồn vốn Quỹ HTND, hàng nghìn hộ nông dân trên địa bàn huyện Sóc Sơn (Hà Nội) không chỉ có vốn đầu tư phát triển sản xuất mà còn biết liên kết tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp làm ra có chất lượng cao.

Nâng cao giá trị sản phẩm

Với 300 triệu đồng Quỹ HTND cho vay, các hộ tham gia dự án “Trồng và chăm sóc chè giống mới” ở xã Bắc Sơn không chỉ có cơ hội mở rộng sản xuất, tăng thu nhập mà còn liên kết trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chè sạch. Ông Nguyễn Hữu Hồng – Chủ tịch Hội ND xã Bắc Sơn cho biết: Bắc Sơn là xã có địa hình bán sơn địa, nhiều gò đồi, chất đất nơi đây rất thích hợp với cây chè. Tuy nhiên, trước đây các hộ dân trồng chè theo phương pháp truyền thống (gieo trồng bằng hạt), bán sản phẩm thô chưa qua sơ chế dẫn đến chè làm ra không có thương hiệu, bán với giá thấp.

Nông dân Sóc Sơn thu hoạch chè. TH
Nông dân Sóc Sơn thu hoạch chè. TH

Để hỗ trợ người trồng chè, năm 2012, Hội ND xã đứng ra thành lập và điều hành HTX nông lâm nghiệp Bắc Sơn với mục đích phát huy thế mạnh của địa phương đối với cây chè, tiến tới xây dựng thương hiệu “Chè sạch Bắc Sơn” trên thị trường. HTX đã xây dựng mô hình sản xuất, tiêu thụ chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.

Bên cạnh đó, Hội ND xã còn xây dựng dự án vay vốn Quỹ HTND “Trồng và chăm sóc chè giống mới” từ tháng 7.2014 đến tháng 7.2016, với sự tham gia của 15 xã viên trong HTX. “Đến nay, dự án đã kết thúc nhưng tất cả các hộ đều trả vốn vay đúng hạn và đầu tư mở rộng sản xuất, thu nhập cải thiện rõ rệt” - ông Hồng khẳng định.

Là 1 trong 15 hộ vay vốn, chị Nguyễn Thị Huyền (thôn Phúc Xuân) bộc bạch: “Năm 2014, được vay 20 triệu đồng vốn Quỹ HTND tôi đã mạnh dạn chặt bỏ 10 sào giống chè cũ để thay bằng giống chè mới, trong đó có 7 sào trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Tuân thủ nghiệm ngặt quy trình trình trồng chè VietGAP dù với giá bán cao (dao động từ 200.000 – 400.000 đồng/kg chè khô) gia đình tôi vẫn tiêu thụ chè dễ dàng nên rất phấn khởi”.

9.000 lượt hộ nông dân vay vốn

Không chỉ gia đình chị Huyền, trên địa bàn huyện Sóc Sơn có rất nhiều hộ nông dân đã phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn vay từ Quỹ HTND. Ông Nguyễn Văn Đông – Chủ tịch Hội ND xã Nam Sơn cho hay: Nam Sơn được coi là “thủ phủ” chăn nuôi gà đồi của huyện Sóc Sơn với nhiều trang trại tận dụng lợi thế vườn đồi nuôi theo kiểu bán hoang dã dưới tán cây ăn quả. Toàn xã có gần 3.000ha đất tự nhiên thì có tới 2/3 diện tích là đồi, rừng nên người dân đã tận dụng các lợi thế tự nhiên để chăn thả gà.
Theo ông Đông, nhằm hỗ trợ người dân địa phương phát huy thế mạnh chăn nuôi gà đồi, Hội ND xã đã phối hợp với Ban Điều hành Quỹ HTND TP.Hà Nội giải ngân 300 triệu đồng Quỹ HTND cho 15 hộ dân vay vốn, mỗi hộ vay 20 triệu đồng, phí vay 0,4%, thời gian vay 36 tháng (Tháng 10.2014-10.2017).

Cùng với đầu tư mở rộng quy mô nuôi gà, thông qua dự án vay vốn Quỹ HTND, các hộ dân xã Nam Sơn đã tập hợp lại thành nhóm theo sở thích để thực hiện chuỗi liên kết nuôi gà đồi Sóc Sơn. “Hiện tại, Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn có 30 thành viên, quy mô chăn nuôi trung bình 60.000 - 70.000 con/năm. Nhờ chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm nên giá bán gà thịt luôn cao hơn 10% so với gà nuôi đại trà” – ông Đông cho biết.

Chủ tịch Hội nông dân huyện Sóc Sơn Nguyễn Quốc Ân cho biết: Trong 5 năm (2012 - 2017), cùng với hoạt động đào tạo nghề ngắn hạn cho ND, hướng dẫn nông dân xây dựng nhiều mô hình trình diễn, mô hình kinh tế tập thể nhằm khai thác nguồn lực, phát huy tiềm năng đa dạng của địa phương, Hội ND huyện tranh thủ sự quan tâm của TP, tăng cường phát triển nguồn Quỹ HTND huyện đạt trên 35 tỷ đồng đầu tư cho 9.000 lượt hội viên ND vay vốn.

Thu Hà