Mê hoa lan từ thuở 16
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn phong lan rộng trên 800 m2 với hàng ngàn giò phong lan đắt giá, anh Đặng Văn Oanh rủ rỉ kể chuyện. Anh đi vùng kinh tế mới cùng gia đình từ năm 1994. Từ vùng quê huyện Chương Mỹ (tỉnh Hà Tây cũ nay là TP. Hà Nội), bản thân anh đã có sở thích sưu tầm phong lan. Mới bước vào vùng đất Lâm Hà được một năm thì chàng "7X" đã lặn lội lên rừng để kiếm tìm phong lan về trưng trong nhà, thỏa mãn đam mê của bản thân.
“Ngày đó, xung quanh nhà mình rừng rú nhiều lắm, phong lan thì vô số kể. Lúc bấy giờ tìm cái ăn cho no cái bụng chứ mấy ai nghĩ đến chơi lan. Mình rất thích phong lan nên thường xuyên vào rừng để tầm lan, chủ yếu là các loại thủy tiên, long tu, kim điệp. Mình cứ lấy về ghép vào các cục dớn, rồi tưới nước thế là cây thuần, ra hoa hàng năm. Cứ thế đến giờ, mình giữ lại được những giò lan đẹp, gom góp lên vườn lan rừng như bây giờ”, anh Oanh nhớ lại.
Mới đầu khi lấy lan về anh Oanh chỉ treo quanh nhà chứ chưa có sự đầu tư bài bản, giàn sắt, tưới tự động như bây giờ.
Đến nay, sau 23 năm sưu tầm và tích lũy, anh Đặng Văn Oanh đã có vườn lan rừng lớn nhất trong giới chơi lan ở huyện Lâm Hà, với trên 5.000 giò phong lan đã thuần, ước tính giá trị khoảng 3 tỉ đồng. Anh Oanh được nhiều anh em trong giới chơi lan đến học hỏi và giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc thuần dưỡng phong lan rừng.
Mua lan giá cao, "khai" với vợ là giá thấp
“Năm 2017, để có các giống phong lan quý như giả hạc Hòa Bình đột biến 5 cánh trắng, hạc vỹ đột biến trắng, tôi đã đầu tư trên 1 tỉ đồng để mua. Quan niệm của tôi, mua các loại phong lan quý hiếm, đắt giá thì chủ nhân không bao giờ lo lỗ, chỉ cần không để cây chết thì sẽ có lời. Từ các cây con ươm mầm từ thân mẹ (kei), thì các chủ vườn có thể tự ươm để có các giống lan theo ý muốn...”, anh Đặng Văn Oanh chia sẻ.
Chủ nhân vườn lan đắt giá cho biết, từ năm 1995 đến năm 2014, anh chỉ sưu tầm và chăm lan để thỏa mãn đam mê của mình, thế nhưng 4 năm nay, nhận thấy giá trị kinh tế của phong lan khá cao nên anh đã chuyển qua kinh doanh, buôn bán.
Ban đầu chị Hiền, vợ của anh Oanh khá khó chịu khi anh mang tiền trăm triệu, tiền tỉ của gia đình đi mua lan về trồng, thế nhưng được chồng thuyết phục bằng việc thu lại lợi nhuận lớn chị đã đồng ý cùng chồng đầu tư vốn để kinh doanh. “Khi mới kinh doanh, tôi đi mua cây phong lan 100.000 đồng nhưng nói dối vợ nói chỉ có 50.000 đồng, để vợ đỡ xót ruột...”, anh Oanh tâm sự.
Hiện nay, vườn lan của anh Đặng Văn Oanh được trang bị hệ thống tưới phun sương tự động, được bao lưới sắt B40 xung quanh để đề phòng “lan tặc”. Bên trên giàn được chủ nhân lợp lưới nhựa. Anh Oanh cho hay, loại lưới này có tác dụng giảm độ nắng cho phong lan. Vườn lan của anh chia làm 2 ô: Ô thứ nhất anh lợp loại lưới 70% sáng, dành cho những giò lan đã thuần. Ô còn lại được treo những giò lan đang thuần, thì anh chỉ lợp loại lưới 50% sáng (loại lưới có chỉ số ánh sáng thấp thì càng mát và ngược lại – PV).
Dựa vào tiêu chí cây phong lan thuần hay không mà chủ vườn lan lại chia vườn thành 2 tầng khác nhau. Tầng trên cao anh Oanh treo những giò đã trưởng thành, thuần vườn, ít phải theo dõi chăm sóc. Tầng dưới thấp cách đất 1,5 m, anh treo những giò lan chưa thuần, cần phải theo dõi, chăm sóc nhiều. Chính vì sự sắp xếp khoa học mà vườn lan của anh luôn xanh tốt, thân cây mập cho giá trị cao khi bán ra khỏi vườn.
Chủ vườn lan rừng quý hiếm này cho biết, phân bón anh thường dùng là phân vi sinh tự trộn, trong đó có phân bò, dê, hoặc phân tằm trộn với trấu lúa, cùng một phần nhỏ phân chì tan chậm để cây phát triển tốt nhất. Theo anh Oanh, tốt nhất nên tưới lan vào buổi sáng. Nếu tưới buổi chiều anh khuyên mọi người nên tưới từ 15h đổ lại, nếu tưới muộn quá, ánh nắng đã hết, nước tưới sẽ đọng lại giữa các kẽ lá qua đêm, từ đó sinh ra bệnh và gây thối nhũn thân lan.
Đến nay, mỗi năm vườn phong lan rừng mang lại cho vợ chồng anh Oanh khoảng 150 triệu đồng tiền lãi, công việc lại rất nhẹ nhàng và thoải mái. Ngoài ra, anh Oanh còn chăm sóc 1,5 ha cà phê, cho năng suất trên 5 tấn, tạo thu nhập cao, làm giàu chính đáng cho bản thân và gia đình.