Cặp gà tre Serama đen sinh sản
Cái tính "gàn" cứ bám riết ông, lần này ông lại đầu tư nuôi những giống gà quý hiếm có những cái tên lạ hoắc với nông dân địa phương. Chuyện ít ai dám làm của ông Ba Thành bước đầu đã cho hiệu quả khiến người dân ngưỡng mộ.
Hiện nay, trên vùng đất núi hóc Chổi nằm dưới chân dãy đồi Tượng, cách xa thôn Diễn Khánh, xã Hoài Đức gần 1km, ngoài vợ chồng ông Ba Thành còn có gia đình ba người con gồm hai trai một gái cũng theo ông làm nông nghiệp đang sở hữu đến 2ha đất.
Trên vùng đất này, ngoài 4 nhà kính với tổng diện tích 2.000m2 trồng rau công nghệ cao, đại gia đình ông Ba Thành còn đang sở hữu gần 200 con heo, bò; 300 cây vừa cam sành vừa bưởi da xanh đang cho trái và 500 trụ tiêu kinh doanh. Đó là thành quả gia đình ông Ba Thành gây dựng suốt 18 năm qua.
Ông Ba Thành giới thiệu chăm sóc đàn gà quý hiếm
Dù đã chạm đến tuổi “cổ lai hy”, nhưng cái máu “đột phá” trong người ông Ba Thành vẫn hừng hực. Đầu năm 2017, ông tiếp tục mày mò, tìm hiểu kỹ thuật nuôi các loại gà quý hiếm
như: Gà Đông Tảo, gà Ai Cập, gà đen Mông, gà ri, gà Phùng Dầu Sơn (Khánh Hòa), gà tre Serama (Thái Lan)… những cái tên nghe lạ hoắc đối với nông dân địa phương.
Sau khi tìm hiểu những cơ sở cung cấp nguồn giống có uy tín, ông Ba Thành cấp kinh phí, giao cho con gái út là chị Ba Thị Kim Liên nhiệm vụ đi tham quan học hỏi kinh nghiệm chăm sóc, phòng bệnh gà giống ở Trung tâm Giống gia cầm các tỉnh Quảng Nam, Khánh Hòa.
Trong chuyến tham quan, chị Liên quyết định mua 30 gà mái đang thời kỳ đẻ trứng, 10 gà trống khác dòng gồm: Gà đen Mông, gà siêu trứng Ai Cập, gà Phùng Dầu Sơn. Sau đó, ông Thành còn sưu tầm thêm các giống gà “khó nuôi” như Đông Tảo, gà ri, gà tre Serama (Thái Lan) đưa về nuôi thử nghiệm, ông sắm thêm 1 máy ấp trứng đảo tự động công suất 500 trứng/mẻ để cung ứng nguồn giống cho bà con trong vùng.
Theo chị Liên, người trực tiếp chăm sóc đàn gà, mặc dù đã được các nhân viên kỹ thuật ở các trại giống gia cầm truyền đạt kinh nghiệm, giới thiệu đặc điểm sinh trưởng của từng loài, cùng quy trình chăm sóc rất kỹ lưỡng, nhưng khi bắt tay vào nuôi chị đã không khỏi “run” vì chúng toàn là loài... quý hiếm, sợ sẽ rất khó nuôi.
Những con gà trống đen HMông trưởng thành
Thời gian đầu, chị chăm sóc chúng theo hình thức nuôi nhốt. Nhưng qua theo dõi, nhận thấy chúng không thích ứng với môi trường nuôi công nghiệp, do đó chúng cứ èo uột, chậm phát triển.
Từ đó, chị Liên chuyển sang hình thức nuôi thả rông, chấp nhận hao hụt, đến giai đoạn này đàn gà của ông Ba Thành mới thực sự phát triển ổn định.
“Đối với gà Mông, loài có nguồn gốc hoang dã nên rất thích nghi với môi trường tự nhiên, có sức đề kháng tốt, ít dịch bệnh; còn gà Ai Cập và Phùng Dầu Sơn cũng rất dễ chăm sóc, giỏi kiếm ăn, thức ăn cũng không cầu kỳ, chủ yếu là lúa với bắp, chúng ăn cũng rất ít. Ưu điểm của các giống này là đẻ sai, mỗi con cho từ 14 - 16 trứng/lứa/tháng.
Đặc biệt các giống gà Đông Tảo, gà tre Serama được cho là khó nuôi, nhưng khi “ép” chúng nhập chung đàn thả rông thì chúng cũng dần thích nghi với môi trường tự nhiên, thích nghi với các loại thức ăn không “sang trọng” nên cũng phát triển khá ổn định”, chị Liên cho hay.
Sau hơn 1 năm đưa vào nuôi và nhân giống, hiện đàn gà giống và gà thịt của ông Ba Thành luôn ổn định từ 300 - 400 con. Mỗi ngày trại gà của ông ngoài cung ứng hàng trăm quả trứng cho bà con trong vùng còn xuất bán gà thịt thương phẩm. Gà trống có trọng lượng từ 1,5 - 2kg, gà mái từ 1,2 - 2kg có giá bán từ 150.000 - 200.000đ/kg. Riêng gà Mông và gà Ai cập siêu trứng, con giống 1 ngày tuổi có giá 30.000đ/con; con giống 1 tháng tuổi có giá 70.000đ/con, gà mái đang sinh sản 6 tháng tuổi có giá 100.000đ/con; giống gà tre Serama và gà ri có giá 350.000đ/cặp trống mái.