Tân Thành là xã có diện tích chè lớn nhất nhì huyện Hàm Yên, với trên 130 ha. Vùng chè ở đây được đánh giá cao về năng suất và chất lượng, nhờ thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn nước phù hợp. Trước đây, bà con trồng chè ở Tân Thành chủ yếu thu hái và sơ chế thủ công để bán cho các tiểu thương nên giá trị kinh tế không cao và thiếu sự ổn định.
Ông Bàn Văn Dương (ở thôn Việt Thành, xã Tân Thành) từng nhiều năm kinh doanh chè, chủ yếu thu mua từ Thái Nguyên rồi phân phối tại các tỉnh. Nhận thấy cây chè quê mình có nhiều tiềm năng nhưng chưa được phát huy đúng mức, khâu chế biến còn thô sơ, bà con thường xuyên rơi vào cảnh ép giá nên ông rất trăn trở.
Năm 2013, ông Dương quyết định thành lập HTX Chè Tân Thái 168 với mong muốn xây dựng thương hiệu chè quê hương. Yếu tố đầu ra với thị trường tiêu thụ ổn định là điểm hạn chế của chè Tân Thành, nên ông bỏ thời gian đến các tỉnh tìm hiểu nhu cầu khách hàng. Cuối cùng, ông chọn Quảng Bình là tỉnh để phát triển thị trường đầu tiên, bởi ở đây có nhu cầu tiêu thụ cao, khách hàng không quá khó tính. Mặt khác, HTX luôn đảm bảo khép kín các khâu từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm.
Không giống như các đơn vị khác chủ yếu chú trọng việc sản xuất, 8 xã viên của HTX Chè Tân Thái 168 đều có nhiệm vụ phát triển thị trường, phụ trách các khâu trong kinh doanh và tìm kiếm nguồn khách hàng.
“Kinh doanh chè mang tính đặc thù, bởi chất lượng, trọng lượng của sản phẩm nhiều khi người tiêu dùng không thể nắm rõ. Nhưng nếu vì vậy mà làm ẩu thì sớm muộn họ sẽ quay lưng, do đó chúng tôi luôn chú trọng đến chữ tín, không vì cái lợi trước mắt mà làm ảnh hưởng đến đối tác của mình”, ông Dương chia sẻ.
Ngoài ra, ông Dương cũng rất chú trọng đến khâu sản xuất. Nguyên liệu của HTX được lấy từ 50 ha chè ở Làng Bát (xã Tân Thành), trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông đã chủ động ký kết thu mua chè với 30 hộ dân, trong đó người dân phải tuyệt đối cam kết về quy trình sản xuất chè sạch. Để có được nguồn nguyên liệu ổn định và chất lượng, ông tự đứng ra mở các lớp tập huấn về sản xuất chè an toàn cho người dân. Đồng thời cung ứng các loại phân bón, chế phẩm sinh học đảm bảo tiêu chuẩn VietGAP, theo hình thức “trả chậm bằng sản phẩm” mà không lấy lãi.
Hiện, ông Dương đã có một tổng đại lý tại thị xã Ba Đồn (tỉnh Quảng Bình), đại lý tại Quảng Trị và đưa sản phẩm tới nhiều tỉnh miền Trung. Chất lượng sản phẩm ngày một nâng cao, 1kg chè Tân Thái 168 được bán với giá trên 200.000 đồng. Mỗi năm, đơn vị tiêu thụ trên 40 tấn chè với doanh thu xấp xỉ 4 tỉ đồng.
Mới đây, HTX Chè Tân Thái 168 đã khánh thành một cơ sở sản xuất, chế biến chè tại thôn 2 Tân Yên (xã Tân Thành) với các thiết bị, máy móc, kho chứa... cần thiết để đáp ứng mở rộng kinh doanh. Ngoài ra, mong ước của Giám đốc Bàn Văn Dương là bao tiêu toàn bộ sản phẩm chè của bà con trong huyện, đảm bảo sản xuất chè theo đúng quy trình VietGAP, chú trọng phát triển bền vững.