dd/mm/yyyy

Ngược dòng Đà Giang

Đà Giang là cái tên quen gọi của dòng sông Đà dữ dằn, hung tợn với “trăm bảy mươi thác, trăm ba mươi ghềnh” được ví như con trăn khổng lồ uốn lượn qua miền rừng núi Tây Bắc.

Sông Đà dữ dằn, hung tợn đã đi vào những trang sách xưa của cố nhà văn Nguyễn Tuân. Nhưng con sông ấy cũng kể cho chúng tôi nghe bao câu chuyện truyền thuyết lẫn đời thường thú vị. Và trong chuyến ngược Đà Giang, cảnh sắc hoang sơ, tuyệt đẹp cũng được phơi bày trước mắt mấy người lữ khách.

Mây núi và dòng sông Đà trong sáng tinh sương.
Mây núi và dòng sông Đà trong sáng tinh sương.

Soi bóng núi Tản

Chúng tôi bắt đầu hành trình ngược Đà Giang từ mảnh đất Ba Vì - cửa ngõ của Thủ đô. Sáng mùa hè trời đất trong xanh, cao rộng, chúng tôi đặt chân tới vùng đất của truyền thuyết Núi Tản - Sông Đà. Những cánh rừng bạt ngàn xanh thẳm VQG Ba Vì ngày ngày soi mình xuống dòng sông Đà cuồn cuộn phù sa. Cả dãy núi Tản - nơi có đền Thượng thờ Đức Thánh Tản Viên như một con rồng khổng lồ uốn mình cúi xuống uống nước sông Đà. Sông mang màu huyền thoại linh thiêng cùng với dãy núi Tản là nơi khởi thủy của thời đại Hùng Vương, để từ đó một dân tộc với nền văn hóa, văn minh ra đời.

Sông Đà sau khi tạo ra công trình thế kỷ Nhà máy thủy điện Hòa Bình đã trở nên lành tính, lặng lẽ, êm đềm với màu đỏ của phù sa tươi tốt. Chiều về trên cây cầu Đồng Quang mới to rộng chúng ta không còn nghe thấy tiếng gọi đò qua dòng Đà Giang như năm nào. Bóng chiều nghiêng soi mặt nước sông lấp lánh, đôi bờ là cảnh sắc thanh bình của những làng quê đang đổi thay từng ngày.

Sáng hôm sau, chúng tôi dậy thật sớm để đón ánh bình mình đầu tiên và bắt đầu chuyến đi ngược dòng con nước lên miền Tây Bắc. Xe chúng tôi lăn bánh dọc theo cung đường đê men theo sông Đà trên mảnh đất Thanh Thủy, Thanh Sơn - Phú Thọ. Những “rừng cọ đồi chè đồng xanh ngào ngạt” rì rào trong gió thổi trên dòng nước miên man đỏ nặng phù sa.

Rong ruổi qua “vịnh Hạ Long trên cạn”

Từ địa phận TP. Hòa Bình ngược lên phía Tây Bắc, sông Đà bắt đầu tạo ra cảnh sắc ấn tượng với lòng hồ thủy điện mênh mông sóng nước. Từ đây một bức tranh kỳ vỹ, nguyên bản đúng chất phóng khoáng của dòng sông Tây Bắc xuất hiện. Chúng tôi cùng nhau chạy xe theo cung đường mang tên Tây Tiến để xuống bến cảng Thung Nai (huyện Cao Phong, Hòa Bình). Đã hẹn với chàng lái trẻ từ hôm trước, nên mọi người nhanh chóng được yên vị trên chiếc thuyền sắt đã chờ sẵn mép nước.

Thuyền nổ máy phành phạch, bắt đầu rẽ làn nước xanh biếc của Đà Giang để tiến lên phía trước. Tiếng máy, tiếng nước xô mạn thuyền ầm ầm nhưng vẫn không xóa được âm thanh của ca ngàn đời bỗng vang vọng trong đầu tôi:

Ai lên tới Thung Nai, Đà Bắc

Dọc sông Đà, bến Ngọc long lanh

Thăm đền Chúa Thác Hòa Bình

Chợ Bờ, hang Miếng thác ghềnh cheo leo

Thắng cảnh Thung Nai hùng vỹ trên vùng lòng hồ Hòa Bình chính là chỗ sông Đà phình ra to nhất trong hành trình 527km (có tài liệu ghi 543km) trên đất Việt thân yêu. Nhìn từ trên cao khúc sông Đà tạo thành lòng hồ thủy điện Hòa Bình như một con rết khổng lồ với nhiều chân tỏa đi đôi ngả. Sông rộng dài, mênh mông đến mức mấy kẻ lữ khách ngồi trên thuyền nhiều khi chỉ nhìn thấy núi rừng đôi bờ mờ mờ ảo ảo trong ánh nắng mùa hè.

Thuyền tròng trành trên sóng nước, những cơn gió thồi vù vù liên tiếp táp vào cơ thể mọi người. Sóng ở vùng giữa lòng hồ cũng dữ dội, ồn ào chẳng kém gì sóng biển. Sóng cuộn lên, đập vào mạn như muốn ăn tươi nuốt sống con thuyền nhỏ. Vài du khách dạo Thung Nai dường như đến độ cao trào của sự sung sướng. Chỉ cần ngó mặt ra cửa thuyền là bọt nước tạt ngay vào mặt cho cảm giác lạnh ngắt. Ai cũng thích, cũng thử, rồi hò hét sảng khoái.

Sông Đà phình ra rộng mênh mông với khung cảnh thơ mộng.
Sông Đà phình ra rộng mênh mông với khung cảnh thơ mộng.

Con thuyền giờ đây chỉ còn nhỏ như một chiếc lá tre cứ chồm lên, chồm xuống trên làn sóng nước. Nền trời cao rộng xanh thẳm như để hòa cùng với sông, với núi, tạo ra bức tranh phong cảnh tráng lệ. Giữa tiếng sóng nước và máy nổ, chúng tôi ngồi lại gần bên nhau để cùng luận bàn về tên gọi Thung Nai. Có người nói rằng xưa kia nơi đây là một vùng thung lũng hoang sơ được bao bọc bởi các dãy núi trùng điệp. Trong rừng già có rất nhiều nai, và người ta đặt cho nó cái tên Thung Nai. Khi sông Đà bị chặn dòng làm thủy điện thì cả vùng thung lũng ấy trở thành lòng hồ mênh mông. Nhiều mỏm núi xưa giờ đã trở thành các hòn đảo nổi.

Quả vậy, cứ mỗi khi ngó mắt ra khỏi con thuyền là chúng tôi lại bắt gặp những mỏm núi đá vôi nhô lên khỏi mặt nước. Dù to hay nhỏ, có cây cối hay hoang vu thì các hòn đảo này đều vắng bóng người. Nó cứ sừng sừng đứng giữa dòng sông như để tạo dáng cho cảnh quan thêm ấn tượng, mà có nhiều người mê mẩn quá đặt luôn cho cái tên “Vịnh Hạ Long trên cạn”.

Cứ như thế, con thuyền đưa chúng tôi lướt qua hàng trăm, hàng nghìn đảo đá vôi với muôn hình vạn dạng. Trong đó, đảo lớn nhất trên lòng hồ Hòa Bình mang tên Nhân Nánh, oai nghiêm trơ gan cùng tuế nguyệt.

Cảm giác thích thú, hào hứng nên dường như không ai để ý thời gian, chẳng mấy chốc thuyền đã tạt vào bến Thác Bờ. Chúng tôi xuống thuyền lên thăm đền - nơi thờ Bà Chúa Thác Bờ. Ngôi đền bên sông Đà mang trong mình cả những giai thoại lẫn câu chuyện lịch sử. Từ người già đến đứa trẻ ở vùng đất Cao Phong, đôi bờ sông Đà đều biết chuyện ngày xửa ngày xưa kể lại rằng, để ngăn chặn thủy quái tạo dòng nước lũ hại dân, hại thuyền bè, thì vợ chồng nhà ông Đùng (tên mang biểu trưng dân gian không có thật) đã lấy đất đá ngăn dòng chảy, thuần hóa sông trở nên hiền hòa đưa nước vào đồng ruộng cho cây trồng tốt tươi.

Còn lật lại trang sử xưa ghi rằng, vào thế kỷ XV, bà Đinh Thị Vân (dân tộc Mường) đã giúp vua Lê Lợi đánh giặc Minh. Trong một lần vận chuyển quân lương, do sóng to gió lớn, thuyền của bà đã bị đắm chìm ở khu vực Hang Miếng. Thi thể của bà trôi về vùng Thác Bờ. Để tưởng nhớ công lao của người phụ nữ Mường anh dũng, nhân dân đã lập ra ngôi đền này và gọi bà là Bà Chúa Thác Bờ.

Xung quanh đền ngày ngày bày những con thuyền hàng mã (làm bằng giấy và tre hoặc nứa) cỡ lớn để bán cho người đi lễ. Hỏi chuyện một bà lão chủ hàng, chúng tôi được biết thuyền hàng mã để hóa cầu bình an cho những người làm nghề sông nước, quanh năm ngược xuôi sông Đà; cũng là để dâng lên vong linh của Bà Chúa Thác Bờ, cầu mong bà phù hộ che chở.

Nằm cách không xa đền Bà Chúa là khu hang động cũng mang tên Thác Bờ (thuộc xã Ngòi Hoa, Tân Lạc, Hòa Bình). Chúng tôi và nhiều lữ khách khác đã được trải nghiệm cảm giác thú vị khi đi trên chiếc cầu phao độc đáo được kết từ hàng nghìn cây bương dẫn từ bến thuyền vào khu cửa hang động.

Cửa khu hang động rộng lớn, quay ra mặt sông Đà. Đứng trên khu vực cửa mọi người sẽ được đón những cơn gió lộng. Trong hang động Thác Bờ là những kiệt tác của đá được được kết tinh từ ngàn năm. Các khối nhũ đá đa sắc đẹp lộng lẫy hai bờ vách khiến chúng tôi không thể rời mắt. Có khối nhũ đá khổng lồ mang tình cá chép hóa rồng, có khối nhũ đá kỳ vỹ tỏa xuống lòng hang như một chiếc đèn chùm kiêu sa nhất.

Rời hang động Thác Bờ thuyền lại tiếp tục chuyến hành trình cuối cùng trong ngày khi tiến về phía xã Tân Mai, Phúc Sạn huyện Mai Châu. Chiều hoàng hôn dần buông trên sông Đà. Cuộc đời đã trải qua bao nhiều chiều hoàng hôn, nhưng chẳng biết vì sao chiều hoàng hôn trên sông Đà lại ấn tượng với chúng tôi đến thế.

Vầng mặt trời đỏ như một quầng sáng rực rỡ chiếu xuống dòng sông làm cho con nước lấp lánh huyền ảo. Màu sông nước bây giờ là sự pha trộn của những mảng màu có chỗ thẫm của bóng tối, có chỗ vàng óng như mỡ gà. Chiếc thuyền nhỏ của người ngư phủ như chiếc thuyền tình đi trên bức tranh chiều hoàng hôn. Họ đang tranh thủ kéo mẻ lưới để kiếm con tôm, con cá cuối cùng trong một ngày lênh đênh trên sông. Thuyền chúng tôi rẽ nước táp vào khu xóm Suối Lốn (xã Tân Mai) để nghỉ qua đêm và tiếp xăng, trước khi bóng tối buông hẳn.

Bình minh trên sông Đà đón một ngày tiếp theo hiện ra lại đẹp theo một cách khác đầy kỳ diệu. Chúng tôi đã nhìn thấy những màn sương mù phủ xuống mặt nước và ngay trên đầu là các đám mây bay lãng đãng. Chúng tôi rời bến thuyền Suối Lốn để tiến tục ngược sông Đà lên miền núi cao.

Thuyền lại dần dần xa bờ để đưa chúng tôi ra khoảng nước mông mênh. Trong chuyến đi, chúng tôi tình cờ còn biết được câu chuyện về một thị trấn mang tên Suối Rút dưới đáy sông Đà. Quay ngược lại quá khứ trước năm 1957 khi còn huyện Đà Mai (sau năm 1957 tách thành Mai Châu và Đà Bắc) thì Suối Rút chính là trung tâm của huyện lị. Sau khi tạo lòng hồ Hòa Bình, thị trấn đã di chuyển đi nơi khác.

Đến địa phận xã Tân Dân, Mai Châu sông Đà thóp lại với dáng hình thon gọn để luồn lách qua những dãy núi hùng vỹ Tây Bắc. Từ đây sông Đà trở thành ranh giới tự nhiên của hai tỉnh Sơn La và Hòa Bình. Một bên là huyện Mộc Châu với cao nguyên núi thẳm sừng sững, còn một bên là huyện Đà Bắc non xanh nước biếc nhấp nhô, trùng điệp.

Chiếc thuyền máy bắt đầu chạy hết tốc độ, lượt nhanh qua quãng sông dài gần 100km từ đoạn sông làm ranh giới tự nhiên cho đến khi nó chảy hoàn toàn trong địa phận tỉnh Sơn La. Đến địa phận xã Tân Phong (Phù Yên) và xã Quy Hướng (Mộc Châu) Đà Giang bất ngờ lại phình ra tạo thành một khu ngã ba sông kỳ thú. Chúng tôi đến được ngã ba sông khi trời đã về chiều. Từ đây một nhánh sông chính tiếp tục đi về phía Tây Bắc, còn nhánh phụ lưu chảy song song với quốc lộ 43 vào sâu trong đất Phù Yên.

Ngã ba sông tấp nập chợ phiên

Bên ngã ba sông mênh mông là bến phà Vạn Yên - vốn đã quá quen thuộc với dân phượt Tây Bắc. Do chưa xây được cầu, nên phà Vạn Yên ngày ngày phải gánh cả chục nghìn lượt người và xe qua lại trên trục quốc lộ 43. Chúng tôi dừng lại bên bến phà Vạn để ngắm sông dài, trời rộng và những con nắng dần tàn. Dù đã chiều muộn, nhưng thuyền phà trên bến Vạn vẫn vô cùng tấp nập. Những chiếc phà lớn từ từ, xình xịch chở người qua lại cùng với thuyền bè, ca nô lớn nhỏ chạy vù vù lướt sóng Đà Giang.

Thuyền buôn, thuyền chài, thuyền chở dân, chở khách thập phương đã bao lần qua đây để một ngày người ta đã sáng tác ra hẳn câu ca cho bến Vạn: “Ai xuôi, ai ngược sông Đà... Nhớ về Bến Vạn xin đừng quên nhau...”.

Chúng tôi ngủ lại một đêm trong nhà trọ bên bến Vạn Yên. Hôm sau, mới gần 5h sáng, bác chủ nhà đã vào lay gọi: “Hôm nay ngày 6 đó, mấy chú có đi chợ phiên Vạn Yên không?”. Khám phá Đà Giang mà không ghé thăm các buổi chợ phiên “trên bến dưới thuyền” thì quả là tiếc nuối. Vì thế, chúng tôi bật dậy như lò xo, rồi vác máy theo bác chủ nhà trọ ra thẳng chợ phiên.

Những thuyền buôn ngược xuôi sông Đà táp vào bờ để dự chợ phiên.
Những thuyền buôn ngược xuôi sông Đà táp vào bờ để dự chợ phiên.

Chợ Bến Vạn (Tân Phong) họp vào các ngày 6, 16, 26 dương lịch hàng tháng. Chợ ở đây thuộc loại lớn nhất bên sông Đà vùng Tây Bắc bởi nó họp ở ngay cửa ngõ giao thương giữa đường bộ và đường thủy. Chợ phiên Bến Vạn còn đông đúc hơn bởi huyện Tân Phong là vựa nông sản, thủy sản, gia súc lớn nhất trong vùng. Chính vì thế nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa khi diễn ra chợ phiên là rất lớn.

Chúng tôi hòa mình vào dòng người tay xách, nách mang rồng rắn ra chợ. Họ gọi nhau í ới để tới chợ mua bán. Trên khúc sông Đà, những đoàn thuyền buôn hàng, thuyền đánh cá từ các điểm xã Bắc Phong, Quy Hướng, Nam Phong, Tường Tiến liên tục táp vào bờ. Trên bến, tiếng người nói, chó sủa, tiếng gà vịt kêu... làm huyên náo cả một khúc sông vốn tĩnh lặng mọi ngày.

Vừa cho quân bốc hàng hóa từ thuyền lên bờ bày bán, anh Nguyễn Tuấn Hà, chủ thuyền buôn từ mạn Cao Phong (Hòa Bình), vừa lau mồ hôi cho chúng tôi biết mình đã có kinh nghiệm hơn 20 năm buôn bán ngược xuôi trên sông Đà. Con thuyền của gia đình anh Hà có trọng tải gần 300 tấn. Mỗi chuyến đi có hàng chục chủ hàng buôn lẻ đăng ký theo để bán hàng ở các chợ phiên dọc sông Đà.

Thường các thuyền buôn cỡ lớn như của anh Hà sẽ bán các nhu yếu phẩm cho người dân bản địa, rồi mua lại hàng hóa nông - thủy sản của bà con mang về xuôi bán. Chợ phiên chính là nơi để người trên bờ và kẻ dưới sông gặp gỡ, trao đổi, giao lưu với nhau. Có người chỉ đi chợ để mua đôi dép tổ ong, gói muối, lạng tép... nhưng buổi họp nào cũng có mặt. Nhiều người bảo với tôi, hôm nào không đi chợ phiên người bứt rứt khó chịu lắm! Bởi vậy, bao năm qua chợ phiên đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa - kinh tế quen thuộc đối với cư dân đôi bờ. Chỉ có những ai sống và gắn bó với chợ phiên bên sông Đà mới thấy hết được nét thú vị của nó.

Tạm biệt chợ phiên độc đáo của miền sông nước Tây Bắc, chúng tôi lại nhảy thuyền rẽ vào nhánh phụ lưu. Đoạn nhánh sông Đà ngược lên phía trung tâm huyện Phù Yên được dòng suối Tấc và suối Bùa chảy từ trên các dãy núi cao xuống cấp nước. Trước thập niên 70 của thế kỷ trước, nhánh sông này rất nhỏ. Khi Nhà nước chặn lòng Đà Giang ở dưới mạn Hòa Bình, thì nước dồn vào vùng thung lũng thấp quanh suối Tấc, suối Bùa rồi phình rộng ra thành đoạn sông hôm nay.

Đoạn, nhánh phụ lưu của dòng chảy chính trở nên phì nhiêu, màu mỡ. Đôi bờ sông ở đây là nơi định cư của nhiều đồng bào dân tộc với nghề nông kết hợp với nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Đi dọc các xã Tân Phong, Tường Hạ, Tường Tiến, Gia Phù giữa mùa hè chúng tôi bắt gặp khung cảnh một mùa vàng bội thu trên bờ xen lẫn với những vuông cá lồng trên sông. Những thửa ruộng bậc thang thoai thoải chạy ra sát mép nước luôn được dòng sông Đà bồi đắp phù sa và nguồn nước tưới dồi dào.

Trong hành trình đường thủy ngược sông Đà chúng tôi đã bắt gặp hàng nghìn vuông cá lồng. Nghề nuôi thủy sản trong các lồng trên sông Đà được ví như một cuộc cách mạng làm thay đổi đời sống kinh tế của nhiều hộ gia đình vùng Tây Bắc. Khi màn đêm buông xuống, những vuông cá lại sáng đèn. Ánh đèn chiếu xuống làm cho khúc sông trở nên lung linh, huyền diệu.

Dù còn nhiều tiếc nuối khi chưa đi trọn dòng Đà Giang miền Tây Bắc, nhưng trải qua hành trình hơn 200km, chúng tôi được ngắm những bức tranh phong cảnh hoang sơ, hùng vỹ. Bên cạnh đó, chúng tôi đã cảm nhận những thước phim đa sắc màu về cuộc mưu sinh và nhịp sống thường nhật của cư dân. Chỉ có lênh đênh trên dòng Đà Giang mới cho ta những cung bậc cảm giác thú vị ấy, và khiến mỗi người nhớ mãi không quên.

Văn Hải