Những ngày đầu năm, chúng tôi lại xuôi về Thổ Hà (xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) để trẩy hội. Đã quen với ngôi làng cổ ven sông Cầu nhưng nhiều người vẫn bị nó mê hoặc, làm cho khách đường xa mê mẩn, ngẩn ngơ.
Đình Thổ Hà. Ảnh: Nguyễn Dương
Ngay từ đầu làng bước vào, nhiều người đã bị xiêu lòng bởi vẻ bề thế và cổ kính của cổng làng. Nó được xây dựng từ chính đôi bàn tay của các nghệ nhân làng Thổ Hà. Bên tả là hồ nước rộng, bên hữu có cây đa cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Đây là một trong những chiếc cổng làng đẹp nhất ở vùng hạ và trung lưu sông Cầu.
Trong làng hiện vẫn còn lưu giữ được một số ngôi nhà cổ xây dựng cách đây trên 100 năm, trong đó có những ngôi nhà cổ còn được bảo tồn khá nguyên vẹn như ngôi nhà của ông Trịnh Quang Thanh. Ngôi nhà có bình đồ kiến trúc hình chữ nhị. Gian thờ tự được làm theo kết cấu kiểu “chồng rường giá chiêng” gồm 5 gian, 2 chái. Gian ngoài làm theo kiểu “tiền kẻ, hậu bẩy”, lối ra vào với hệ thống cửa bức bàn. Tường ốp gỗ mít, xung quanh vỉa gạch hoặc trang trí bằng những bức khảm trai gỗ với các đề tài tứ linh, tứ quý và các điển tích Trung Hoa.
Tọa lạc ở giữa làng chính là ngôi đình cổ gần 400 năm tuổi. Ngôi đình gắn liền với vị Thành hoàng làng là Thái thượng Lão quân. Theo Thần tích của làng, ông là người phương Bắc, sống vào thời An Dương Vương, họ Lý, tên Đam (còn gọi là Lão Đam, Lão Tử). Ông có công giết giặc Xích Tỵ quỷ, có công mở trường, dạy học ở làng. Ông được Vua phong là Thượng đẳng thần và Thành hoàng Thái thượng, cho phép làng Thổ Hà lập miếu phụng thờ. Do vậy dân làng đã tôn ông lên làm Thành hoàng, phù trợ cho cuộc sống của dân làng bình an, hạnh phúc.
Được biết, đình Thổ Hà là một trong số ít những ngôi đình có ghi niên đại rõ ràng trên thành phần kiến trúc. Theo các văn bia và trên một số cấu kiện của kiến trúc có ghi thì đình Thổ Hà được khởi dựng vào năm 1685. Xưa kia, làng Thổ Hà là một trong ba trung tâm gốm sứ cổ có tiếng nhất của người Việt. Dấu vết của làng gốm còn lại là những mảng tường nhà, hàng rào, đường làng xây hoàn toàn bằng các phế phẩm gốm mang nét độc đáo riêng của một làng gốm truyền thống.
Mê mẩn là thế, nhưng về Thổ Hà hôm nay, nhiều người vẫn thấy tiếc nuối vì nét xưa không còn nhiều nữa. Bên cạnh ngôi đình cổ đứng trang nghiêm giữa đất trời, xung quanh là cổng làng bề thế lại là một vài hàng quán ồn ào. Đi sâu vào trong làng, bên cạnh con đường hun hút được lát gạch đỏ, lác đác những ngôi nhà cổ, tường bao bằng mảnh gốm, mảnh sành…là những biển quảng cáo, những ngôi nhà cao tầng nhấp nhô khiến nhiều người tiếc nuối.
Về Thổ Hà lần này đúng vào dịp lễ hội của làng. Cũng như đình Thổ Hà, lễ hội của làng được xem là một trong số ít lễ hội truyền thống và độc đáo nhất của vùng Kinh Bắc còn giữ được nét xưa. Du khách cũng sẽ bị mê hoặc như khi đến Hội Lim bởi hình ảnh các liền anh với khăn xếp, áo the; các liền chị thì xúng xính mớ ba mớ bảy trao nhau những câu hát ngọt hơn cả mía lùi. Nhiều bài quan họ truyền thống vẫn được họ hát cho nhau nghe như: Hừ La, La rằng, Tình tang, Bạn kim lan, Cái ả, Cây gạo, rồi khi tan hội lại hát “Người ơi, người ở đừng về”.
Với người quan họ, cách họ ứng xử cũng thật khéo léo, tế nhị, kín đáo và mang đầy ý nghĩa như các làn điệu mời nước, mời trầu thật chân tình, nồng thắm mỗi khi có “khách đến chơi nhà đôi tay nâng chén rượu đào, đổ đi thì tiếc, uống vào thì say". Quan họ uống chén rượu mừng xuân, mừng hội, vui bầu, vui bạn… rồi ca xướng cho tan canh mãn võ, cho tàn đêm rạng ngày, rồi các làn điệu chia tay giã bạn đầy quyến luyến. Và rồi kết thúc bằng những lời hứa hẹn tha thiết "Đến hẹn lại lên"… trong mùa hội tới.
Trên bến, dưới thuyền say sưa câu hát thì trên sân đình lại diễn ra các trò chơi dân gian như chọi gà, đấu vật, chơi cờ tướng, chơi cờ người, chèo thuyền bắt vịt vào ban ngày, diễn tuồng ban đêm. Làng có đoàn tuồng cổ và đoàn quan họ nổi tiếng trong vùng. Năm nào cũng tổ chức lễ hội nhưng hai năm một lần mới mở hội lớn có lễ rước, lễ rước là bò quay hay lợn quay đặt trên kiệu, thủ tục rước và tế lễ rất long trọng, linh đình.
Người Thổ Hà vẫn hồn hậu, chân chất từ bao đời nay như chính ngôi làng cổ kính nằm yên bình bên dòng sông Cầu hiền hòa. Cho dù cuộc sống hiện đại có len lỏi vào làng cổ Thổ Hà thì cái hồn quê mộc mạc ấy vẫn sẽ còn được lưu giữ, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.