Theo tìm hiểu, trên 600 năm qua, người dân thôn Bao La (xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) đã có truyền thống biến những cây tre thẳng tắp thành những sản phẩm phục vụ cuộc sống.
Từ năm 2007 về trước, làng nghề sản xuất riêng lẻ, chuyên làm các sản phẩm truyền thống như thúng, mủng… phục vụ nông nghiệp. Sau đó, Hợp tác xã (HTX) được hình thành. Đến năm 2009, làng nghề chuyển sang sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ.
“Việc sản xuất ra các sản phẩm truyền thống gặp khó khăn vì giá bán rẻ, tiêu thụ khó khăn, đồng thời nắm bắt được nhu cầu của thị trường nên HTX chuyển sang làm hàng thủ công mỹ nghệ”, ông Võ Văn Dinh - Chủ nhiệm HTX Mây tre đan Bao La cho biết.
Để làm ra được những sản phẩm bắt mắt, họ đã đi mua tre rồi mang về cưa, phơi khô. Sau đó, chẻ nhỏ cho phù hợp với từng sản phẩm, tiếp theo là đan tre rồi làm ra các sản phẩm.
Cuối cùng là sơn toa để chống mốc và mang ra sân phơi lần cuối trước khi xuất ra thị trường. Mỗi ngày, HTX làm ra khoảng 70 - 80 sản phẩm.
Các sản phẩm được làm ra rất sắc sảo, đẹp đẽ do từng công đoạn được làm bởi từng người, có người chỉ chuyên chẻ tre, có người chỉ chuyên đan tre...
Bên cạnh đó, để tạo ra sự đa dạng, họ còn quan tâm đến việc phát triển nhiều mẫu mã mới lạ. Nếu trước đây, mỗi năm có thêm gần 30 - 40 mẫu mới, thì vài năm trở lại đây, mỗi năm thêm khoảng 60 - 70 mẫu mới. Tính đến nay, HTX có phong phú và đa dạng các loại mẫu mã (theo thống kê có trên 500 mẫu mã khác nhau).
Đến nay, có khoảng hàng chục lao động làm việc, trong đó 2/3 là phụ nữ, còn lại là người già do công việc cần sự kiên nhẫn, khéo léo và năng khiếu.
Nghề này tạo ra công ăn việc làm quanh năm cho người dân. Cần mẫn đan những thanh tre nhỏ, chị Thái Thị Hồng Gấm (43 tuổi, người làng Bao La) cho hay: “Tôi làm nghề này gần 30 năm nay rồi. Khi vào Hợp tác xã, tôi chuyên về đan tre thành từng tấm để người khác làm rổ, mủng”.
Du khách mua sản phẩm về làm kỷ niệm.
Những năm trở lại đây, tiếng tăm của làng nghề được nhiều người trong và ngoài nước biết đến, sản xuất gặp nhiều thuận lợi. Các nhà hàng, quán cà phê… dùng rất nhiều sản phẩm mây tre đan để trang trí như đèn lồng, sọt rác...
Không chỉ phục vụ cho bà con trong cả nước, hàng ngàn sản phẩm của làng còn được mang đi xuất khẩu ở Nhật Bản, Thái Lan… Ngoài ra, các du khách Mỹ, Tây Âu… khi đến đây tham quan cũng mua lồng đèn, rổ… mang về nước.
Theo ông Dinh, đa số các đơn đặt hàng đều được HTX đáp ứng tốt, làm được hết các mẫu mà khách hàng yêu cầu.
Khi đến đây, du khách sẽ cảm nhận được không khí vui tươi của làng nghề, được xem những sản phẩm mới lạ, hấp dẫn, có thể là những chiếc quang gánh nhỏ bé, chiếc ghe thu nhỏ, bản đồ Việt Nam…và mua về làm quà cho bạn bè, người thân. Hoặc cũng có thể trực tiếp làm ra các sản phẩm đan lát, mang lại cho họ những trải nghiệm đáng nhớ với nghề đan lát này.
Đến nay, HTX có hàng trăm giấy khen, giấy chứng nhận, trong đó quan trọng nhất là được vinh danh làng nghề Việt Nam.
Nghề đan lát từ mây tre không chỉ tạo ra công ăn việc làm cho bà con trong thời gian nông nhàn, mà còn góp phần lưu giữ những nét đẹp, nghề truyền thống của làng…