dd/mm/yyyy

Nên nghiệp sau 8 năm đi học kỹ thuật trồng hoa lan

Từ khi đến với nghề trồng lan, anh Trần Thanh Sơn (xã Vĩnh Thạnh, TP.Nha Trang, Khánh Hòa) đã tạo dựng được cơ nghiệp, mua thêm 3,5ha đất trồng cây ăn trái phát triển kinh tế gia đình.

Sau hơn 8 năm đến TP.Đà Lạt học kỹ thuật trồng hoa lan, anh Trần Thanh Sơn đã thành công, có kinh tế khá giả hơn. Cơ sở trồng hoa lan của gia đình anh hiện được nhiều người trong cả nước biết đến.

Gia đình anh Sơn giàu lên nhờ có kỹ thuật trồng lan.
Gia đình anh Sơn giàu lên nhờ có kỹ thuật trồng lan.

Anh Trần Thanh Sơn cho hay, thời gian đầu chỉ trồng những hoa lan trong nhà chơi cho vui, thấy hoa lan có màu sắc đẹp, mùi thơm độc đáo và đặc biệt hoa rất lâu tàn nên từ đó nảy sinh ý tưởng trồng hoa lan. Theo anh Sơn, thời điểm đó, gia đình cũng chẳng có vốn, kiến thức về trồng lan cũng hạn chế nên phải tìm lên Đà Lạt học hỏi.

Từ Đà Lạt trở về quê - xã Vĩnh Thạnh, anh Sơn mạnh dạn vay vốn đầu tư trồng 1.000 gốc lan. Lứa lan đầu tay do nắm bắt chưa kỹ về thời tiết của địa phương nên lan thường bị chết. Không hề nản chí, anh điện thoại hỏi thăm những thế hệ đi trước để tìm hiểu nguyên nhân, rồi lại mày mò vừa làm vừa tiếp tục học hỏi.

Mô hình trồng lan của gia đình anh Sơn bình quân hàng năm đã mang về cho gia đình anh thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm, đồng thời tạo việc làm cho hơn 10 lao động có thu nhập ổn định.

Vườn lan của gia đình anh những năm sau đó đã phát triển tươi tốt, hoa ra đều và đẹp nên thu hút nhiều thương lái đến mua. Hiện nay, anh đang sở hữu hơn 100 giống lan có giá trị và đây cũng là một điểm tham quan lý tưởng cho các nông dân trên địa bàn học tập kỹ thuật.

“Hiện nay thị trường rất ưa chuộng các giống lan như: Dendro, Hồ điệp, Catteya, Vada, Trầm hương, Thủy tiên, Hải Yến, Hồng Nhạn… nên tiềm năng nghề trồng lan là rất lớn. Anh Sơn là người tiên phong của địa phương trồng lan theo quy trình khép kín từ khâu giống cho đến thành phẩm”, anh Sơn chia sẻ.

Với anh Sơn, cây lan luôn làm cho anh bị hút hồn bởi những vẻ đẹp diệu kỳ của các cánh hoa đa sắc mềm mại. Các cây lan trong vườn của anh Sơn đều có mức giá khác nhau, dao động từ 50.000 – 400.000 đồng/cây, các loại hoa lâu năm thì giá lên đến tiền triệu.

Về bí quyết kinh doanh, anh tâm sự: “Mỗi cây hoa chỉ cần lãi 5.000 – 10.000 đồng, thậm chí là 2.000 đồng anh vẫn quyết định xuất bán. Mục đích kinh doanh ngoài vấn đề lợi nhuận, còn phải đáp ứng nhu cầu của người chơi và tranh thủ những thời gian giao tiếp với khách để trao đổi học hỏi thêm kinh nghiệm.

Rời vườn lan của mình, anh Sơn tiếp tục dẫn chúng tôi thăm quan trang trại trù phú có diện tích 3,5ha được trồng nhiều loại cây ăn quả như: Mãn cầu, bưởi da xanh, cam, xoài, mít… Anh Sơn vui mừng bộc bạch: “Trang trại này có được là nhờ vào nghề trồng lan. Sau nhiều năm tích góp gia đình đã mua được mảnh đất trị giá hơn 600 triệu đồng rồi thuê công làm đất và tiến hành trồng cây ăn trái”. Anh dự định, năm sau vườn bưởi với 1.000 gốc sẽ cho thu hoạch quả và 2 năm tới chắc chắc vườn cây ăn quả sẽ thu về tiền tỉ.

XEM THÊM >> Kỳ lạ cách trồng hoa lan dùng đá xanh thay thế vỏ đậu phộng

Ông Nguyễn Văn Toàn – Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Thạnh cho biết: Anh Sơn năng động trong làm ăn, từ hai bàn tay trắng đã làm nên cơ nghiệp. Trên địa bàn xã cũng có rất nhiều hộ trồng lan nhưng qui mô nhỏ, riêng hộ anh Sơn trồng với số lượng nhiều và làm theo quy trình bài bản nên cho thu nhập cao.

Công Tâm