dd/mm/yyyy

Mưu sinh ven biển - Bài 1: Đánh vật cùng ngọn sóng

Miệt mài lao động, chẳng ngại hiểm nguy, gian khổ nhưng cuộc sống vẫn khó khăn, nỗi lo mưu sinh lúc nào cũng đè nặng… đó là tình cảnh chung của bà con đang sống ven biển từ Đông sang Tây trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Những cơn mưa bắt đầu xuất hiện với mật độ ngày một dày hơn, nặng hạt hơn, khiến nỗi lo này như tăng lên gấp bội. Mùa mưu sinh nhọc nhằn và hiểm nguy của bà con ven biển đã đến.

Chỉ hơn 10 phút, từ bầu trời nắng đẹp nhanh chóng chuyển sang tối sầm, mưa xuất hiện mỗi lúc một nặng hạt hơn, ngoài mé biển sóng cũng bắt đầu nổi lên. Người lái vỏ tên Nguyễn Thanh Tân thở dài chia sẻ: “Thời tiết biển mùa mưa bất thường như vậy đó, mưa dông đến bất chợt khó lường, cũng giống như đời sống của bà con ven biển chúng tôi, mọi thứ không tính toán trước được”.

Xa xa phía biển, gần cửa Giá Lồng Đèn, xã Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi có khoảng 5-6 chiếc vỏ máy đang nối đuôi nhau rẽ sóng hướng vào bờ. Theo sát phía sau là những cơn sóng bạc đầu cuồn cuộn đổ vào bờ như muốn nhấn chìm tất cả những gì trên đường nó đi qua. Những chiếc vỏ vừa buộc xong dây mũi vào nơi an toàn cũng là lúc sóng vỗ ầm ầm vào các vạt rừng. Hình ảnh ấy một lần nữa khẳng định sự khắc nghiệt của thời tiết biển mùa mưa bão.

Người đi thấp thỏm...

Điều may mắn là cơn “thịnh nộ” ấy của biển cả không kéo dài quá lâu, chỉ hơn 1 giờ mưa đã dứt, mặt biển cũng trở nên yên ả hơn. Ông Năm Sến (Nguyễn Văn Sến) nhanh tay sắp xếp ngư cụ gồm sào, can, vợt, lưới… đang nằm ngổn ngang trong khoang vỏ về đúng vị trí, rồi bình thản bộc bạch: “Mấy mươi năm nay vẫn vậy, riết rồi quen”.

Dù nói là đã quen, nhưng nỗi lo lắng vẫn hiện rõ trên khuôn mặt của lão ngư Năm Sến: “Đã gần nửa tháng nay có đánh bắt được gì đâu, biển lúc động lúc tĩnh, vỏ máy ra được tí rồi lại vào”. Vừa chuyện vãn, ông Năm Sến vừa kiểm tra lại các nắp can trước khi xếp vào khoang vỏ gần nơi mình ngồi. Bởi bản thân ông nhận thức được đây là thiết bị phòng thân duy nhất khi có chuyện bất trắc xảy ra trên biển. Đã mấy mươi năm gắn bó với nghề, bản thân ông biết rõ sự khắc nghiệt của biển cả là thế nào. 

Mưu sinh ven biển - Bài 1: Đánh vật cùng ngọn sóng - Ảnh 1.

Te ruốc, cá cơm là phương thức khai thác ven bờ phổ biến hiện nay.

“Cưỡi sóng để kiếm cơm là đặc thù công việc của ngư dân, người có tàu lớn thì cưỡi sóng lớn, người có phương tiện nhỏ như anh em tụi tôi thì cưỡi những cơn sóng nhỏ”, ông Năm Sến trần tình.

Cưỡi sóng nhỏ, nhưng cũng không ít trường hợp bất trắc xảy ra. Đó là câu chuyện của anh Đặng Thanh Điền, ấp Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời. Tuy sự việc diễn ra cách đây hơn 3 năm nhưng anh vẫn còn nhớ như in. Đó là những tháng cuối năm 2017, trong lúc đang thả lưới, bất chợt sóng lớn nổi lên. Mấy anh em trên thuyền chặt bỏ lưới để chạy vào bờ nhưng không kịp. Tích tắc chỉ 1, 2 lượn sóng, phương tiện đã bị nhấn chìm. Điều vô cùng may mắn là 3 anh em trên tàu sau đó đều được cứu vớt an toàn, phương tiện cũng được trục vớt vào bờ để sửa chữa.

Đưa ánh mắt ra biển xa, ông Điền bộc bạch: "Sống ở biển nên chỉ biết dựa vào biển, giữa đêm lênh đênh trên biển tối như mực ai mà không lo, không sợ, nhưng vì cuộc sống cũng phải cố vượt qua”.

 

Hiện nay cửa biển Đá Bạc có khoảng 100 hộ sinh sống bằng nghề biển. Tuy nhiên, đa phần đều là phương tiện nhỏ, hành nghề khai thác chủ yếu là lưới ghẹ, ốc mực, đẩy te... Hầu hết các ghe loại nhỏ đang hoạt động ở đây đều được người dân cải hoán từ phương tiện thuỷ nội địa. Từ đó, thiếu trang thiết bị an toàn, phương tiện thông tin liên lạc…, suốt ngày đêm căng mình hứng chịu cái nắng, sóng gió và cả mưa dông. Những năm gần đây, do phương tiện nhỏ, sản lượng khai thác lại ít, giá hải sản thấp nên cuộc sống của ngư dân gặp khó khăn.

Người ở nhà nơm nớp ngóng trông  

Nói về cuộc sống của mình và bà con sống bằng nghề khai thác ven bờ, anh Điền chỉ tay lên mái nhà bằng cây lá địa phương của mình đang ở cũng như một số căn lân cận, chia sẻ: "Làm lụng hơn nửa đời người mà có được cái nhà ra hồn đâu. Những người sống dựa vào lộc biển ven bờ như anh em chúng tôi quần áo còn ướt là còn cái để ăn, nếu quần áo khô hơi mệt chứ đừng nói chi tới chuyện cất nhà kiên cố".

Mưu sinh ven biển - Bài 1: Đánh vật cùng ngọn sóng - Ảnh 2.

Lưới cá cũng là loại hình khai thác ven bờ được ngư dân cửa biển Giá Lồng Đèn lựa chọn.

Bà con sống ven biển phần lớn là những hộ di dân tự do, thuộc diện hộ nghèo đến từ nhiều tỉnh khác nhau trong cả nước. Không đất sản xuất nên họ dìu dắt nhau về sống ven các vạt rừng, ven biển để mưu sinh. Điều hiển nhiên những nơi ở này không gì là an toàn, nhà cửa thì tạm bợ bằng cây lá địa phương, lại sống nơi đầu sóng ngọn gió, nơi thường xuyên xảy ra sạt lở, dông lốc và triều cường dâng cao.

Tình cảnh này của bà con ven biển thấy rõ nhất là khu vực ven biển tại xã Đất Mũi. Do đặc thù xã có chiều dài bờ biển dài và có nguồn tài nguyên ven biển, rừng phong phú nên từ nhiều năm trước, dòng người di cư về đây rất đông. Ngoài ra, những năm qua, tình trạng sạt lở ven biển nơi đây diễn ra khá nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Ông Lê Văn Bi, ấp Kinh Đào Tây, xã Đất Mũi, cho biết, tình trạng sạt lở ngày một lấn sâu vào đất liền, áp sát khu dân cư nên bà con nơi đây không lúc nào ăn ngủ yên giấc.

Nói về nhu cầu đất ở trên địa bàn xã, Phó chủ tịch UBND xã Đất Mũi Trương Văn Xệ cho biết, hiện nay, trên địa bàn xã có nhiều khu vực sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, tiêu biểu như khu vực Kinh Năm, Vàm Xoáy… Tuy nhiên, hiện nay xã đang gặp khó khăn về quỹ đất do toàn bộ đất trên địa bàn là đất lâm nghiệp, thuộc quyền quản lý của Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau. Hiện xã cũng đã kiến nghị với huyện, tỉnh để có giải pháp hỗ trợ bà con sớm ổn định cuộc sống, nhất là thời gian bước vào mùa mưa bão.

Nỗi lo sợ của ông Sến, anh Điền cũng là nỗi lo chung của phần lớn ngư dân vùng ven biển Cà Mau. Vẫn biết phương tiện nhỏ, khai thác gần bờ với ngành nghề bị cấm, nhưng vì cuộc sống, ngư dân nghèo nơi đây bất chấp, kể cả những hiểm nguy chực chờ theo từng cơn gió… Tất cả họ đều chung một khát khao là có phương tiện lớn, trang thiết bị hiện đại, an toàn để được rẽ sóng vươn ra biển lớn.

Theo thống kê, hiện nay toàn tỉnh có khoảng 1.358 phương tiện khai thác thuỷ sản dưới 20CV có đăng ký, đăng kiểm. Tuy nhiên, vẫn còn hàng ngàn ngư dân tận dụng phương tiện thuỷ gia dụng không đăng ký để khai thác ven bờ. Các phương tiện này thường khai thác theo mùa, tuỳ theo nguồn lợi hải sản xuất hiện trên biển mà chuyển đổi ngư lưới cụ phù hợp để tiến hành khai thác. Tuy nhiên, chủ yếu vẫn là các nghề như đẩy te ruốc, cá cơm, đặt lú bát quái, nghề câu ốc mực, lưới ghẹ, lưới cá, đăng giống...

Song Nguyễn