dd/mm/yyyy

Mường Trai: Nâng cao thu nhập vì mục tiêu xây dựng nông thôn mới bền vững

Từ một xã nghèo khó khăn về mọi mặt, đến nay xã Mường Trai (huyện Mường La, tỉnh Sơn La) đã đạt 14/19 tiêu chí về nông thôn mới. Trong đó, thu nhập là một trong những tiêu chí được xã chú trọng nhất.

Trao đổi với ông Lèo Văn Cương, Chủ tịch UBND xã Mường Trai, được biết: Mường Trai có 10 bản và 480 hộ, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Trong năm 2019, xã Mường Trai phấn đấu đạt chuẩn NTM, đến nay, xã đã đạt 14/19 tiêu chí, còn 5 tiêu chí và một số chỉ tiêu chưa đạt. Hiện, Đảng ủy, chính quyền và nhân dân xã đang dốc sức, nỗ lực hoàn thiện các tiêu chí và chỉ tiêu còn lại để về đích đúng lộ trình đề ra.

Một trong những tiêu chí mà xã quan tâm hàng đầu đó là thu nhập, bởi đây là tiêu chí cốt lõi để thực hiện các tiêu chí khác. Do vậy, song song với việc đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu, xã tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế, hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đồng thời, phát huy hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ của Nhà nước như 30a, 135 và vốn vay ưu đãi cho hộ nghèo phát triển kinh tế.

 Mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ Sông Đà ở xã Mường Trai, đang mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Theo ông Cương: Do xã nằm ở vị trí phải di dời để xây dựng thủy điện Sơn La, nên phần lớn diện tích đất canh tác trước đây đều đã bị ngập sâu trong nước. Từ khi nước dâng đã tạo diện tích mặt hồ rộng lớn gần 1.300 ha trải dài trên địa bàn, đây là thế mạnh để phát triển nghề đánh bắt và nuôi thủy sản, hướng đi mới trong phát triển kinh tế của xã. Từ thực tế trên, xã đã vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây trồng cạn sang nuôi cá lồng trên vùng lòng hồ. Đồng thời, phối hợp với khuyến nông xã, huyện mở các lớp tập huấn, hướng dẫn bà con kiến thức nuôi cá, kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho cá…

Cùng với đó, xã còn phối hợp với các ngân hàng tạo điều kiện để các hộ dân được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi đầu tư phát triển sản xuất. Trên địa bàn xã đang có hàng chục hộ tham gia nôi cá lồng với tổng số 435 lồng cá. Trong đó, có nhiều loại cá có giá trị kinh tế cao như: Cá lăng, cá tầm, nheo… góp phần đem lại thu nhập ổn định cho người dân.

 Cùng với nuôi cá lồng, người dân các bản còn được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi với mô hình trồng cỏ nuôi bò.

Cùng với việc khuyến khích người dân phát triển nuôi thủy sản, xã còn vận động người dân trồng cây ăn quả nhãn, xoài thay thế cây ngô, sắn và phát triển chăn nuôi đại gia súc trên các dải đất bán ngập, gò đồi ven sông như: Nuôi bò, nuôi dê... chăn nuôi đại gia súc đang phát triển tốt. Hiện cả xã có trên 1.100 con bò, trung bình mỗi hộ có từ 2 – 3 con bò trở lên. Tính đến nay, trên địa bàn xã đang triển khai thực hiện 5 mô hình kinh tế đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó 1 HTX nuôi thủy sản; 1 Tổ HTX nuôi cá lồng; 1 HTX chăn nuôi đại gia súc; 2 mô hình nuôi cá ở khe sông đều phát triển đạt hiệu quả cao. Nhờ phát huy tiềm năng thế mạnh địa phương, thu nhập ngày càng nâng lên. Đến nay thu nhập bình quân đầu người đạt từ 18 – 20 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 24,5 % và xã đang phấn đấu giảm xuống dưới 12% để đạt tiêu chí số 11 trong xây NTM.

 Nhiều mô hình phát triển kinh tế ở Mường Trai đang mang lại hiệu quả, tạo thu nhập ổn định cho người dân.

Ông Nguyễn Đức Thành, Chủ tịch UBND huyện Mường La, cho biết: Mường Trai là một trong những địa phương của huyện có nhiều tiềm năng về phát triển kinh tế, đặc biệt là tiềm năng đánh bắt và nuôi trồng thủy sản trên vùng lòng hồ, là hướng đi mới trong phát triển kinh tế của người dân. Ngoài vận động nhân dân đẩy mạnh sản xuất, chính quyền địa phương còn hướng dẫn nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương như: Nuôi bò, dê... và trồng cây ăn quả trên đất dốc. Nhờ khai thác hiệu quả những tiềm năng sẵn có này, từ một xã khó khăn, đến nay người dân đã có thu nhập ổn định.

 Diện mạo nông thôn mới ở xã Mường Trai đã có nhiều đổi thay.

Với mục tiêu phấn đấu về đích nông thôn mới, hiện nay Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Mường Trai đang nỗ lực hoàn thiện các tiêu chí còn lại. Từng bước tháo gỡ những khó khăn, tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến hộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đặc biệt là tạo cơ hội cho các hộ gia đình khó khăn tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi đầu tư phát triển sản xuất, chú trọng đào tạo nghề, kỹ thuật sản xuất cho người dân địa phương.

Quốc Định