dd/mm/yyyy

Muốn tạo thương hiệu tôm nhưng phải chờ chứng nhận VietGAP

Đầu tư trang trại nuôi tôm hiện đại, khép kín, HTX nuôi trồng thủy sản Hiệp Thành nỗ lực xây dựng thương hiệu cho con tôm nhưng gặp khó vì chưa xin được chứng nhận VietGAP.

Nguyên nhân là do HTX nằm trong vùng quy hoạch đô thị cảng Hiệp Phước của huyện Nhà Bè TP.HCM.

Ông Trần Văn Mùa, Chủ tịch HĐQT HTX nuôi trồng thủy sản Hiệp Thành (xã Hiệp Phước) huyện Nhà Bè cho biết: HTX hiện có 12 thành viên, 85 ao tôm. Ngoài việc chủ động phổ biến kinh nghiệm nuôi tôm theo công nghệ khép kín thì HTX Hiệp Thành còn cung ứng thức ăn và thuốc với giá rẻ so với thị trường cho các thành viên và hộ nuôi tôm.

Khu nuôi tôm thẻ chân trắng theo mô hình khép kín của xã viên HTX nuôi trồng thủy sản Hiệp Thành.

Chủ tịch HĐQT HTX nuôi trồng thủy sản Hiệp Thành cho biết thêm: hiện có xã viên đang áp dụng nuôi tôm theo mô hình khép kín nên đem lại hiệu quả khá cao. Mô hình này có ưu điểm là ao nuôi được trải bạt đáy và bờ để dễ dàng vệ sinh ao; mái che giúp giảm thiểu sự ảnh hưởng của thời tiết và môi trường; hệ thống sục khí đáy cung cấp oxy đầy đủ, đảo đều, chống hiện tượng phân tầng nước.

Phía trên khu nuôi tôm được che bởi một lớp bạt màu xanh để hạn chế ánh nắng chiếu thẳng xuống ao, giúp tôm phát triển tốt hơn

Ngoài ra, hệ thống cấp, thoát nước tự động giúp việc thay nước trong quá trình nuôi được dễ dàng, giảm nhân công, tiết kiệm điện năng. Diện tích ao nuôi nhỏ nên khâu quản lý và chăm sóc rất thuận lợi, tiết kiệm được chi phí xử lý nước, vi sinh, tôm hoạt động bắt mồi triệt để hơn, tăng hiệu quả sử dụng thức ăn. Tuy nhiên mô hình này đòi hỏi vốn đầu tư khá lớn, quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt nên chưa phải xã viên nào cũng áp dụng được.

Ao nuôi được phủ kín bạt và có hệ thống cung cấp oxy cho tôm

Theo ông Mùa thì khó khăn lớn nhất của HTX Hiệp Thành hiện nay là chưa tạo thương hiệu riêng. Địa bàn HTX đang tiến hành nuôi tôm nằm trong quy hoạch đô thị cảng Hiệp Phước, nên việc đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực nuôi cho các hộ thành viên của hợp tác xã gặp nhiều khó khăn.... Đặc biệt là hợp tác xã bị vướng mắc trong quá trình xin cấp giấy chứng nhận VietGAP cho nuôi trồng thủy sản do nằm trong khu vực quy hoạch.

“Chưa xin được chứng nhậnVietGAP thì tôm của HTX Hiệp Thành khó tạo ra giá trị cao để đem lại lợi nhuận lớn hơn cho xã viên”.
Ông Trần Văn Mùa.

Ông Nguyễn Văn Lưu, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè cho biết: huyện đã tiến hành quy hoạch 3 khu nông nghiệp gồm Long Thới, Nhơn Đức, Phước Lộc. Vừa qua UBND huyện đã giới thiệu và đưa đại diện HTX Hiệp Thành qua thăm khu quy hoạch nông nghiệp ở Nhơn Đức. Ngoài ra huyện còn giới thiệu HTX Hiệp Thành qua Cần Giờ để nghiên cứu để có thêm lựa chọn.

“Qua đợt khảo sát đầu năm 2017, đoàn công tác Thành phố nhận thấy rõ những khó khăn của HTX như Hiệp Thành gặp phải là thiếu mặt bằng và cơ sở hạ tầng sản xuất… Từ đó Liên minh HTX Thành phố có hướng kiến nghị chính sách hỗ trợ phù hợp phát triển HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm có quy mô lớn”.
Bà Lê Thị Hoàng Yến


“Hiện nay việc nuôi tôm của HTX Hiệp Thành vẫn duy trì bình thường, đến khi nào thực hiện dự án mới dừng”, ông Lưu nói.

Bà Lê Thị Hoàng Yến, Chủ tịch Liên minh HTX TP.HCM cho biết: trong danh mục năm 2017, Liên minh HTX đề xuất với Thành phố hỗ trợ xây dựng mô hình HTX kiểu mới hiện đại ở lĩnh vực nông nghiệp gồm 7 HTX. Trong đó có HTX nuôi trồng thủy sản Hiệp Thành.

Liên minh HTX thành phố có kế hoạch cùng các sở ngành tiến hành rà soát, đánh giá hiệu quả việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ cụ thể của thành phố, từ đó tham mưu ban hành bổ sung thay thế các chính sách mới phù hợp với thực trạng phát triển HTX.

Liên kết người nuôi tôm, hình thành quy trình sản xuất hiện đại, khép kín nhằm tăng lợi thế và nâng cao giá trị của con tôm trên thị trường là hướng phát triển nuôi tôm bền vững.

Hứa Phương