dd/mm/yyyy

Mùi đốt đồng trong tiết thu

Mưa trong tiết trời thu dễ đem lại cho con người cảm giác hoài niệm, vấn vương, nhưng ở mỗi nơi mỗi khác.

Mưa thu ở Huế là thứ mưa “Thuốc lào hút mãi người ra khói”. Còn ở Nam bộ thì mưa sụt sùi còn hơn tháng Ngưu Lang - Chức Nữ. Mưa bó chân người ta, sáng trưa chiều tốt, bất chợt và là thứ mưa rả rích kỳ lạ nhất.

Đồng bằng sông Hồng, Bắc bộ vào thu chậm hơn Nam bộ khoảng một tháng. Đầu tháng 10 dương lịch mới đích thị thu, chính xác là giữa thu mới ra cái tiết trời thu mà thơ ca hằng tô điểm.

Trong bốn mùa khí hậu ở miền Bắc, mùa hè ít được người ta nhớ. Mùa xuân lại được ca ngợi bởi lễ hội và hoa xoan, hoa gạo. Mùa đông nhớ bếp lửa và hơi ấm vợ chồng. Duy nhất mùa thu thì được nhiều người nhớ nhất.

Nắng thu rất trong và vàng, hơi se lạnh vào cuối tháng để sang tháng 11 thì đã xôn xao áo gió áo khoác. Nắng mật này trong Nam không thiếu, nhưng nó có ở Tết dương lịch cơ. Cái nắng rủ rê người ta đi đâu đó, ra ngoại thành chẳng hạn, đi đi, nắng hữu tình quá em ơi.

Bây giờ có lẽ phải đi xuống gần Hải Dương hay Hà Nam mới gặp những vạt đồng có gốc rạ trong tiết thu. Những mẫu ruộng bé tí đã xong vụ hè thu, đang nằm chờ đến ngày làm đất trồng màu. Những cánh đồng trong tiết thu khiến lòng người hoài niệm, vấn vương mãi. Trên cánh đồng, lúa gặt đi rồi còn trơ gốc rạ. Hoa cúc vàng, hoa mi trắng, cùng muôn loại hoa đồng nội đang nở rộ, khiến lòng người xao xuyến, bâng khuâng nghĩ đến mùa lễ hội…

Trong tiết thu, những cô gái đã cởi bỏ khăn che mặt khi trời chỉ còn vương nắng, nấn ná lại trên cánh đồng để hít hà hương hoa dại, không muốn về nhà. Có ai đang đi tìm Lá diêu bông không? Có những người trai đang ngồi trên bờ ruộng, chờ cho đám trâu nhà no cỏ. Họ nghĩ gì không biết nữa.

Rủ nhau đi vào làng, một cái làng bất kỳ có bờ tre, ao nhỏ, mái đình. Đường bê tông khép kín nhưng chỉ đủ rộng cho hai xe máy hoặc một ô tô đi vào. Cây dại hai bên, vương đầy những cọng rơm. Nhà nhà có thóc, đang vun đống hoặc đã cho vào bao xếp gọn ở góc sân. Ngoài vườn, cây mít, cây na, cây bưởi thân quen, cây nào cũng đang cho nhiều trái.

Ngoài đồng bắt đầu có lửa. Những gã đàn ông sở hữu gốc rạ chờ chiều muộn, hết nắng mới đốt rạ để “hóa thân” cho chúng. Khi hoàng hôn gần tắt cũng là lúc cả không gian sực nức mùi của rơm cháy.

Với nhà nông, họ bình chân hít khói, bởi “họ cứ việc họ làm”. Không đốt đồng thì làm sao rơm rạ hóa thành tro để làm màu cho vụ đông? Thứ khói đốt đồng ấy, dù ấn tượng, khó quên, … Nhưng thời nay, e rằng chả cứ với người thành thị, mà cả ở vùng thôn quê, đều nồng nặc, khói bụi và ô nhiễm quá.

Dạ Ngân