Tại khu đất thuộc bãi giữa sông Hồng (Hà Nội) thường xuất hiện đàn trâu khổng lồ trên 200 con, trị giá hàng tỉ đồng. Người gây dựng nên gia tài khổng lồ này bắt đầu từ nguồn vốn gần 2 triệu đồng vay mượn mua một cặp trâu.
Vay mượn khắp nơi được 1,8 triệu đồng, gom góp thêm tiền bán đậu, bán ngô, vợ chồng ông Tiến – bà Hải quyết định “đánh liều”, mua một cặp trâu về cày thuê lấy kế sinh nhai. Không ngờ, chúng dần sinh sôi nảy nở và chẳng mấy chốc đã lên đến hàng trăm con.
Ít ai biết rằng, đàn trâu khổng lồ này được sinh sôi từ một cặp trâu duy nhất mà ông bà đã “cắn răng làm liều”, vay mượn khắp nơi để mua từ thuở hàn vi. Bà Hải cho biết, để có được thành quả như ngày hôm nay, cả gia đình đã phải trải qua những tháng ngày vô cùng khốn khó.
“Trâu cũng là loài rất khôn. Chúng hiểu được hiệu lệnh, nhớ tiếng chủ và biết phân biệt người quen – người lạ. Có đôi lúc trâu đi lạc hoặc nằm sót lại ở đâu đó, chỉ cần tôi gọi vài tiếng là chúng lại chui ra, đôi lúc còn tỏ vẻ làm nũng”, bà Hải vui vẻ kể.
Bà Hải cũng cho biết thêm, giống trâu nhà bà nuôi là trâu ré, không to nhưng mắn đẻ. Tính trung bình, mỗi năm đàn sẽ có thêm từ 40 – 50 con nghé nên không phải lo chi phí đầu tư giống. Trâu được chăn thả gần như hoang dã, không con nào phải xỏ mũi, đánh số hay buộc cổ.
Vì số lượng trâu quá lớn nên vợ chồng bà Hải phải thuê thêm 3 người chăn trâu, lương tháng 4 triệu đồng. “Âu cũng là cơ hội để tạo công ăn việc làm cho mọi người. Tôi vừa đi làm ruộng, vừa tất bật lo cơm nước. Ngày chăn trâu ở gần thì từng người thay phiên nhau về ăn, ngày chăn trâu xa thì tôi mang cơm ra tận nơi cho các bác ấy đỡ vất vả”, bà Hải tâm sự.
Ông Trần Văn Hùng – một trong ba người chăn đàn trâu 240 con cho biết, dù trời mưa hay nắng, đàn trâu đều được lùa ra bãi. “Hàng ngày, từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối, chúng tôi phải theo sát đàn, không cho chúng vào phá vườn chuối hay ruộng ngô của người dân. Chỉ cần sơ sẩy để 1- 2 con lọt vào vườn là cả đàn cũng kéo theo. Buổi tối khi về chuồng, trâu lại nằm quây quần thành từng đám như những gia đình nhỏ”.
Bất cứ ai nhìn thấy đàn trâu của vợ chồng ông Tiến – bà Hải, chắc chắn cũng sẽ thấy choáng ngợp. Trong một khu đất thuộc bãi giữa sông Hồng (đoạn dưới chân cầu Vĩnh Tuy), có đến hơn 200 con trâu đứng thủng thẳng gặm cỏ. Con đen, con trắng, con lớn, con bé đứng đan xen, tất thảy đều tròn nung núc.
“Từ hơn 20 năm trước, vợ chồng tôi đã ra ngoài bãi sông khai hoang, trồng trọt. Cả nhà 4 miệng ăn, trông vào mấy ruộng rau, ruộng ngô,… Nhưng mấy vụ mùa trôi qua, cứ đúng đến lúc thu hoạch thì con nước lên và cướp đi tất cả. Cái đói, cái nghèo cứ đeo bám từng ngày. Hai vợ chồng bàn nhau đi vay 1,8 triệu, cộng thêm tiền bán đậu, bán ngô mà mua lấy 1 con trâu đực, 1 con trâu cái. Mấy năm sau, đàn trâu nâng dần lên đến chục con, vài chục con rồi đến bây giờ là 240 con", bà Hải nhớ lại.
Gắn bó với đàn trâu đã mấy chục năm, bà Hải thuộc mặt từng con, thậm chí còn đặt tên theo những đặc điểm riêng biệt. Có con bà gọi là sừng vênh, sừng cán bèo hay con sứt mũi... Với con trâu đầu tiên có được từ khi còn khốn khó, bà gọi tên nó một cách trân trọng là “con tài”, “con lộc”. Trong ảnh là con trâu trắng đầu đàn.
Khi đưa trâu về, ba người phải tách đàn trâu thành 3 nhóm nhỏ để dễ quản lý. Ông Hùng chia sẻ, công việc cũng rất vất vả vì phải nắm được tính cách của trâu rồi lựa dần. “Mùa xuân, trâu có thể tha hồ ăn cỏ non. Người đi chăn không cần quá nhọc công, chỉ cần ngồi một chỗ nhìn đàn trâu. Nhưng khi mùa đông đến, chúng tôi phải đưa trâu đi khắp nơi để tìm thức ăn. Cứ chỗ nào có cỏ thì lại dừng chân”.
Trâu trắng, nghé trắng thường bán được giá hơn, thịt cũng ngon và mềm hơn.
Đàn trâu khổng lồ này giúp cho gia đình ông Tiến – bà Hải có một cuộc sống sung túc, đầy đủ hơn, thậm chí còn gom góp vốn liếng dành dụm cho con. Bà Hải cho biết, với hơn 200 con cả trâu lẫn nghé, trung bình khoảng 20 triệu một con, hai vợ chồng đã có khoảng 3-4 tỉ đồng trong tay.
Hoàng Ngọc