Sau những ngày ăn uống ê hề với các món nhiều đạm, không ít người mệt mỏi khi thấy "cỗ". Đây là những món chế biến từ rau củ quả giúp cân bằng dinh dưỡng, vừa đẹp mắt lại dễ làm, chống ngán hiệu quả.
Món ăn chống ngấy hiệu quả nhờ vị giòn của rau muống, vị chua ngọt của giấm và đường cùng một chút cay nồng của tỏi, ớt. Rau muống ngâm chua ngọt hấp dẫn nhất khi ăn kèm đồ nướng hoặc đồ kho. Để thực hiện món ăn, bạn cần chuẩn bị rau muống non, hành khô, tỏi, cà rốt, ớt sừng (nếu thích có vị cay), đường, nước, giấm gạo, muối và hũ thủy tinh sạch (Ảnh: Vũ Hương Giang).
Với hương vị chua ngọt, thanh mát, gỏi (nộm) là lựa chọn không thể thiếu nếu bạn đã ngán các món nhiều đạm và dầu mỡ ngày Tết. Món ăn được trộn bằng cách giã cối với hỗn hợp chanh, tỏi, ớt, đường, nước mắm... khá dễ làm. Nếu bạn không có đu đủ xanh, chỉ cần thay thế bằng su hào hoặc các loại rau giòn khác (Ảnh: Shamrock Catering).
Vài quả ớt sừng, tỏi, giấm, chút bột bắp, đường, nước mắm, nước lọc, dưa chuột (dưa leo) tạo nên món ăn chua cay, kích thích vị giác sau những bữa ăn nhiều dầu mỡ ngày Tết (Ảnh: Hương Giang).
Kho quẹt là món ăn dân dã, nguyên liệu khá đơn giản, giá thành rẻ, lại dễ làm. Thành phẩm nồi kho quẹt nóng hổi nổi bật hương vị tươi ngon của tôm, ngọt từ thịt, đậm đà nhờ nước mắm tỏi ớt. Các loại củ quả luộc có thể là cà rốt, su hào, bông cải xanh, đậu bắp... Sau khi luộc rau củ, bạn chấm chúng trong bát mắm kho quẹt là đã có bữa ăn tuyệt vời. Điểm cần lưu ý là không nên luộc rau củ quá chín, làm mất độ giòn tự nhiên (Ảnh: Wellington Restaurant & Cafe).
Món gỏi cuốn thuần chay với nguyên liệu gồm rau, củ quả và trái cây… phù hợp để thanh lọc cơ thể sau thời gian dài nạp quá nhiều chất đạm. Nguyên liệu chính gồm bánh tráng, cà rốt, củ cải đỏ, dưa chuột, xoài, bơ, bắp cải tím, rau mầm. Bạn dùng bánh tráng bao bọc phần nhân. Sau đó, băm nhuyễn gừng và ớt; Rồi trộn gừng, ớt với giấm gạo, nước tương, dầu mè, mật cây thùa, nước cốt chanh và hạt mè trong một cái bát để làm nước sốt. Bày gỏi cuốn ra đĩa và phục vụ kèm nước sốt (Ảnh: Anne Mühlmeier).
Nguyên liệu món nộm gồm su hào, cà rốt, tôm tươi, rau mùi, rau húng, tỏi, lạc rang, đường, bột canh, tương ớt, nước mắm, chanh. Món nộm với vị thanh mát của su hào kết hợp vị tôm ngọt lịm, lạc giòn tan. Khi thưởng thức bạn mới rắc lạc lên trên để tránh lạc bị ỉu, không còn độ giòn sẽ kém ngon (Ảnh: Vũ Hương Giang).
Canh chua: Canh chua mỗi vùng miền lại được nấu với nhiều nguyên liệu khác nhau, khi là dứa (thơm), cà chua; Có nơi lại dùng khế, me để dậy vị chua thanh. Món canh càng thêm bổ dưỡng khi nấu cùng ngao, cá ba sa, cá diêu hồng, cá lóc, thịt băm… ăn kèm giá, dọc mùng, măng, đậu bắp... Hương vị canh ngọt thanh, dịu mát; Vừa dân dã truyền thống, vừa thấm đượm tinh hoa ẩm thực Việt, phù hợp cho bữa cơm sau Tết (Ảnh: Knorr).
Châu Anh (Theo GT)