Cùng với trang trại chăn nuôi lợn sạch, anh Nhân còn trồng cam, bưởi đang phát triển tốt. Ảnh TTXVN
Quyết làm giàu tại quê hương
Sinh ra và lớn lên tại một vùng quê nghèo, học xong cấp 3, anh Nhân phải nghỉ học để đi làm mưu sinh. Trong thời gian này, anh vừa đi làm, vừa tìm tòi, học hỏi các mô hình phát triển kinh tế đã mang lại thành công cho nhiều người để lên ý tưởng thực hiện theo. Năm 2006, anh Nhân bắt đầu xây dựng mô hình sản xuất chăn nuôi lợn với mong muốn làm giàu ngay tại quê hương.
Do mới vào nghề chưa có kinh nghiệm, tiền vốn ít nên anh xây dựng một chuồng trại nhỏ và nhập 15 con lợn nái, lợn thịt. Sau đó, anh mở rộng quy mô trang trại lên gần 100 con. Đầu năm 2008, đàn lợn của anh bị dịch tai xanh phải tiêu hủy hết, anh trắng tay.
Lúc đó anh Nhân đã định bỏ nghề nhưng được sự động viên, giúp đỡ của gia đình, bạn bè nên anh quyết tâm làm lại từ đầu. Do đã thất bại một lần nên anh nhận ra vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm là rất quan trọng trong chăn nuôi, nếu xây dựng mô hình trang trại sạch thì con giống sẽ phát triển tốt, không bị dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.
Năm 2009, anh Nhân quyết định vay vốn ngân hàng, bạn bè, người thân được hơn 200 triệu đồng để tiếp tục đầu tư phát triển kinh tế. Được sự tư vấn và hỗ trợ của Hội Nông dân xã Đông Hoàng, anh Nhân mạnh dạn nhận thầu 3 ha đất, xây dựng một trang trại chăn nuôi lợn sạch.
Mô hình trang trại chăn nuôi lợn sạch của anh Nhân. Ảnh TTXVN
Để thuận tiện cho việc chăm sóc, theo dõi dịch bệnh, anh Nhân xây dựng 5 khu chuồng trại riêng biệt bao gồm khu nuôi lợn nái sinh sản, khu nuôi lợn sữa, lợn hậu bị và lợn thương phẩm. Các khu chuồng luôn được dọn rửa sạch sẽ, thoáng mát, trang bị hệ thống điện, nước, cống xả thải. Mỗi ô chuồng còn được đánh số thứ tự, có bảng ghi chi tiết lịch ăn, tiêm phòng, khối lượng thức ăn cho lợn.
Ngoài ra, anh còn xây dựng hệ thống hầm Biogas để tận dụng khí đốt phục vụ nhu cầu sinh hoạt, vừa hạn chế dịch bệnh, ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi gây ra. Sau đó, anh tiếp tục đầu tư vốn mua máy nghiền, máy trộn, xây kho chứa và thuê 2 lao động chuyên làm công việc dự trữ, chế biến thức ăn cho lợn.
Khi lợn giống sinh sản, lợn con 2 tháng đầu mới tách mẹ, anh thực hiện chế độ dinh dưỡng riêng nhằm tăng sức đề kháng cho lợn con phát triển đều về dáng vóc. Sau đó, anh nuôi trong khoảng 170 ngày với phương pháp pha trộn các loại thức ăn như cá biển, lúa, ngô, đậu tương, bã bia, cám đặc để lợn con có sức khỏe tốt.
Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng thành công.
Kiên trì đầu tư trang trại sạch
Trong 2 năm liên tiếp chăn nuôi, trang trại không thu được nhiều lợi nhuận do mô hình sản xuất nhỏ nhưng anh Nhân vẫn kiên trì, không ngừng đổi phương pháp chăn nuôi lợn sạch. Đến năm 2011, anh Nhân quyết định xây dựng thêm một trang trại mới, trồng gần 2.000 gốc thanh long ruột đỏ, 500 gốc cam, 300 gốc bưởi, nuôi thêm gần 2.000 con gia cầm.
Anh thực hiện chăm sóc đàn gia cầm giống như đàn lợn; chất thải của gia súc, gia cầm được tận dụng để nuôi cá, vừa tránh gây ô nhiễm môi trường, vừa tăng hiệu quả kinh tế. Đối với cây trồng, để đảm bảo môi trường sống trong lành cho gia đình, anh tự chế thuốc trừ sâu bằng cách ngâm rượu với tỏi, gừng đậm đặc rồi phun cho cây.
Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN Lại Xuân Môn (trái) trao đổi với ông Nguyễn Hữu Nhân khi đến thăm trang trại nuôi lợn sạch.
Đến nay, việc sản xuất, chăn nuôi của gia đình anh ngày càng thuận lợi với 2 trang trại lớn, có 100 con lợn nái ngoại, hơn 600 lợn thịt, mỗi năm cung cấp ra thị trường 120 tấn lợn thịt, trên 15 vạn giống gia cầm, hàng vạn quả trứng, 7 tấn quả thanh long, cam, ổi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thu nhập bình quân của gia đình anh sau khi trừ chi phí là trên 1 tỉ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 12 lao động địa phương với thu nhập 4-5 triệu đồng/người/tháng.
Ông Nguyễn Hữu Nhân
Ông Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Hoàng cho biết: Ngoài làm kinh tế, anh Nhân còn giúp đỡ người nghèo và chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho các thanh niên địa phương.
Mô hình trang trại sạch của anh Nhân không chỉ cung cấp ra thị trường những sản phẩm an toàn mà còn thể hiện sự năng động, sáng tạo, biết gắn sản xuất với việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của người nông dân trong thời kì đổi mới.
Nhờ những nỗ lực vượt khó, cuối năm 2016, anh Nhân được đại diện cho gần 500 nghìn hội viên nông dân Thanh Hóa nhận bằng khen vinh danh nông dân xuất sắc, tiêu biểu toàn quốc do Chủ tịch nước trao tặng.
Anh Nhân cho biết, trong năm 2017, anh sẽ tiếp tục phát triển mô hình trang trại nuôi lợn sạch trên diện rộng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giúp người tiêu dùng có được những sản phẩm chất lượng nhất.