dd/mm/yyyy

Mô hình trồng rau thủy canh cho thu nhập "khủng" của chàng Thạc sĩ lịch sử

Ban đầu, vì việc trồng rau thủy canh này mà anh Lê Quốc Đức - Thạc sĩ lịch sử bị kêu là "khùng", nhưng giờ thì mỗi năm anh có thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Tốt nghiệp cao học chuyên ngành lịch sử, sau đó vào công tác trong một cơ quan nhà nước của tỉnh Lâm Đồng với đồng lương ổn định, nhưng anh Lê Quốc Đức (ngụ phường 5, TP.Đà Lạt) bỗng quyết định bỏ việc về "nghịch đất" trồng rau thủy canh.

Anh Lê Quốc Đức thành công với mô hình trồng rau thủy canh. Ảnh: Q.H
Anh Lê Quốc Đức thành công với mô hình trồng rau thủy canh. Ảnh: Q.H

Chàng trai Lê Quốc Đức “không chịu yên phận” ấy đã bỏ ngoài tai những lời khuyên, lời chê bai “bị khùng” để rồi giờ đây, cơ nghiệp anh nắm trong tay khiến nhiều người phải ngỡ ngàng, thán phục...

Hiện tại, dù lợi nhuận mỗi tháng của chàng thạc sĩ trẻ đã lên đến con số trăm triệu đồng, nhưng theo nhận xét của nhiều nhân công làm thuê tại Vườn rau Đức Tín, “ông chủ” Lê Quốc Đức "không phải dạng vừa đâu", nhìn còn.. “nông dân” hơn cả nông dân khi suốt ngày quần quật với công việc tại vườn chứ không ngồi phòng lạnh “chỉ đạo” như những ông chủ khác.

Cơ hội luôn mở ra, quan trọng là nắm bắt thế nào...

"Chu kỳ rau thủy canh rất nhanh, từ lúc trồng trong hệ thống tới lúc thu hoạch chỉ khoảng 25 - 30 ngày nên phải chuẩn bị tốt đầu ra. Đặc biệt, rau cung cấp liên tục nên tôi trồng từng đợt nối tiếp nhau, không sợ thiếu hàng cho khách nên dần tạo được uy tín và thương hiệu”. Anh Lê Quốc Đức

Dáng người dong dỏng cao, ốm và... đen, ông chủ vườn rau thủy canh nổi tiếng ở thành phố mù sương (Đà Lạt) Lê Quốc Đức có đủ nét “đặc trưng” của người nông dân lam lũ, khiến chúng tôi nhầm lẫn anh là... nhân công được thuê vào làm. Thấy vẻ bất ngờ của chúng tôi khi được giới thiệu, anh Đức cười: “Vốn mình là nông dân, đi học rồi làm công chức vài năm nên những ngày đầu làm nông cũng hơi... lạ tay. Giờ quen với việc nhà nông rồi nên nhiều người cũng nghĩ mình làm thuê ở đây”.

Giữa trưa nắng, trong cái nóng hầm hập của khu nhà kính, câu chuyện khởi nghiệp có phần... “điên” của anh Đức dần hé mở. Sinh ra trong gia đình có 3 anh em trai ở TP.Buôn Mê Thuột (tỉnh Đắk Lắk), anh Đức trúng tuyển vào ĐH Đà Lạt với chuyên ngành lịch sử và tốt nghiệp ĐH với tấm bằng khá vào năm 2010. Sau đó, anh Đức quyết định học tiếp lên cao học ngành lịch sử Việt Nam. Ra trường, với tấm bằng thạc sĩ, anh xin được việc làm tại Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng với mức lương khá ổn định.

“Khi tôi quyết định nghỉ làm, nhiều đồng nghiệp, bạn bè khuyên nên suy nghĩ vì thời buổi này đâu dễ kiếm công việc nhà nước ổn định. Người ác miệng thì dè bỉu “chắc nó học nhiều quá nên bị khùng”. Nhưng thực tế là tôi đã nhìn thấy một cơ hội” - anh Đức kể về quyết định có phần “liều lĩnh” của mình.

Mặc dù là
Mặc dù là "ông chủ", nhưng Lê Quốc Đức làm việc chăm chỉ, miệt mài khiến công nhân trong trang trại phải khâm phục về sức làm việc "không phải dạng vừa đâu".

Gọi liều lĩnh là bởi, thời điểm đó, anh được tiếp xúc với những mô hình, đề tài nghiên cứu về lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao; đặc biệt là mô hình trồng rau thủy canh đang phát triển mạnh tại TP.Đà Lạt hiện nay. Tiếp xúc rồi mê, anh Đức nỗ lực tìm tòi, học hỏi thêm một số mô hình đang triển khai tại địa phương cũng như trên mạng internet rồi quyết tâm... nghỉ việc về làm vườn.

Cuối năm 2016, Vườn rau Thủy canh Đức Tín ra đời. Anh Đức kể, lúc bắt tay vào làm anh cũng không có nhiều vốn liếng, phải mượn sổ đỏ của gia đình, anh em, bè bạn để vay tiền, rồi chạy tới lui tìm chỗ thuê đất... Đến khi vườn rau ra đời, quay đi quay lại cũng ngót nghét mất gần 2 tỷ đồng chi phí đầu tư. “Dù rất lo lắng nhưng mình tin là cơ hội sẽ luôn mở ra, quan trọng là nắm bắt thế nào mà thôi” - anh Đức chia sẻ. Niềm tin đó đã giúp anh Đức duy trì được quyết tâm khởi nghiệp khi anh dù chưa có sản phẩm rau an toàn nhưng đã dám gõ cửa các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn TP.Đà Lạt và cả ở TP.HCM để tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm rau sạch của trang trại.

Cái gật đầu của các khách hàng đã chứng minh được hướng đi đúng đắn của anh Đức, cũng là động lực để anh mở rộng vườn rau. “Chu kỳ rau thủy canh rất nhanh, từ lúc trồng trong hệ thống tới lúc thu hoạch chỉ khoảng 25 - 30 ngày nên phải chuẩn bị tốt đầu ra. Đặc biệt, rau cung cấp liên tục nên tôi trồng từng đợt nối tiếp nhau, không sợ thiếu hàng cho khách nên dần tạo được uy tín và thương hiệu” - anh Đức cho biết.

Hiện rau sạch thủy canh của Vườn rau Đức Tín được các doanh nghiệp rau uy tín như Trường Phúc, Đà Lạt Green... bao tiêu sản phẩm. Bình quân doanh thu 1 tháng đạt từ 350 - 400 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, anh Đức bỏ túi khoảng trên 40% doanh thu, tức là trên 100 triệu đồng/tháng.

“Thạc sĩ nông dân” năng động, nhạy bén

Nói về mô hình Vườn rau thủy canh Đức Tín, bà Trần Thị Oanh - Chánh Văn phòng Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng cho biết, anh Tín là một người trẻ khá năng động và nhạy tư duy. Cụ thể, theo đánh giá của các cán bộ Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng, khác với một số vườn rau thủy canh tại Đà Lạt, Vườn rau Đức Tín với lợi thế nằm đối diện cổng Khu Du lịch Thung lũng Tình yêu - một điểm đến khá đẹp tại TP.Đà Lạt nên rất đông khách du lịch tới lui. Nắm bắt thị hiếu du khách muốn đến tham quan các khu trang trại nông nghiệp cao tại Đà Lạt, anh Đức đã mở cửa đón khách vào tham quan miễn phí và xem đây như một hướng phát triển mới của vườn rau.

Cho tới nay, anh Lê Quốc Đức tự tin khẳng định rằng mình không hối hận khi quyết định bỏ việc nhà nước để về
Cho tới nay, anh Lê Quốc Đức tự tin khẳng định rằng mình không hối hận khi quyết định bỏ việc nhà nước để về "nghịch đất" trồng rau với thu nhập "không phải dạng vừa đâu"-như cách công nhân trong trang trại của anh thường nói.

“Vào những ngày cao điểm hoặc cuối tuần, lượng khách tham quan lên đến 300 - 400 người/ngày. Các đoàn khách đều được hướng dẫn tham quan miễn phí, được nghe giới thiệu bao quát về công nghệ trồng rau sạch theo phương pháp thủy canh... Nhiều du khách sau đó đã tin tưởng sản phẩm rau an toàn nên mua về dùng với giá bình quân 40.000 đồng/kg. Chỉ tính lượng khách lẻ đã tiêu thụ hàng chục kg rau sạch mỗi ngày, cũng là nguồn tiêu thụ ổn định và tiềm năng của vườn...” - anh Đức thông tin.

Ngoài vườn rau thủy canh đang cho thu hoạch ổn định, thời gian qua, anh Đức tiến hành bàn bạc thuê thêm đất của các hộ nông dân xung quanh để mở rộng trồng thêm ớt, dâu tây... Hiện ngoài nhà kính diện tích gần 1.800m2  trồng rau thủy canh, anh Đức còn có gần 2.000m2  trồng ớt chuông chuẩn bị cho thu hoạch và khoảng gần 6.000m2  trồng dâu tây. Theo anh Trần Hữu Tâm, cán bộ kỹ thuật của vườn dâu, 90% dâu tây trong vườn là dâu giống Nhật và khoảng 10% còn lại là giống dâu New Zeland trồng theo phương pháp thủy canh hồi lưu (dùng giá thể) nên sắp tới thu nhập của anh Đức sẽ còn... “khủng” hơn nữa.

Cụ thể, theo anh Tâm, hiện vườn dâu mới chỉ cho thu hoạch trung bình 10kg/ngày, giá bán trung bình khoảng 300.000 đồng/kg nên thu hút người mua khá nhiều do giá mềm, lại canh tác sạch (bình quân mỗi kg dâu cùng loại ở nhà vườn khác tại Đà Lạt có giá từ 400.000 - 500.000 đồng/kg). Nếu sắp tới lượng dâu tây cung ứng ra thị trường của Vườn rau Đức Tín tăng lên nhiều, khi đó chắc chắn giá không dừng lại ở con số 300.000 đồng/kg như hiện nay...

Chia tay anh Đức, chúng tôi cố “vớt vát” hỏi, dự tính thời gian tới doanh thu của Vườn rau Đức Tín sẽ là bao nhiêu? Anh Đức cười hiền lành rồi chia sẻ: “Thôi dịp nào đó các anh ghé vườn rau tôi sẽ “bật mí”, còn bây giờ chưa có thu hoạch nên chưa dự đoán được năng suất, thị trường... thế nào. Lỡ nói nhiều quá thì... quê mà ít quá thì nhiều người sẽ đánh giá mô hình không hiệu quả, tội các anh chị em nhân công đã cố gắng bỏ công sức ra chăm sóc vườn rau”.

Quốc Hải