Chỉ riêng tỉnh Đồng Tháp, diện tích trồng xoài đã xấp xỉ 9.000ha, sản lượng bình quân 90.000 tấn trái/năm. Tuy nhiên, loại trái cây này hiện vẫn chủ yếu tiêu thụ ở thị trường nội địa, sản lượng xuất khẩu còn rất ít.
Tại Đồng Tháp - nơi xoài được chọn là một trong 5 ngành hàng chủ lực trong Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp - đã có các đoàn doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan đến trao đổi, bàn bạc với các hợp tác xã, tổ hợp tác nhằm hướng đến liên kết tiêu thụ. Dù vậy, từ năm 2017 đến nay, cũng chỉ mới có 1 vài đơn vị liên kết thu mua xoài để xuất khẩu tươi và chế biến với sản lượng chỉ gần 309 tấn. Ở Tiền Giang, 1 công ty của Nhật Bản tại Việt Nam thu mua 60 - 80 tấn trái/năm để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản; một số công ty tại chỗ thu mua chế biến một số sản phẩm từ xoài (xoài cắt hạt lựu, xoài cắt má) để xuất khẩu với số lượng hạn chế...
Nguyên nhân, đồng thời cũng là khó khăn dẫn tới thực trạng tình hình này, theo Sở NNPTNT Đồng Tháp, là do việc liên kết tiêu thụ chưa ổn định và bền vững; diện tích sản xuất manh mún, chưa tập trung; việc buôn bán chủ yếu thông qua thương lái. Mặt khác, sản lượng xoài tại các vùng trồng đạt chứng nhận thực hành sản xuất tốt (GAP) được cấp mã số vùng trồng rất ít so với tổng sản lượng làm hạn chế việc ký kết thực hiện hợp đồng xuất khẩu.
Những khó khăn, bất cập dẫn đến kết quả liên kết tiêu thụ, xuất khẩu xoài còn hạn chế đã được nhận diện, nhưng tháo gỡ như thế nào? Có thể thấy, các địa phương có diện tích trồng xoài lớn cần có chính sách đủ hấp lực để kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vùng nguyên liệu sản xuất xoài theo hướng an toàn gắn với tiêu thụ; nhất là các doanh nghiệp chế biến nhằm tăng giá trị gia tăng của ngành hàng này. Cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại, tháo gỡ khó khăn về rào cản kỹ thuật để tạo điều kiện mở rộng thị trường xuất khẩu xoài...