Việt Nam đang nỗ lực giữ vững hương hiệu vị trí thứ hai về sản xuất và xuất khẩu cà phê nhân trên thế giới.
Nâng tầm thương hiệu
Năm 1991, sản lượng cà phê Việt Nam mới đạt 1% thị phần thế giới, nhưng đến niên vụ 2015-2016, Việt Nam đã chiếm thị phần gần 20%. Kết thúc năm 2016, Việt Nam xuất khẩu gần 1,8 triệu tấn cà phê nhân, đạt kim ngạch 3,2 tỉ USD. Đặc biệt, xuất khẩu cà phê chế biến, rang, xay và hòa tan chiếm trên 10% tổng giá trị.
Ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết: Cà phê Việt Nam là một trong những ngành hàng quốc gia, có chất lượng cao và nổi trội trên thế giới. Tuy nhiên, thương hiệu cà phê Việt Nam vẫn còn nhỏ bé. Dẫn chứng về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng chia sẻ: “Nhiều năm gần đây, cà phê Lâm Đồng được Tập đoàn UCC của Nhật Bản và Starbucks đặt mua”.
“Starbucks đã đặt hàng với các hợp tác xã cà phê tại Lâm Đồng để trồng cà phê Arabica. Họ đặt hàng trước 2 tháng để tiến hành canh tác sản xuất đúng chuẩn yêu cầu quy trình mà Starbucks đặt ra nên cà phê Arabica của Đà Lạt đã nằm trong chuỗi cung ứng cà phê toàn cầu này”, ông Phạm S cho hay.
Những năm gần đây, vấn đề xây dựng, quảng bá thương hiệu cà phê Việt Nam thành sản phẩm quốc gia trên toàn cầu, xây dựng chỉ dẫn địa lý cà phê Việt Nam và quản lý phát triển chỉ dẫn này đã được nhiều Bộ, ngành và địa phương vào cuộc.
Nông dân Đăk Lăk thu hoạch cà phê.
Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đắk Lắk, Bộ Công Thương cần trích nguồn kinh phí xúc tiến thương mại quốc gia hàng năm, hỗ trợ tỉnh đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá sản phẩm cà phê.
Song song với việc thực hiện dự án xây dựng cà phê Việt Nam là sản phẩm quốc gia cần khuyến khích phát triển các thương hiệu tư nhân về cà phê để đưa ra thị trường thế giới, đồng thời kêu gọi đầu tư nước ngoài vào ngành cà phê Việt Nam có ràng buộc mang thương hiệu của Việt Nam hoặc chỉ dẫn địa lý của Việt Nam.
Bên cạnh đó, khuyến cáo mở rộng thị trường nội địa, song song với phát triển tiêu thụ trong nước là kiểm soát giá thành chế biến sản phẩm cà phê tiêu thụ trong nước để người tiêu dùng được dùng cà phê sạch, nguyên chất, hương vị Việt Nam và bằng công nghệ Việt Nam.
Bước đột phá về chất lượng
Tại buổi làm việc với VICOFA về những vấn đề cần tháo gỡ khẩn trương của ngành cà phê Việt Nam hiện nay, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: Cà phê là ngành hàng đặc biệt quan trọng, có bề dày và đã khẳng định được tên tuổi cho nông sản Việt Nam trên trường quốc tế. Vì vậy, quan điểm của Bộ sẽ nỗ lực hết sức để có giải pháp đồng bộ để giữ và khai thác dư địa giá trị cho ngành hàng này.
Chất lượng cà phê Việt là mối quan tâm hàng đầu của người yêu cà phê nói riêng và người tiêu dùng nói chung. Theo các chuyên gia cà phê, mặc dù là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới, nhưng cà phê Việt chủ yếu được ưa chuộng do giá thành rẻ, trong khi chất lượng cà phê không được đánh giá cao.
Các nông hộ làm cà phê đa phần canh tác và thu hái theo phương pháp truyền thống, không có quy trình chuẩn cũng như áp dụng khoa học – kỹ thuật vào các khâu chăm sóc. Bên cạnh đó, tình trạng cây cà phê già cỗi gây ảnh hưởng lớn tới năng suất, sản lượng và chất lượng hạt cà phê.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường thăm thực địa hộ sản xuất cà phê bền vững ở Lâm Đồng.
Sau gần 20 năm chiếm giữ vị trí thứ 2 về xuất khẩu cà phê trên thế giới, mới đây, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt đề án khung phát triển sản phẩm quốc gia “Cà phê Việt Nam chất lượng cao” với tổng kinh phí dự kiến khoảng 170 tỉ đồng. Bởi, hiện nay có khoảng 90% lượng cà phê Việt xuất khẩu dưới dạng thô và thương hiệu cà phê Việt trên thế giới vẫn còn rất nhỏ bé.
Theo đó, để phát triển ngành cà phê sản xuất hàng hóa chất lượng cao, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt đề án khung phát triển sản phẩm quốc gia “Cà phê Việt Nam chất lượng cao” với tổng kinh phí dự kiến khoảng 170 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước là 110 tỉ đồng, ngân sách từ các doanh nghiệp, nông dân, vốn vay tín dụng là 60 tỉ đồng. Thời gian thực hiện đề án là giai đoạn 2018-2023, tầm nhìn đến năm 2030.
Cụ thể, đề án này đặt ra mục tiêu cụ thể nhằm phát triển liên kết sản xuất, tiêu thụ, xây dựng vùng nguyên liệu cà phê hàng hóa chất lượng cao quy mô lớn, có hệ thống sấy, kho bảo quản và nhà máy chế biến phù hợp với quy mô sản xuất. Nâng cao chuỗi thu nhập của người trồng cà phê trên đơn vị diện tích gieo trồng thông qua việc gia tăng giá trị sản phẩm cà phê: Đến năm 2020 tăng 5% và đến 2023 là 7% so với mức thu nhập bình quân niên vụ 2013-2014.
Bên cạnh đó, hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất tiêu thụ cà phê, xây dựng được thương hiệu cà phê Việt Nam chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và xuất khẩu; nâng giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam đến 2020 tương đương với các nước trong khu vực và quốc tế trong cùng nhóm chất lượng.