Huyện Mai Châu cách trung tâm tỉnh 70km, nằm trên Quốc lộ 6, đã được công nhận là điểm du lịch quốc gia. Năm 2018, huyện đón 355.000 lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế 90.741 lượt, tổng doanh thu từ dịch vụ du lịch ước đạt 53 tỉ đồng.
Tuy nhiên, lĩnh vực du lịch của Mai Châu chưa thực sự tương xứng với tiềm năng. Huyện có rất ít sản phẩm mang tính đặc trưng. Nhận thức được điều này, những năm qua, các cấp chính quyền huyện đã xác định phát triển nông nghiệp và làng nghề truyền thống để tạo ra các sản phẩm phục vụ khách du lịch.
Nhằm tạo ra những nông sản đặc trưng của địa phương, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch và tạo thu nhập ổn định cho người dân, huyện đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhân dân đưa vào sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, gắn kết các chương trình, dự án phát triển du lịch với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa những mô hình kinh tế giá trị cao, mang tính đặc sản vùng miền vào sản xuất; chú trọng phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.
Có thể kể đến một số mô hình như: mô hình sản xuất và tiêu thụ rau an toàn theo hướng hàng hóa tại xã Mai Hịch, quy mô 5ha; mô hình trồng chanh leo tại 3 xã Mai Hịch, Tân Sơn, Nà Phòn, tổng diện tích 7,5 ha; mô hình chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao như dưa hấu, ngô tại xã Mai Hạ;...
Đối với phát triển dịch vụ, hiện trên địa bàn huyện có 2 HTX được công nhận là làng nghề truyền thống ở xã Nà Phòn và Chiềng Châu. Đây là 2 đơn vị sản xuất hàng thổ cẩm và dịch vụ du lịch, tạo việc làm cho hàng trăm lao động (trực tiếp và gián tiếp), với thu nhập khá ổn định. Đây là kết quả rất đáng khích lệ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện theo hướng CNH – HĐH nông nghiệp, nông thôn.
Bên cạnh đó, huyện đang khôi phục và phát triển các tổ nhóm, HTX sản xuất như: tổ nhóm mây tre đan xuất khẩu xã Vạn Mai; các tổ nhóm sản xuất tăm mành, đan lát đồ dùng phục vụ sinh hoạt, trang trí nội thất; tổ sản xuất sản phẩm rượu đặc sản truyền thống của người Thái Mai Châu với nhãn hiệu VODKA Mai Hạ; các câu lạc bộ nông dân sản xuất nhạc cụ dân tộc: sáo, khèn bè; đồ dùng truyền thống bàn, ghế được chế tác từ song, mây của người Thái, người Dao…
Tuy nhiên, sự phát triển của các ngành nghề, làng nghề truyền thống ở Mai Châu vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ; sản phẩm chưa nhiều, chưa tạo thành ngành nghề rộng khắp trên địa bàn huyện. Để giải quyết thực trạng trên, huyện cần tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng các nhóm ngành nghề của mỗi vùng; tư vấn hỗ trợ, tạo điều kiện cho nông dân tham gia các lớp đào tạo nâng cao tay nghề.