dd/mm/yyyy

Luồn rừng thu trăm triệu từ ong

Ẩn mình dưới những khu rừng hoang vu, hẻo lánh xa xôi khu vực huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa, lão nông Nguyễn Hải Lâm chăm chút cho đàn ong ra mật ngọt. Mỗi năm ông cũng thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Ông Lâm đang kiểm tra sự phát triển của đàn ong.

Với lợi thế của một vùng núi, khí hậu ít biến động, đất đai trù phú rộng lớn, cộng với hàng trăm ha xoài, bưởi, keo bạt ngàn nên Khánh Vĩnh đang có điều kiện tốt để nuôi ong lấy mật. Gần đây, hàng chục hộ dân đã bắt đầu tìm tòi học hỏi nghề nuôi ong và những giọt mật đã mang lại giá trị kinh tế cao.

“Trước đây người dân Khánh Bình chỉ nuôi rải rác vài hộ, hiện tại đã có hơn 10 hộ nuôi ong. Mật ong đang được xuất khẩu sang các nước Mỹ, Nhật, Đức, Pháp và các nước Châu Á. Ông Phạm Ngọc Quang.

Dạo quanh những con đường hoang vu tại khu vực xã Khánh Bình, chúng tôi mới thấu hiểu hết nỗi niềm say mê ong của những người nuôi ong, những công việc thầm lặng của nghề mà ít ai biết đến.

Gắn bó với nghề nuôi ong hơn 6 năm nay, ông Nguyễn Hải Lâm (nuôi ong tại xã Khánh Bình, huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) cho biết: Trước đây do khó khăn về vốn cũng như kỹ thuật nên ông góp vốn chung nuôi ong với một người thân trong gia đình. Năm 2009, ông góp vốn nuôi hơn 300 thùng ong. Nhờ đàn ong phát triển tốt, giá cả sản phẩm ong ổn định nên ông có thu nhập 200 triệu đồng/năm. Có được chút vốn cùng kinh nghiệm nuôi ong, ông Lâm tách ra làm một mình. Hiện tại ông nuôi khoảng 200 thùng ong, bình quân mỗi năm cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng.

Ông Lâm tâm sự: “Sau khi lập gia đình, tôi bắt đầu mở lò mổ lợn, bò. Sau thấy nghề này vất vả, thức đêm khuya nhiều nên tôi đã chuyển sang nghề nuôi ong”. Theo ông Lâm, nghề nuôi ong cho thu hoạch mật quanh năm, nhất là từ tháng Giêng đến tháng Mười âm lịch. Bình quân mỗi tháng ong cho mật 2 đợt, mỗi đợt từ 30 – 45 thùng ong, giá bán dao động từ 14.000 – 30.000 đồng/kg. Ngoài bán mật, ông còn bán sáp ong với giá 10.000 – 12.000 đồng/kg. Tuy là nghề nhàn rỗi, thu nhập cao nhưng nghề cũng có nhiều khó khăn.

Theo ông Lâm, cái khó của nghề này là phải chọn ở các vùng núi hoang vu để thuận lợi cho ong lấy mật. Nên ông Lâm thường phải di chuyển đàn ong sang các tỉnh Đăk Lăk, Bình Thuận, các tỉnh Miền Tây để tận dụng những phấn hoa của cây hoa trái, giúp ong lấy mật tốt hơn. Trong quá trình di chuyển phải hết sức cẩn thận nếu không ong sẽ bị va đập và chết.

Ông Lâm rất đam mê nuôi ong.

Quy trình cho ra những giọt mật cũng không hề đơn giản, làm sao để mật có màu sắc đẹp thì mới bán được giá cao. “Những lúc giá rớt thê thảm, thu không đủ bù chi phải vay ngân hàng nên cũng nản lòng, muốn chuyển nghề. Nhưng với tình yêu nghề, cộng với lòng đam mê nên tôi đã vượt qua tất cả để gắn bó với nghề nuôi ong”, ông Lâm chia sẻ.

Ông Phạm Ngọc Quang – chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Bình cho biết: Nghề nuôi ong tại địa phương đang được xem rất hiệu quả, sẽ góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc tại vùng sâu, vùng xa của xã Khánh Bình. Hiện nay HND xã tiếp tục theo dõi và có hướng thành lập tổ liên kết để hỗ trợ nguồn vốn cho các hộ nuôi ong phát triển. Bên cạnh đó, Hội cũng phối hợp các đơn vị tiến hành tập huấn kỹ thuật, giúp người dân nuôi ong hiệu quả hơn.

Tâm Công