Rau xà lách xoong (hay còn gọi là rau liệt) là loài thực vật thủy sinh hay bán thủy sinh, có nguồn gốc từ châu Âu tới Trung Á. Đây là loại rau ưa lạnh, sống lâu năm và lớn nhanh.
Ảnh minh họa.Thông thường, rau liệt mọc dại, chỉ bám nhẹ trên đá, chất dinh dưỡng thì chủ yếu lấy từ nguồn nước chảy tự nhiên. Điểm đặc biệt của loại rau này là không chịu sống chung với bùn hay nước bẩn. Chính vì vậy mà được mệnh danh là loại rau sạch nhất Việt Nam.
Rau liệt cao khoảng 25-30cm, cọng nhỏ, thân mềm xốp, không hoa. Ở nước ta rau liệt được trồng nhiều nơi nhưng nhiều nhất là ở Hảo Sơn, Long Sơn,… xã Gio An, huyện Gio Linh.
Tại nơi đây, để đảm bảo duy trì sự sống cho rau, người dân thường lấy nguồn nước sạch tự nhiên trong giếng cổ 5.000 năm tuổi (giếng Ông, giếng Bà, giếng Gai, giếng Tép) có từ thời vương quốc Chăm Pa để tưới. Nhờ được sống trong nguồn nước nhiều, mát lành nên cây rau liệt đặc sản ở đây to, tươi tốt. Và cũng nhờ thế, rau ở Hảo Sơn bán được giá cao hơn những nơi khác.
Rau có tên gọi như vậy là do sau khi cắt, người dân thường cắt liệt, cắt triệt để, chỉ để lại phần gốc rau. Và khi trồng rau, người dân thường đặt nằm liệt trên mặt ruộng, chứ không phải trồng phức tạp.
Không chỉ sạch sẽ, rau còn chứa nhiều vitamin và khoáng chất thiết yếu. Từ loài rau sạch này người ta chế biến ra những món ăn nhiều người ưa thích như rau liệt trộn bò trứng, rau liệt xào tỏi, rau nhúng lẩu,…Trên thị trường rau liệt được bán ở chợ, các siêu thị giá lên tới 100 nghì đồng/kg.
10 năm gần đây, bà con ở Quảng Trị trồng rau liệt để bán. Trồng rau liệt đặc biệt ở chỗ là không được bón phân. Trung bình mỗi xào rau liệt người dân thu lãi 25 triệu/xào. Rau luôn cháy hàng vì được nhiều người tìm mua về thưởng thức.
Mùa thu hoạch rau xà lách xoong từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau. Khi Quảng Trị vào mùa nắng, cây sẽ bị tàn dần. Đi từ TP Đông Hà tới để mua rau, anh Trần Anh Tuấn (SN 1999, trú tại khu phố 6, phường 5) niềm nở nói:“Nhà tôi rất nghiền món xà lách xoong này xào với thịt heo. Cứ khoảng tháng 12 là tôi chạy xe tới đây mua mỗi lần khoảng 10 đến 20 bó rau về ăn cho đỡ thèm.
Khi nghe tin tôi đi mua rau, hàng xóm cũng gửi tiền nhờ mua giùm. Vì là loài rau ưa sống ở chỗ nước sạch nên gia đình tôi vô cùng yêu thích xà lách xoong ở Gio An”.