dd/mm/yyyy

Loại hoa dại trước hiên nhà, tươi ít ai hay đem phơi khô bán 800.000đ

Một loại hoa màu tím biếc hay làm hàng rào, không ngờ khi đem phơi khô làm trà uống lại có tác dụng tốt với sức khỏe. Cũng vì thế mà giá cũng khá đắt đỏ.

Một vài lợi ích bất ngờ từ hoa đậu biếc

Hoa đậu biếc hay còn gọi là bông biếc, đậu hoa tím, hoa ngọc biếc... có màu xanh biếc, không mùi vị. Loài cây này không chỉ đẹp mắt mà mỗi bộ phận của cây đậu biếc đều chứa rất nhiều hoạt chất khác nhau có ích cho sức khỏe của con người. Sau đây là một số lợi ích bất ngờ từ cây hoa đậu biếc mời bà con tham khảo.

- Ngăn ngừa ung thư: Trong hoa đậu biếc có hàm lượng chất chống oxy hoá cao, là một lá chăn bảo vệ ngăn các tế bào bình thường chịu tác động bởi các gốc tự do này. Cliotide trong hoa còn giúp ức chế sự phát triển của tế bào ung thư nên hỗ trợ điều trị rất tốt đối với các bệnh nhân ung thư ở các giai đoạn khác nhau.

- Có lợi cho sức khỏe của tim: Các chất chống oxy hóa trong trà đậu biếc không chỉ giúp phòng chống nhiễm trùng mà còn có lợi cho sức khỏe của tim. Các nghiên cứu cho thấy loại trà này có hiệu quả cải thiện mức cholesterol cao, một yếu tố nguy hiểm gây ra bệnh tim. Hoa đậu biếc còn góp phần làm giảm tổng lượng cholesterol trong huyết thanh một cách đáng kể. Ngoài ra, loại hoa này cũng giúp giảm đáng kể lượng triglyceride và cholesterol xấu (LDL), góp phần ngăn ngừa các chứng bệnh liên quan đến tim mạch.

- Tốt cho não bộ: Hoa đậu biếc chứa hoạt chất proanthocyanidin – một chất chống oxy hóa giúp tăng lưu thông máu não, cũng như tăng khả năng nhận thức và trí nhớ. Ngoài ra, Acetylcholine chứa trong hoa đậu biếc là một hợp chất chịu trách nhiệm giao tiếp hiệu quả giữa các tế bào thần kinh. Khi mức độ acetylcholine suy giảm theo tuổi, bạn có thể bị suy giảm trí nhớ và các vấn đề liên quan đến não khác. Bạn có thể bổ sung lượng acetylcholine sút giảm này và tăng trường trí não bằng cách uống trà hoa đậu biếc.

- Chống oxy hóa: Hoa đậu biếc pha trà uống được gọi là loại trà thảo mộc duy nhất có hàm lượng chất chống oxy hóa tương đương với trà xanh. Các chất chống oxy hóa có khả năng loại bỏ các gốc tự do có thể gây viêm mãn tính, tăng cường khả năng miễn dịch và phòng chống một số bệnh khác. Ngoài ra, nó còn có công dụng giúp loại bỏ chất độc hại ra khỏi cơ thể, thải độc cho gan và giải nhiệt cơ thể hiệu quả.

- Ngăn ngừa lão hóa sớm: Uống hoa đậu biếc thường xuyên có thể giúp ngăn ngừa lão hóa sớm bằng cách kháng các gốc tự do gây hại. Ngoài ra, hợp chất anthocyanin trong trà đậu biếc cũng giúp bạn lưu giữ nét thanh xuân bằng cách tăng lưu lượng máu ở da đầu và củng cố nang tóc. Nhiều người dùng loại cây này để chữa tình trạng bạc tóc hay hói đầu sớm. Đặc biệt người sử dụng trà hoa đậu biếc thường xuyên còn tăng cường sản sinh elastin và collagen, là những hợp chất quan trọng giúp duy trì sự trẻ trung, ngừa nếp nhăn, duy trì độ đàn hồi của da, thông tin trên báo Dân tộc và Phát triển.

- Giảm cân hiệu quả: Trà hoa đậu biếc cũng có tác dụng giảm cân rất tốt nhờ việc chuyển hoá các chất béo có hại trong cơ thể, cải thiện tình trạng gan nhiễm mỡ. Nhất là anthocyanin lại ngăn ngừa quá trình proxy hoá lipid, giảm tích tụ mỡ trong người giúp duy trì vóc dáng thon thả, phòng tránh bệnh béo phì.

‏- Ngăn ngừa mụn trứng cá: Hoa đậu biếc có thể ngăn ngừa mụn trứng cá rất hiệu quả. Chiết xuất của loại hoa này có thể được trộn với dầu dừa và thoa trực tiếp lên da để giảm mụn và làm mờ vết thâm.

- Sấy nóng tức là phương pháp phơi thông thường ngoài trời nắng khi nhiệt độ cao cho đến khi cánh hoa bị mất nước và khô lại.

- Sấy lạnh thì phải sử dụng máy móc chuyên nghiệp để duy trì nhiệt độ thấp. Cách này giúp cho hoa không bị dập nát, giữ nguyên được hình dáng và màu sắc hoa y như hoa thật.

Loại hoa dại trước hiên nhà, tươi ít ai hay đem phơi khô bán 800.000đ- Ảnh 1.

Hoa đậu biếc hay được trồng ở bờ rào, trước hiên nhà nay được nhiều người chuộng mua về pha trà và làm màu nhuộm các món ăn thêm phần hấp dẫn.

Hoa đậu biếc khô giá đắt đỏ nhưng vẫn hút khách

Với những công dụng mà hoa đậu biếc đem lại, loại hoa này đã được bán với giá khá đắt đỏ nhưng vẫn được nhiều người tìm mua.

Hoa đậu biếc - loại cây leo thường được trồng ở bờ rào, trước hiên nhà lấy bóng mát,... nay trở thành loại hàng hóa vô cùng đắt đỏ khi có giá từ 300.000 đồng đến 800.000 đồng mỗi cân khô vẫn có người mua.

Trao đổi với Vietnamnet chị Lương Thu Hà - một đầu mối bán các loại hoa khô ở Bình Dương, cũng cho biết, thời gian gần đây, hoa đậu biếc khô là mặt hàng vô cùng đắt khách. Mỗi ngày chị bán sỉ và lẻ được khoảng 5-7kg, hôm nào nhiều thì bán được hơn chục cân.

Loại hoa này được chị gom từ nhiều đầu mối khác ở các tỉnh lân cận, hàng có quanh năm. Tuy vậy, chị chỉ bán hoa khô vì dễ bảo quản, vận chuyển, để được quanh năm không lo hỏng.

“Tôi bán lẻ hoa đậu biếc khô với giá 380.000-400.000 đồng/kg tùy thời điểm, đổ sỉ từ 5kg trở lên giá là 350.000 đồng/kg”, chị nói.

Trong khi đó, anh Trần Văn Hiển ở Hà Nội cũng thừa nhận, hoa đậu biếc khô mua ít thì dễ, còn mua với số lượng lớn tương đối khó vì còn phụ thuộc vào lượng hoa người dân đi hái được ít hay nhiều.

“Tôi bán lẻ hoa khô giá là 130.000 đồng/hộp (150gram), tính ra có giá hơn 800.000 đồng/kg. Hiện tôi chỉ còn khoảng 3-4kg hoa là hết sạch, chưa biết khi nào hàng mới về tiếp”, anh chia sẻ.

Loại hoa dại trước hiên nhà, tươi ít ai hay đem phơi khô bán 800.000đ- Ảnh 2.

Hoa đậu biếc phơi khô có giá khá đắt đỏ.

BSCKII, Hoàng Thanh Hiền, Khoa Y học Cổ truyền, Bệnh viện quận 11, Tp.HCM chia sẻ với Lao Động về hoa đậu, loại hoa này không chỉ làm món ăn thức uống đẹp mắt mà còn nhiều công dụng tốt cho sức khỏe như: Làm đẹp da, đẹp tóc, chống lão hóa, chống béo phì; ngăn ngừa, hỗ trợ điều trị ung thư; tăng cường miễn dịch; tính kháng khuẩn; tốt cho tim mạch; hữu ích cho bệnh tiểu đường... Tuy nhiên, hoa đậu biếc chứa anthocyanin có tác dụng ức chế sự kết tụ tiểu cầu, tăng lưu thông máu, thúc đẩy sự co bóp tử cung nên lưu ý cẩn thận hạn chế dùng trong một số trường hợp: Có thai, đang hành kinh, đang chuẩn bị phẫu thuật, đang dùng thuốc chống đông máu.

Trong khi đó, lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội) cho biết, dù có một vài nghiên cứu nói về tác dụng của hoa đậu biếc với làn da và việc điều trị bệnh nhưng không phải vì vậy mà chúng ta tin tưởng mù quáng mà không điều trị theo chẩn đoán của bác sĩ.

Lương y nhấn mạnh chỉ nên xem trà hoa đậu biếc như một thức uống hỗ trợ cải thiện sức khỏe chứ không nên coi là thuốc, có tác dụng chữa bệnh. Không nên vì chủ quan, lạm dụng hoa đậu biếc mà để bệnh tình thêm nặng đến mức không thể cứu chữa.

Nếu sử dụng thì nên dùng với lượng vừa phải (1-2 ly mỗi ngày), không nên dùng dài ngày, nên mua hoa có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo an toàn vệ sinh, tránh việc lẫn tạp chất, phơi sấy không đảm bảo chất lượng có thể ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người dùng.

Trúc Chi (t/h)

Trúc Chi (t/h)