Trang trại của ông Nguyễn Đình Lâm, xã Thành Lập, huyện Lương Sơn, Hoà Bình có thu nhập hàng tỷ đồng/năm.
Cả nước hiện có gần 30.000 trang trại, hàng vạn gia trại và hàng triệu nông dân ấp ủ khát vọng làm giàu từ thửa ruộng, mảnh vườn. Phương thức sản xuất trang trại, gia trại đang là động lực phát triển nền nông nghiệp hàng hóa, nhưng để nông sản tiêu thụ thuận lợi, thu được giá trị tương xứng, nông dân không thể giữ mãi lối làm ăn nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm mà đòi hỏi phải có sự liên kết giữa trang trại với trang trại, trang trại với doanh nghiệp… để hình thành chuỗi sản xuất và chủ động hơn trong sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy các mối liên kết trong chăn nuôi, trồng trọt hiện nay mới manh nha hình thành, đang ở cấp độ thấp và tự phát, số lượng doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết vẫn còn rất khiêm tốn; vai trò của nhà khoa học, nhà nước… cũng còn mờ nhạt.
Theo ông Nguyễn Xuân Hồng – nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), do thiếu các chủ trương, định hướng và chính sách phù hợp nên giữa các tác nhân tham gia trong chuỗi liên kết thường nảy sinh mâu thuẫn, việc phân chia lợi nhuận giữa thành viên tham gia chuỗi chưa hợp lý. Do đó, Nhà nước cần nghiên cứu, ban hành chính sách đủ mạnh để thu hút nhiều hơn doanh nghiệp đầu tư vào việc sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn theo chuỗi. Doanh nghiệp sẽ là đầu tàu trong chuỗi này.
Tiêu điểm “Liên kết để thuyền nhỏ vươn khơi” đề cập những khó khăn và bất cập của trang trại trong quá trình liên kết sản xuất, đồng thời giới thiệu những mô hình trang trại liên kết hiệu quả, giúp chủ trang trại có những hành trang cần thiết để đưa nông sản chinh phục thị trường trong nước và xuất khẩu.