dd/mm/yyyy

Liêm Phú chuyển mình nhờ Nông thôn mới

Đến với xã Liêm Phú (huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai) vào những ngày cuối tháng 11 này, chúng tôi cảm nhận rõ được sự chuyển biến tích cực và bền vững nơi đây. Và theo như lời người dân nơi đây thì sự chuyển mình đó chính là nhờ vào chương trình xây dựng nông thôn mới...

Đào tạo những con người mới

Xã Liêm Phú bước vào triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM) với xuất phát điểm thấp, như: Kết cấu hạ tầng – kinh tế thấp kém; sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún; tỷ lệ hộ nghèo cao; thu nhập thấp…

Lào Cai: Liêm Phú chuyển mình nhờ Nông thôn mới - Ảnh 1.

100% đường trục thôn, đường nội đồng của Liêm Phú đã được cứng hóa.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Trang Trại Việt, ông Hoàng Văn Hơn – Chủ tịch UBND xã Liêm Phú, tâm sự: Trước những khó khăn đó, trong giai đoạn 2011 – 2015, Đảng ủy xã đã ban hành Quyết định 63-QĐ/ĐU về việc thành lập Ban chỉ đạo xây dựng NTM giai đoạn 2010 – 2020, gồm: Đồng chí Bí thư Đảng ủy làm Trưởng ban, Chủ tịch UBND làm Phó ban; các ban, ngành, đoàn thể và các đồng chí Bí thư chi bộ, Trưởng bản là thành viên.

Lào Cai: Liêm Phú chuyển mình nhờ Nông thôn mới - Ảnh 2.

Người dân Liêm Phú tích cực đóng góp ngày công tham gia xây dựng đường giao thông nông thôn.

Trong giai đoạn 2016 – 2020, Liêm Phú tiếp tục kiện toàn Ban chỉ đạo, Ban quản lý, Ban phát triển thôn và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, xây dựng quy chế làm việc, quy chế hoạt động. Hàng năm, xây dựng kế hoạch cụ thể, tiến hành đánh giá, rà soát các tiêu chí NTM để kịp thời điều chỉnh, bổ sung vào đề án xây dựng NTM sao cho phù hợp với tình hình thực tế tại cơ sở.

Lào Cai: Liêm Phú chuyển mình nhờ Nông thôn mới - Ảnh 3.

Trụ sở xã Liêm Phú được đầu tư khang trang, theo hướng hiện đại.

Theo ông Hơn: Cấp ủy, chính quyền Liêm Phú xác định, muốn xây dựng NTM thành công và bền vững thì việc làm trước tiên là phải đào tạo được những con người mới. Do đó, ngay từ đầu, xã Liêm Phú đã cử cán bộ, đảng viên trong Ban chỉ đạo, Ban quản lý, Ban phát triển thôn tham gia đầy đủ các lớp đào tạo, tập huấn nghiệp vụ NTM do tỉnh, huyện tổ chức.

Công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia xây dựng NTM được triển khai bằng nhiều cách thức đa dạng, phong phú, như: Lồng ghép vào các cuộc họp tại thôn bản; tuyên truyền qua băng rôn, pa nô, hệ thống loa đài…

Lào Cai: Liêm Phú chuyển mình nhờ Nông thôn mới - Ảnh 4.

Khi nhận thức của người dân được nâng lên, bà con mạnh dạn chuyển đổi sang trồng những cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao.

"Ban đầu, khi cán bộ xã đến thôn triển khai xây dựng NTM, do là chương trình mới nên bà con còn có những nghi ngờ, do dự về tính khả thi trong việc thực hiện. Nhưng nhờ cán bộ sâu sát với người dân, giải thích cặn kẽ từng chỉ tiêu, tiêu chí; tiêu chí nào dễ thực hiện, nhận được sự đồng thuận cao được ưu tiên làm trước. Bởi vậy, khi nhận thức của bà con được đả thông thì đến nay đã có hàng chục hộ gia đình trong thôn đã tự nguyện hiến đất, đóng góp ngày công, tài sản tham gia làm NTM, bảo ban nhau tăng gia sản xuất" – ông Lê Văn Lương, thôn Liêm, xã Liêm Phú bảo vậy.

Lào Cai: Liêm Phú chuyển mình nhờ Nông thôn mới - Ảnh 5.

Để diện mạo nông thôn đạt được những kết quả cao trong xây dựng NTM, những năm qua, tổng nguồn lực huy động đầu tư vào Liêm Phú là trên 27 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách nhà nước trên 13 tỷ đồng; người dân đóng góp trên 9 tỷ đồng.

"Tam nông" khởi sắc

Từ những thay đổi trong nhận thức đã chuyển thành hành động, người dân hiểu ra rằng xây dựng NTM là vì chính họ, vì cuộc sống tốt đẹp hơn trong tương lai nên cộng đồng dân cư nơi đây đều hăng hái, tích cực vào cuộc xây dựng NTM. Từ đó, diện mạo "tam nông" ở Liêm Phú đã có những khởi sắc rõ rệt.

Lào Cai: Liêm Phú chuyển mình nhờ Nông thôn mới - Ảnh 6.

Hội Phụ nữ xã Liêm Phú phát động phong trào xây dựng mô hình "5 không 3 sạch". Các mô hình " Nhà sạch vườn đẹp" hoạt động hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM.

Đến nay, sau nhiều năm triển khai đồng bộ những giải pháp, bước đi cụ thể, hợp lý cùng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Văn Bàn, diện mạo nông thôn Liêm Phú đã và đang chuyển mình mạnh mẽ.

Nhờ thực hiện tốt Chương trình xây dựng NTM, nhiều công trình hạ tầng nông thôn ở Liêm Phú được đầu tư, xây dựng khang trang, theo hướng hiện đại; từ chỗ sản xuất nông nghiệp theo hướng nhỏ lẻ, manh mún, đến nay đã xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp được tổ chức sản xuất bài bản, hợp lý, đem lại giá trị kinh tế cao trên một đơn vị diện tích cho người dân.

Lào Cai: Liêm Phú chuyển mình nhờ Nông thôn mới - Ảnh 7.

Mô hình tắm thuốc gia truyền của người Dao Đỏ góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Mục tiêu cốt lõi trong xây dựng NTM là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Theo đó, xã Liêm Phú tập trung thực hiện các chương trình dự án tái cơ cấu nông nghiệp theo định hướng của tỉnh, huyện; các hình thức tổ chức sản xuất đã từng bước được đổi mới, hình thành mô hình liên kết sản xuất giữa người nông dân với hợp tác xã (HTX).

Trao đổi thêm với chúng tôi, vị lãnh đạo UBND xã Liêm Phú, cho biết: Hiện, xã đang triển khai mô hình trồng quế hữu cơ; trồng thảo quả; trồng dâu nuôi tằm; nuôi cá. Đây là những mô hình được người dân ủng hộ rất cao vì đem lại lợi ích thiết thực cho họ. Bên cạnh đó, ngoài 2 vụ lúa ra, xã còn định hướng bà con sản xuất thêm vụ đông gồm cây rau, ngô để nâng cao thu nhập.

Lào Cai: Liêm Phú chuyển mình nhờ Nông thôn mới - Ảnh 8.

Công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, xoá mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; phổ cập giáo dục trung học cơ sở ngày càng được quan tâm.

Xã Liêm Phú có 4 HTX hoạt động hiệu quả, gồm: HTX Bình Phú chuyên sản xuất nấm và liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm trong trồng dâu nuôi tằm với người dân; HTX công nghiệp Quang Chinh; HTX Ngọc Lợi chuyên chế biến lâm sản; HTX Thác Bay tắm thuốc người Dao Đỏ.

Thu nhập bình quân đạt trên 33 triệu đồng/người/năm, tăng trên 20 triệu so với năm 2010; tỷ lệ lao động có việc làm đạt trên 92%; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,97% năm 2019.

Lào Cai: Liêm Phú chuyển mình nhờ Nông thôn mới - Ảnh 9.

Bể chứa thuốc bảo vệ thực vật được đầu tư ngay cạnh đồng ruộng tạo điều kiện cho người dân thu gom, vứt rác đúng nơi quy định, đảm bảo môi trường xanh, sạch, đẹp.

Đến nay, hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn như điện, đường, trường, trạm, cơ sở vật chất văn hóa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân. Các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào người Tày, Dao, Mông được bảo tồn và phát huy. Công tác chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho người dân ngày một được quan tâm…

"Hiện, xã Liêm Phú đã cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí, các cơ quan chuyên môn của huyện đã xuống thẩm định xong. Xã đang hoàn tất các thủ tục, hồ sơ gửi huyện và đề nghị các sở, ban, ngành của tỉnh xuống thẩm định nữa là xong" – ông Trần Tiến Dũng – Phó Chủ tịch UBND xã Liêm Phú, thông tin.

PV Tây Bắc