dd/mm/yyyy

Lễ hội có xôi gấc đỏ thắm, gà luộc cánh tiên thu hút hàng nghìn du khách tới dâng hương ở Lào Cai

Lễ hội Đền Đồng Ân là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Ngày 23/1 âm lịch là ngày Lễ hội, còn gọi là khai ấn năm mới; ngày 20/8 âm lịch làm ngày giỗ. Nhiều du khách thập phương đến dâng hương tưởng nhớ Đức thánh Trần.

Lễ hội đền Đồng Ân tưởng nhớ ân đức Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương

Tọa lạc bên tuyến đường kết nối Phố Mới - Bảo Hà (Lào Cai) - Văn Yên (Yên Bái), đền Đồng Ân (tên gọi khác là đền Mi) thuộc thôn Quyết Tâm, xã Thái Niên, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai là di tích lịch sử, có ý nghĩa tâm linh với người dân trong vùng và trở thành điểm đến trên hành trình du lịch tâm linh.

Lễ hội có xôi gấc đỏ thắm, gà luộc cánh tiên thu hút hàng nghìn du khách tới dâng hương ở Lào Cai- Ảnh 1.

Lễ hội đền Đồng Ân hay còn gọi là khai ấn năm mới được bà con thôn Quyết Tâm, xã Thái Niên, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai tổ chức thường niên thu hút đông đảo du khách thập phương tới chiêm bái, dân hương. Ảnh: Tuấn Hùng

Tương truyền, vào năm giặc phương Bắc tràn xuống, vị tướng tài nhà Trần là Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn được cử lên chặn giặc và bị thương, rồi dưỡng thương ở vùng đất rộng lớn ven sông Hồng. Về sau, người dân chỉ thấy còn lại bộ áo giáp nên đã lập đền Đồng Ân để tưởng nhớ công ơn đánh giặc của vị tướng tài. Tên gọi Đồng Ân có từ xa xưa với ý nghĩa "Nhân dân trong vùng đồng lòng biết ơn ân đức Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn". Với vị trí chiến lược ven sông Hồng, đền Đồng Ân sau này còn là nơi hoạt động cách mạng bí mật của quân và dân Bảo Thắng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Theo các già làng, trường bản có uy tín kể lại, trước kia diện tích đền Đồng Ân khá nhỏ, hẹp, được chính những người dân thôn Quyết Tâm (trước kia là thôn Mi) tạo dựng và thờ tự. Sau đó, đền được trùng tu, tôn tạo và mở rộng nhiều lần bằng nguồn xã hội hóa. Người dân trong vùng khi có việc lớn, nhỏ của gia đình, dòng họ, địa phương đều thành kính sắp lễ, dâng hương, cầu mong mọi việc thuận lợi, mưa thuận, gió hòa, người người, nhà nhà khỏe mạnh, bình an, hạnh phúc…

Lễ hội có xôi gấc đỏ thắm, gà luộc cánh tiên thu hút hàng nghìn du khách tới dâng hương ở Lào Cai- Ảnh 2.

Lễ hội đền Đồng Ân lấy ngày 20/8 âm lịch làm ngày ngày giỗ, để du khách thập phương đến dâng hương tưởng nhớ Đức thánh Trần và các vị thần được thờ phụng nơi đây. Ảnh: Tuấn Hùng

Theo bà Đặng Thị Vận, thủ nhang đền Đồng Ân, ngày khai ấn và ngày giỗ luôn thu hút rất đông người dân trong và ngoài huyện tới đền dâng hương cũng như tham gia các hoạt động cùng người dân địa phương như rước kiệu, tế lễ, chơi các trò chơi dân gian (kéo co, đẩy gậy, đu quay)…

Với vị trí thuận lợi về phong thủy, hướng nhìn ra sông, lưng tựa vào dãy núi con Voi hùng vỹ, ngôi đền không chỉ là nơi ghi dấu tinh thần đấu tranh, bảo vệ bờ cõi, non sông của cha ông, mà còn góp phần làm phong phú hơn nét văn hóa tâm linh của vùng đất ven sông trù phú này.

Đền Đồng Ân đang trở thành điểm đến trên bản đồ du lịch của tỉnh khi được kết nối với các điểm di tích khác trên địa bàn. Cùng với hệ thống di tích lịch sử văn hóa tọa lạc dọc sông Hồng như đền Thượng, đền Mẫu, đền Cấm, đền Quan, đền Đôi Cô (thành phố Lào Cai), đền Bảo Hà (Bảo Yên)... đền Đồng Ân góp thêm một địa chỉ trong hành trình du lịch tâm linh của du khách thập phương khi tới Lào Cai.

Lễ hội có xôi gấc đỏ thắm, gà luộc cánh tiên thu hút hàng nghìn du khách tới dâng hương ở Lào Cai- Ảnh 3.

Người dân trong vùng khi có việc lớn, nhỏ của gia đình, dòng họ, địa phương đều thành kính sắp lễ, dâng hương, cầu mong mọi việc thuận lợi, mưa thuận, gió hòa, người người, nhà nhà khỏe mạnh, bình an, hạnh phúc… Ảnh: Tuấn Hùng

Hàng nghìn du khách tới chiêm bái, dâng hương ở lễ hội đền Đồng Ân

Lễ hội năm nay được tổ chức từ 1/3 – 3/3 (tức 21 – 23 tháng Giêng). Ngày 3/3 đã diễn ra các nghi lễ rước kiệu, dâng hương, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian... mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc địa phương.

Đền Đồng Ân còn có tên gọi khác là đền Mi, là di tích có lịch sử lâu đời. Năm 2016, đền Đồng Ân đã được UBND tỉnh Lào Cai xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và lấy ngày 23/1 (âm lịch) hằng năm làm ngày tổ chức Lễ hội đền Đồng Ân, còn gọi là khai ấn năm mới; lấy ngày 20/8 (âm lịch) hằng năm làm ngày tiệc chính (ngày giỗ), để du khách thập phương đến dâng hương tưởng nhớ Đức thánh Trần và các vị thần được thờ phụng nơi đây.

Lễ hội có xôi gấc đỏ thắm, gà luộc cánh tiên thu hút hàng nghìn du khách tới dâng hương ở Lào Cai- Ảnh 4.

Đền Đồng Ân còn có tên gọi khác là đền Mi, là di tích có lịch sử lâu đời. Năm 2016, đền Đồng Ân đã được UBND tỉnh Lào Cai xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Ảnh: Tuấn Hùng

Hồ hởi chia sẻ với chúng tôi, chị Nguyễn Thùy Anh cho biết: "Tôi sinh ra thì đền đã có. Chúng tôi tự hào vì địa phương có một di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh có ý nghĩa tâm linh và ngày càng nhiều người biết đến. Sau nhiều biến cố lịch sử, đến nay, đền Đồng Ân vẫn còn giữ lại được nền móng ngôi đền cổ, nhiều hiện vật được xác định có niên đại trên 100 năm (chiếc chuông đồng) đang được lưu giữ tại đây đã minh chứng giá trị văn hóa, lịch sử của đền".

Lễ hội có xôi gấc đỏ thắm, gà luộc cánh tiên thu hút hàng nghìn du khách tới dâng hương ở Lào Cai- Ảnh 5.

Các trò chơi dân gian được tổ chức sôi nổi, mang lại nhiều niềm vui và tiếng cười. Ảnh: Tuấn Hùng

Lễ hội có xôi gấc đỏ thắm, gà luộc cánh tiên thu hút hàng nghìn du khách tới dâng hương ở Lào Cai- Ảnh 6.

Không chỉ mang lại nhiều cảm xúc, các trò chơi tại lễ hội còn thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương tới tham gia và trải nghiệm. Ảnh: Tuấn Hùng

Đền Đồng Ân gắn liền với đời sống văn hóa tâm linh của nhân dân các dân tộc xã Thái Niên nói chung và du khách thập phương nói riêng. Trong tương lai Đền Đồng Ân sẽ là một điểm sáng trên bản đồ du lịch tâm linh của tỉnh Lào Cai, khi được kết nối với các điểm di tích khác trong tỉnh như đền Thượng Lào Cai, đền Bảo Hà (huyện Bảo Yên)...

Tuấn Hùng, Thanh Nga