dd/mm/yyyy

Lai Châu: Ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất, nông dân Tân Uyên khá giả hẳn lên

Mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, thu nhập, đời sống của hội viên, nông dân Tân Uyên (Lai Châu) không ngừng cải thiện, nâng cao.

"Cầu nối" thúc đẩy nông dân Tân Uyên ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật

Tân Uyên là huyện thuần nông, với gần 90% dân số sống ở nông thôn và làm nông nghiệp. So với nhiều huyện khác của tỉnh Lai Châu, Tân Uyên có điều kiện kinh tế - xã hội tương đối thuận lợi, song việc khai thác, tận dụng những lợi thế đó chưa được phát huy triệt để, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Người dân các xã, bản trong huyện chủ yếu sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, canh tác lạc hậu, hiệu quả kinh tế thấp, tính liên kết chưa cao, thị trường tiêu thụ không ổn định.

Trước thực trạng đó, Hội Nông dân huyện Tân Uyên đã tích cực nhập cuộc, phát huy vai trò là "cầu nối" thúc đẩy hội viên, nông dân trên địa bàn ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất, kinh doanh.

Lai Châu: Ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất, nông dân Tân Uyên khá giả hẳn lên - Ảnh 1.

Nhiều gia đình hội viên, nông dân ở huyện Tân Uyên dã mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất, nâng cao thu nhập. (Ảnh: Thanh Ngân)

Ông Đỗ Đình Cường – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tân Uyên, cho hay: Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân huyện Tân Uyên đã phát huy tốt vai trò trong việc thúc đẩy hội viên, nông dân ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, kinh doanh nông nghiệp.

Hội Nông dân huyện Tân Uyên đã có nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân từng bước thay đổi các nghĩ, cách làm, thay đổi tập quán canh tác truyền thống kém hiệu quả, sang áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp.

Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, Hội Nông dân Tân Uyên đã chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện, các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn mở các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kĩ thuật cho hội viên, nông dân. Các lớp tập huấn tập trung vào các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm. 

Lai Châu: Ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất, nông dân Tân Uyên khá giả hẳn lên - Ảnh 2.

Cây chè mang lại thu nhập ổn định cho nông dân Tân Uyên (Lai Châu). (Ảnh: Thanh Ngân)

Cụ thể, trong thời gian qua, Hội Nông dân huyện Tân Uyên đã phối hợp với Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ việc làm (Hội Nông dân tỉnh Lai Châu) mở 133 lớp tập huấn, đào tạo về: Kỹ thuật trồng, chăm sóc chè, quế, mắc ca; kỹ thuật trồng nấm; kỹ thuật chăn nuôi gà, lợn; Sửa chữa máy nông nghiệp, cắt may; Kỹ thuật trồng, chăm sóc lúa, cây ăn quả... cho 3.390 học viên là hội viên, nông dân trên địa bàn huyện.

Bên cạnh đó, Hội Nông dân huyện Tân Uyên còn phối hợp với các đơn vị Hội Nông dân tỉnh mở các lớp tập huấn nâng cao năng lực sử dụng máy tính, truy cập Internet và điện thoại thông minh cho cán bộ, hội viên nông dân ở các xã: Thân Thuộc, Phúc Khoa, Nậm Cần, Trung Đồng và thị trấn Tân Uyên. Qua đó, giúp cán bộ, hội viên, nông dân các xã tìm hiểu về khoa học kỹ thuật trong sản xuất hàng hóa nông nghiệp, từ đó ứng dụng vào sản xuất.  

Không chỉ dừng ở đó, Hội Nông dân huyện Tân Uyên còn phối hợp xây dựng, triển khai nhiều mô hình, dự án như: Mô hình cánh đồng không vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại thị trấn Tân Uyên; Dự án "Hỗ trợ phát triển sản xuất lúa nếp Co giàng liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với tiêu thụ sản phẩm" tại xã Pắc Ta; Mô hình canh tác lúa hữu cơ tại xã Mường Khoa... thu hút đông đảo hội viên, nông dân tham gia.

Lai Châu: Ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất, nông dân Tân Uyên khá giả hẳn lên - Ảnh 3.

Mạnh dạn đầu tư chuồng trại chăn nuôi trâu, bò quy mô lớn, giá đình ồng Đoàn Văn Kiên, ở khu 5 (thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên) thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. (Ảnh: Thanh Ngân)

Thu nhập, đời sống của hội viên, nông dân Tân Uyên được cải thiện, nâng cao

"Được tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kĩ thuật, nhiều hội viên, nông dân trong huyện tích cực chuyển đổi diện tích sản xuất kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn. Thực tế cho thấy, nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như: Chè, bí xanh, chanh leo, dứa... đã được nhiều hộ dân đưa vào trồng thay thế ngô, lúa. Thu nhập của người dân cũng nhờ đó mà được nâng lên rõ rệt" – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tân Uyên thông tin.

Không chỉ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhiều hội viên, nông dân ở Tân Uyên còn  chú trọng ứng dụng công nghệ cao, đưa hệ thống nhà lưới, nhà màng vào sản xuất một số loại nông sản có chất lượng. Điển hình như: Mô hình trồng cà chua socola của hội viên nông dân Nguyễn Văn Phượng (thị trấn Tân Uyên); Mô hình trồng dưa lưới, dưa chuột baby, ớt chuông của hội viên Đàm Văn Tuyên, ở thị trấn Tân Uyên. Các mô hình đều phát huy hiệu quả cao, góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ dân.

Lai Châu: Ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất, nông dân Tân Uyên khá giả hẳn lên - Ảnh 4.

Toàn huyện Tân Uyên hiện có gần 2ha nhà màng. (Ảnh: Thanh Ngân)

Toàn huyện Tân Uyên hiện có 1,9 ha nhà màng. Từ việc ứng dúng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất, nông dân huyện Tân Uyên đã làm ra nhiều sản phẩm mới có chất lượng, đạt chất lượng tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao. Tiêu biểu như gia đình ông Đoàn Văn Kiên, hội viên Chi hội Nông dân khu 5 (thị trấn Tân Uyên) có 3 sản OCOP; hội viên Phan Văn Quang, Chi hội Nông dân khu 6 (thị trấn Tân Uyên) có 3 sản phẩm OCOP 3 sao. Đến nay, toàn huyện Tân Uyên có 17 sản phẩm OCOP 3 sao; 1 sản phẩm OCOP 4 sao.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, các cấp Hội Nông dân huyện Tân Uyên vận động hội viên, nông dân tích cực ứng dụng khoa học công nghệ như sử dụng đệm lót sinh học, xây dựng chuồng trại xa khu dân cư, chăn nuôi theo hướng tập trung, hình thành các trang trại, gia trại với quy mô vừa và nhỏ ở hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn.

Với những nỗ lực trong việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, giúp đỡ của các cấp Hội Nông dân huyện Tân Uyên cùng với việc tìm tòi, học hỏi, sáng tạo không ngừng, phấn đấu vươn lên của hội viên, nông dân, lĩnh vực tam nông của huyện Tân Uyên đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung. Thu nhập, đời sống của hội viên, nông dân trong huyện không ngừng cải thiện, nâng cao.


Thanh Ngân