Những diễn biến phức tạp của dịch bệnh ảnh hưởng rất lớn đến việc tái đàn lợn ở huyện Mường Tè trong thời gian này.
Thăm gia đình anh Chu Go Giá, bản Mé Gióng, xã Ka Lăng (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) sau khi gia đình bị thiệt hại đàn lợn do DTLCP. Đưa chúng tôi đi thăm khu vực chăn nuôi của gia đình, anh Chu Go Giá buồn bã kể lại: DTLCP bùng phát trên địa bàn đầu năm 2020 đã gây thiệt hại cho gia đình tôi 4 con lợn thịt và đàn lợn nái (1 lợn mẹ, 8 lợn con).
Sau khi dịch bệnh xảy ra, khu vực chăn nuôi của gia đình tôi được các cơ quan chức năng phun tiêu độc, khử trùng và gia đình tôi cũng thường xuyên rắc vôi bột khử trùng để chuẩn bị cho việc tái đàn lợn. Tháng 5 vừa qua, khi được nhận tiền dịch vụ môi trường rừng gia đình tôi đầu tư trên 10 triệu đồng mua lợn giống về nuôi. Đàn lợn 9 con đang sinh trưởng và phát triển tốt thì lăn ra chết, các cơ quan chức năng lấy mẫu xét nghiệm kết quả do DTLCP và mang đi tiêu hủy. Tôi và dân bản đang lo lắng trước những diễn biến phức tạp của DTLCP. Chúng tôi đang gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức chăn nuôi, đặc biệt là nuôi lợn để phát triển kinh tế gia đình.
Trao đổi với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt điện tử, đồng chí Khoàng Sỳ Chừ - Chủ tịch UBND xã Ka Lăng cho biết: DTLCP tái bùng phát trên địa bàn xã Ka Lăng (huyện Mường Tè) vào tháng 6 tại bản Mé Gióng và lây lan sang bản Tù Nạ làm chết 122 con. Việc bùng phát DTLCP khiến cho chủ trương tập trung phát triển chăn nuôi, đặc biệt với đàn lợn của xã gặp khó khăn, người dân đang lo lắng trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh; UBND xã chưa thể vận dụng những chính sách hỗ trợ của Nhà nước để giúp bà con tổ chức chăn nuôi và tái đàn lợn.
Để thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh và phát triển đàn gia súc, UBND xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tập trung tuyên truyền về tính chất nguy hiểm của bệnh đối với đàn lợn, nguy cơ dịch bệnh tái phát lây lan trong diện rộng; các biện pháp phòng dịch như: Tiêu hủy lợn chết, vệ sinh xử lý chất thải chăn nuôi, khử khuẩn môi trường chăn nuôi thường xuyên bằng hóa chất, vôi bột.
Yêu cầu người dân không tham gia các hoạt động mua bán, vận chuyển gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc vào địa phương tiêu thụ; không mua bán, cho tặng động vật, sản phẩm động vật không có nguồn gốc rõ ràng và chưa qua kiểm dịch. Kịp thời báo với UBND xã và các cơ quan chuyên môn nếu phát hiện tình hình dịch bất thường xảy ra...
Tính đến tháng 7 năm 2021, tổng đàn lợn trên địa bàn huyện ước khoảng 37.000 con. DTLCP tái phát trên địa bàn huyện vào tháng 6/2021, đến nay đã có 5/14 xã, thị trấn xuất hiện dịch: Mù Cả, Ka Lăng, Thu Lũm, Tà Tổng và thị trấn Mường Tè, làm chết trên 250 con với tổng trọng lượng tiêu hủy trên 8.900kg. Theo điều tra dịch tễ, nguyên nhân tái phát, lây lan chủ yếu từ các ổ dịch cũ; do việc lưu thông, giết mổ mua bán sản phẩm lợn đã nhiễm bệnh và do nhập lợn tái đàn thiếu kiểm soát... Việc DTLCP tái phát đã gây khó khăn cho việc tái đàn và phát triển đàn lợn trên địa bàn huyện.
Ông Tống Văn Thi - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Tè cho biết: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Mường Tè, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đặt ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng đàn gia súc đạt trên 5%/năm; sử dụng hiệu quả các chương trình hỗ trợ của Nhà nước khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi. Hiện nay, DTLCP vẫn tiếp tục có chiều hướng phức tạp nguy cơ lây lan ra các xã khác trên địa bàn huyện. Đây là một trong những trở ngại rất lớn đến chủ trương phát triển chăn nuôi của huyện; các xã, thị trấn các phòng chuyên môn chưa thể triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ nông nghiệp cho chủ trương tái đàn và tăng đàn lợn.
Nhiệm vụ trọng tâm được UBND huyện Mường Tè đặt ra cho phát triển chăn nuôi trên địa bàn là hạn chế sự lây lan của DTLCP xảy ra diện rộng, khống chế dịch trong diện hẹp. Các cơ quan chuyên môn như: Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Phòng Kinh tế Hạ tầng, Công an huyện, Đội Quản lý thị trường, UBND các xã, thị trấn tăng cường giám sát dịch bệnh trên đàn gia súc tại cơ sở, nhất là tại các khu vực đã diễn ra dịch bệnh, khu vực có nguy cơ cao. Thực hiện tốt công tác tiêm phòng, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi, lấy mẫu xét nghiệm giám sát, chuẩn đoán dịch bệnh... chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức chăn nuôi, tái đàn lợn.