dd/mm/yyyy

Lai Châu bàn giải pháp liên kết tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp

UBND tỉnh Lai Châu vừa tổ chức hội nghị bàn giải pháp liên kết tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn.

Lai Châu hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp tập trung

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Hà Trọng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, cho biết: Những năm qua, Lai Châu luôn dành sự quan tâm và ban hành nhiều chính sách để phát triển nông nghiệp hàng hóa. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều vùng sản xuất có quy mô lớn như: Vùng trồng cao su 12.000 ha, vùng chè hơn 10.500 ha, hơn 7.000 ha mắc ca, hơn 8.000 ha cây ăn quả các loại.

Lai Châu chú trọng phát triển liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp - Ảnh 1.

Đến nay, tỉnh Lai Châu đã phát triển được hơn 200 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. (Ảnh: Đinh Lan)

Toàn tỉnh Lai Châu hiện đã phát triển được hơn 200 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp đã được quan tâm, với gần 40 nhãn hiệu được cấp bằng bảo hộ. Hạ tầng nông nghiệp được quan tâm đầu tư tạo điều kiện thu hút hơn 22 dự án, hơn 250 hợp tác xã đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Qua đó góp phần đưa ngành Nông nghiệp của tỉnh tăng trưởng bình quân trong giai đoạn vừa qua là 5%/năm, giá trị sản phẩm ngành Nông nghiệp năm 2024 ước đạt khoảng 4.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 15% giá trị tổng sản phẩm toàn tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu đề nghị, các tổ chức kinh tế, các địa phương tham gia đóng góp, hiến kế để UBND tỉnh xây dựng các giải pháp về cơ chính sách phù hợp cho giai đoạn phát triển tới.

Lai Châu chú trọng phát triển liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp - Ảnh 2.

Các đại biểu dự hội nghị bàn giải pháp liên kết tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. (Ảnh: Đinh Lan)

Báo cáo kết quả sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn tỉnh Lai Châu, nhiệm vụ, giải pháp trong giai đoạn tới, nêu rõ: Qua gần 4 năm triển khai thực hiện, các chính sách hỗ trợ của tỉnh về: Sản xuất lúa hàng hóa, phát triển vùng chè tập trung, phát triển hoa địa lan, hỗ trợ chuồng trại chăn nuôi… đã phát huy hiệu quả cao, góp phần thúc đẩy sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn phát triển.

Nhờ đó, số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng, góp phần nâng cao nhận thức của người dân. Nhiều hộ dân trong tỉnh mạnh dạn chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa.

Lai Châu chú trọng phát triển liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp - Ảnh 3.

Các huyện ký biên bản ghi nhớ với Công ty TNHH thương mại và sản xuất Khánh Thìn đầu tư trồng và phát triển cây Mít ruột đỏ, với quy mô khoảng 800 ha. (Ảnh: Đinh Lan)

Cùng với cơ chế, chính sách của tỉnh, các nguồn lực từ Chương trình mục tiêu Quốc gia, các nguồn hợp pháp khác hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đã tạo động lực cho nông nghiệp Lai Châu phát triển và tạo sự chuyển biến rõ nét trong sản xuất nông nghiệp. Việc liên kết giữa doanh nghiệp và người dân thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm đã mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai phía. Việc hình thành các chuỗi sản xuất không những góp phần nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho nông sản, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân mà doanh nghiệp cũng chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến và quản lý chất lượng sản phẩm.

Bàn giải pháp liên kết tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp

Báo cáo cũng chỉ ra những hạn chế như: Quy mô các vùng sản suất các sản phẩm chủ lực tập trung chưa đủ lớn, chưa liên kết được các vùng huyện, để đáp ứng được yêu cầu về quy mô sản xuất hàng hoá tập trung, đảm bảo chất lượng và nâng cao hiệu quả kinh tế. Việc liên kết sản xuất giữa người dân và doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến, bao tiêu sản phẩm đã được hình thành, song còn ít về số lượng…

Lai Châu chú trọng phát triển liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp - Ảnh 4.

Công ty Cổ Phần Bio Farm Việt Nam ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Chè Tam Đường. (Ảnh: Đinh Lan)

Tại hội nghị, các đại biểu đã dành nhiều thời gian để bàn giải pháp trong liên kết tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh như: Giải pháp phân định vùng nguyên liệu chè; giải pháp phát triển vùng trồng Dứa tập trung; giải pháp phát triển vùng chè hữu cơ; công tác tuyên truyền, vận động các hội viên thành lập các tổ hợp tác tham gia thực hiện các liên kết sản xuất, tuân thủ các quy trình kỹ thuật để sản xuất nông nghiệp theo hướng xanh, sạch, bền vững; đề xuất giải pháp để liên kết hình thành vùng, sản phẩm chủ lực có quy mô lớn, đảm bảo chất lượng…

Cũng tại hội nghị, các huyện: Sìn Hồ, Tân Uyên, Than Uyên, Phong Thổ, Tam Đường đã ký kết biên bản thống nhất phối hợp thực hiện liên kết vùng, tạo sản phẩm chủ lực của tỉnh, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung đối với cây Mít, Mía, Dứa. Các huyện: Tam Đường, Tân Uyên, Than Uyên, Phong Thổ, Sìn Hồ và thành phố Lai Châu đã ký biên bản thống nhất phối hợp quản lý sản xuất, nâng cao chất lượng vùng chè. Công ty Cổ Phần Bio Farm Việt Nam ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Chè Tam Đường và Công ty TNHH Xây dựng Tuyền Phương về đầu tư sản xuất chè an toàn, nông nghiệp công nghệ cao gắn với du lịch quảng bá sản phẩm...

Lai Châu chú trọng phát triển liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp - Ảnh 5.

Ông Lê Văn Lương - Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Đinh Lan)

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Lê Văn Lương - Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu nhấn mạnh: Thời gian tới, các sở, ngành, các huyện, thành phố trong tỉnh cần phát huy vai trò của Nhà nước trong công tác quản lý từ cấp tỉnh đến cấp xã; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, tổng hợp, đánh giá để thực hiện tốt các chính sách; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách, các quy định, quy chế trong triển khai các chính sách đến người dân; xây dựng các quy ước, hương ước để người dân đồng lòng thực hiện; phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể, vai trò của già làng, trưởng bản trong triển khai thực hiện các chính sách; tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp, tạo dựng môi trường thuận lợi, hiệu quả, nhanh chóng để biến những tiềm năng, lợi thế thành kết quả cụ thể, thiết thực.

PV Tây Bắc