dd/mm/yyyy

Kỹ thuật phòng bệnh trên cây nhãn, vải khi thời tiết bất thuận

Dịp này nhà vườn chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch vải và nhãn, đồng thời lên kế hoạch chăm bón cho vụ sau. Để cho cây bền, quả sai, kháng bệnh bà con cần nắm bắt một số kỹ thuật chăm bón phân cho cây.

Chăm bón cho nhãn cũng đòi hỏi kinh nghiệm và sự kiên trì. Ảnh minh họa

Nhãn có thể trồng được ở cả vùng khí hậu nhiệt đới và á nhiệt đới. Vải chỉ có thể ra hoa khi thời tiết có rét. Đặc biệt, giống vải thiều rất mẫn cảm với không khí lạnh rét.

Cây vải thích khô, cây nhãn thích ẩm. Nhãn ưa ẩm nên khi khô hạn kéo dài, quá trình sinh trưởng bị kìm hãm, sự phát triển, phân hóa mầm hoa được thúc đẩy. Thông thường, sau mùa khô dài ngày ở Nam bộ và sau mùa đông khô rét miền Bắc, khi mưa xuân xuất hiện thì nhãn ra nụ, ra hoa.

Thời tiết khắc nghiệt ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất vải. Ảnh minh họa

Mùa đông năm nay, thời tiết ấm nóng lại xen những trận mưa trái mùa làm khó ra hoa, ngoại trừ một số cây nhãn già hoặc cằn cỗi.

Thực tế năm nay nhãn, vải ra hoa rất ít, nên việc chăm sóc nhãn vải năm nay phải thực tế tới từng vườn, từng cây.

Đối với những cây không ra hoa: Thông thường, đầu tư chăm bón năm trước là để năm sau thu quả. Năm nay không ra quả đồng nghĩa với việc đầu tư năm trước không hiệu quả. Song nếu năm nay không chăm sóc năm sau chắc chắn sẽ kém thu hoạch.

Cân đối lượng phân bón hợp lý để cây bền và quả sai. Ảnh minh họa

Để chuẩn bị đón mùa quả năm 2018, với những cây không ra quả năm nay, vào khoảng tháng 6, 7 tương ứng với thời gian thu quả hàng năm, vẫn tiến hành đốn tỉa, làm cỏ như mọi năm, đồng thời bón sâu bằng phân lân, nhằm cung cấp chất lân và các chất dinh dưỡng trung, vi lượng, phần để chuẩn bị và tích lũy dinh dưỡng cho vụ sau, phần bù đắp phần dinh dưỡng cho quá trình sinh trưởng thân lá quá mạnh vừa qua.

Vào giai đoạn phát triển cùi, đặc biệt đến giai đoạn nhãn chín nước 1 (thu hoạch tốt nhất khi nhãn vào chín nước 3, khi vỏ mỏng nhất, hạt nhỏ nhất, cùi dày nhất, hàm lượng đường và các chất hòa tan trong cùi nhiều nhất) quả nhãn hay bị nứt vỏ và rụng, thối. Nguyên nhân do độ ẩm đất thay đổi đột ngột làm lượng nước trong cùi tăng nhanh trong khi nước trong vỏ chưa tăng tương xứng. Như vậy, cần thường xuyên theo dõi và chủ động đảm bảo đủ ẩm cho vườn nhãn.

Với những cây đang ra hoa, nuôi quả: Nhãn năm nay sẽ rất đắt nên cần đầu tư chăm sóc những cây này tương xứng và hiệu quả, nhằm tăng tỷ lệ đậu quả, hạn chế hiện tượng rụng quả và tạo điều kiện cho quả tăng trưởng nhanh, chất lượng tốt.

Năm nay, vào thời kỳ nhãn nuôi quả trời ít mưa, cây vốn đã thiếu dinh dưỡng nay càng trầm trọng hơn, như vậy hiện tượng rụng quả sinh lý có thể còn kéo dài. Tốt nhất, dùng phân đa yếu tố NPK 12:5:10 Văn Điển, ngâm nước 15 - 20 phút rồi hòa nước tưới khắp gầm tán cây.

Trong tháng 5, nếu không có mưa thì cứ 7 - 10 ngày hòa loãng phân tưới 1 lần. Từ tháng 6, khi nhãn bước sang giai đoạn hình thành và phát triển cùi, cần bón thúc để bổ sung dinh dưỡng kali và các chất trung vi lượng giúp tăng năng suất và chất lượng quả nhãn.

Một số cây có hiện tượng nứt vở, có thể do thiếu chất đồng và vôi làm giảm độ dãn nở vỏ quả, dẫn tới hiện tượng nứt quả khi cùi tăng trưởng nhanh. Giải quyết vấn đề trên, có thể phun thuốc boocder (vôi + đồng), hoặc bón phân có chứa đủ chất vôi và đồng cho cây nhãn, vải.

Nhãn, vải được bón phân hợp lý tỷ lệ đậu quả cao, đặc biệt trong điều kiện thời tiết bất thuận, quả lớn đồng đều, ít rụng quả, nứt quả, ít sâu bệnh gây hại làm tăng năng suất và chất lượng quả.

Theo Tiến Chinh-Lê Thu