dd/mm/yyyy

Kỹ sư It về quê "cắm" sổ đỏ trồng dưa leo nhà màng trên đất ngập lụt

Tuổi trẻ đầy nhiệt huyết, với quyết tâm lập nghiệp và làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương. Chàng kỹ sư công nghệ thông tin (CNTT) Trần Khắc Thẩm đã “bén duyên” ở vùng rốn lũ Nam Đàn (Nghệ An) với việc trồng dưa leo công nghệ Israel.

Quyết tâm lập nghiệp trên quê hương

Tốt nghiệp Khoa Công nghệ thông tin Trường Đại học Vinh, không như những bạn bè đồng trang lứa tìm một công việc văn phòng ổn định đúng chuyên ngành, chàng kỹ sư công nghệ trẻ Trần Khắc Thẩm (1993) ở xã Nam Phúc, huyện Nam Đàn (Nghệ An) quyết tâm khởi nghiệp làm giàu ngay trên chính mảnh đất chôn rau cắt rốn bằng giống dưa leo từ đất nước Israel.

Mỗi ngày mô hình của Thẩm cho thu hoạch từ 250-300kg, với mức giá trung bình 20.000 đồng/kg.
Mỗi ngày mô hình của Thẩm cho thu hoạch từ 250-300kg, với mức giá trung bình 20.000 đồng/kg.

Mô hình trồng dưa áp dụng công nghệ Israel không còn là điều mới lạ ở vùng đất Nam Đàn. Thế nhưng, vùng đất trũng thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai ngập lụt như xã Nam Phúc lại là câu chuyện khác, đáng để bất kỳ ai có ý định trồng trọt các loại cây cũng phải trằn trọc suy nghĩ và cân nhắc. Đất “Năm Nam” (5 xã thấp trũng phía Nam huyện Nam Đàn), ngoài việc hàng năm bị ngập lụt vài tháng không thể sản xuất thì bù lại, một lượng phù sa lớn được bồi đắp sau mỗi mùa mưa lũ.

Thẩm chia sẻ: “Sau nhiều đêm suy nghĩ, em tự hỏi tại sao ở nước ngoài không có đất người ta vẫn sản xuất được nông sản, không những thế còn là nông sản sạch, có giá trị kinh tế cao. Vậy tại sao mình lại không tận dụng thế mạnh mà vùng quê mình đang có, đó là đất nhiều, vùng chiêm trũng ngập lụt vài tháng nhưng lại có phù sa bồi đắp này? Thế rồi em lên mạng tìm tòi, học hỏi và nghiền ngẫm cả mấy tháng trời. Sau nhiều phương án, em quyết định đưa giống dưa leo Israel về trồng thử nghiệm. Tất nhiên, muốn “ăn chắc”, không thể trồng theo cách truyền thống mà phải tính toán cụ thể, áp dụng và tuân thủ quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt theo công nghệ sản xuất của nước bạn. Để làm được điều đó, điều đầu tiên là phải có vốn. Em đắn đo mãi rồi cuối cùng cũng mạnh dạn chia sẻ với bố mẹ dự định của mình, xin bố mẹ ủng hộ, tạo điều kiện và mượn sổ đỏ cầm cố lấy vốn để đầu tư vào công nghệ nhà màng này”.

Đặt chiếc giỏ đựng đầy dưa chuột xuống lau mồ hôi, ông Trần Văn Quyền- bố của Thẩm cho hay: “Khi nghe con nói mượn sổ đỏ cầm cố, vợ chồng tôi nhiều đêm không ngủ. Hai vợ chồng tích góp cả đời mới có được cái nhà để ở. Hơn nữa, Thẩm nó học công nghệ thông tin, biết về nông nghiệp được bao nhiêu đâu mà bảo mang cả gia tài đi “đánh bạc với trời”.

“Nói thật lòng là khi cho con học đại học, tôi cũng mong nó thoát cảnh chân lấm tay bùn, tìm được một công việc nào đó ổn định, đúng với chuyên ngành được đào tạo. Hơn nữa vùng “Năm Nam” này mỗi năm mất mấy tháng ngập nước, mùa hè thì nóng nực, gió Lào liệu làm nông nghiệp có “ăn” được không? Tôi cũng nghĩ nhiều lắm, nhưng thấy con quyết tâm thì mình ủng hộ. Toàn bộ tiền cắm sổ đỏ, tiền tiết kiệm bao năm nay hơn nửa tỷ, giao hết cho cháu nó làm ăn. Đến bây giờ cùng con thu hoạch giống dưa này tôi mới thở phào được phần nào”, ông Quyền tâm sự.

Dưa sai quả, loay hoay tìm đầu ra

Sau khi có vốn, Thẩm bắt tay vào thực hiện ước mơ của mình, một hệ thống nhà màng rộng 1.000m2 được dựng lên giữa đồng trước con mắt ngạc nhiên lẫn nghi hoặc của người dân trong xã. Không phụ công chàng kỹ sư CNTT trẻ tuổi, những mầm dưa leo bén đất, nổi bật trên những tấm phủ ni lông rồi vươn mình leo lên dàn dây được treo sẵn.

“Vào giữa vụ, mỗi ngày mô hình của Thẩm cho thu hoạch từ 250-300kg, với mức giá trung bình 20.000 đồng/kg. Dưa khi thu hoạch một phần được Thẩm cung ứng cho một số cửa hàng rau sạch ở Nam Đàn, TP Vinh. Phần còn lại được bán lẻ cho người dân trong vùng để ai cũng có cơ hội được dùng nông sản sạch. “Khi con nói bắt tay vào làm mô hình trồng dưa leo sạch, tôi ngày đêm lo lắng, mất ăn mất ngủ, lo vùng này ngập trũng liệu có thành công hay không? Rồi cũng đến ngày nhìn thấy sự quyết tâm của con được đền đáp xứng đáng, cây dưa nào cũng sai quả trĩu nặng, vui lắm nhưng vẫn không hết lo được. Cho đến bây giờ con vẫn chưa tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm của mình”, ông Quyền cho hay.

Thẩm chia sẻ: “ Khi mới bắt tay vào lập nghiệp em lo mình thất bại rồi tay trắng, bây giờ có kết quả tốt lại lo tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm đầy tâm huyết của mình, chẳng biết bao giờ mới hết lo”.
Thẩm chia sẻ: “ Khi mới bắt tay vào lập nghiệp em lo mình thất bại rồi tay trắng, bây giờ có kết quả tốt lại lo tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm đầy tâm huyết của mình, chẳng biết bao giờ mới hết lo”.

Những sản phẩm dưa khi đưa ra thị trường đều đáp ứng được phần lớn tiêu chí của sản phẩm sạch như không có dư lượng thuốc trừ sâu, trồng sử dụng phân vi sinh, đảm bảo an toàn cho môi trường… Bên cạnh đó, đất cũng đã xử lý trước khi trồng 1 tháng, sử dụng phân bón hữu cơ được nhập từ các nhà sản xuất uy tín nên loại bỏ hoàn toàn các mầm sâu bệnh, đảm bảo sản phẩm sản xuất ra đáp ứng các tiêu chí của thực phẩm sạch.

Chia sẻ về khó khăn khi tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm dưa leo sạch của mình, Thẩm thật thà nói: “Lứa dưa leo đầu tiên trĩu quả em cũng mừng lắm. Nhìn kết quả bây giờ mới bớt lo, còn lúc mới đầu hễ có cây con nào bị bệnh chết là em lo mất ăn, mất ngủ. Thế nhưng hiện tại em vẫn chưa tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm nên chưa dám mở rộng thêm diện tích trồng. Em mong qua báo Trang Trại Việt, sẽ được nhiều người biết đến loại dưa leo của đất nước Israel được trồng trên đất Nam Đàn quê hương Bác, và cũng mong sớm tìm được đầu ra ổn định, có nhà máy nào đó chế biến thực phẩm cùng liên kết để em mạnh dạn đầu tư thêm. Sắp tới em sẽ trồng thử nghiệm thêm các loại quả khác nữa, như : dưa lưới, bí ngồi, dưa kim để sản phẩm thêm phong phú”.

Nhận thấy những thành công bước đầu của mô hình dưa, nhiều người dân trong, ngoài vùng đã đến tham quan học hỏi.

Chủ tịch UBND xã Nam Phúc - Phan Văn Khánh cho biết: “Mô hình trồng giống dưa leo Israel của anh Trần Khắc Thẩm đã trở thành điểm đến học tập kinh nghiệm của nhiều hộ nông dân trong xã. Kết quả phát triển mô hình kinh tế đã góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Tuy nhiên, hiện tại sản phẩm mới chỉ được một số cửa hàng nhỏ thu mua, bán lẻ nên đầu ra không được ổn định, mong nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm trên cả nước. Tìm được đầu ra ổn định lâu dài thì mới yên tâm để phát triển sản xuất”.

Mỹ Hà