Để lợn có chất lượng thịt ngon, sạch, bà Liên còn dùng các thảo dược để phòng, trị bệnh cho đàn lợn.
Bà Liên cho biết, trang trại có quy mô 2.000m2 gồm chuồng trại nuôi lợn, gà, giun quế, trồng bưởi… đều khép kín theo quy trình VietGAP. Điểm đáng chú ý là, việc xử lý phân thải từ lợn cũng rất triệt để. Ban đầu khi lợn thải ra phân sẽ được công nhân đưa đi nuôi giun quế, xử lý qua hầm biogas sau đó phân mùn được đưa đi trồng bưởi, hoa…
Đặc biệt, thức ăn dành cho đàn lợn tại trang trại gồm giun quế, bã bia, rau xanh, thảo dược… Tất cả được xay trộn lẫn và nấu chín trước khi cho lợn ăn. Cùng với đó, bà Liên còn lắp hệ thống âm thanh hằng ngày cho lợn nghe nhạc Pháp (dòng nhạc nhẹ nhàng, êm ái). Bởi theo bà Liên, cách này giúp lợn có thể hấp thụ thức ăn và cho chất lượng thịt giàu dinh dưỡng.
Được biết, sau quá trình chăn nuôi, đến nay trang trại của bà Liên đã được cấp chứng nhận đạt quy chuẩn VietGAP. Tổng doanh thu hằng năm của bà Liên khoảng 2 tỷ đồng. Ngoài ra, trang trại của bà còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 15 lao động địa phương với mức lương khoảng 4 triệu đồng/người/tháng.
Theo bà Liên, hiện trang trại của bà đang xúc tiến xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm thịt lợn để từng bước mở rộng mô hình chăn nuôi lợn an toàn có sử dụng giun quế trong thành phần thức ăn. “Đây sẽ là hướng đi về lâu dài giúp sản phẩm có được chỗ đứng trên thị trường cạnh tranh ngày một gay gắt hiện nay”, bà Liên chia sẻ.