dd/mm/yyyy

Kỳ lạ loài cây có thể hút vàng lên lá, ở Việt Nam mọc nhiều

Có một loại cây tuy không mọc ra tiền, nhưng lại trổ ra... vàng!

Bạch đàn (Eucalyptus) là chi thực vật có hoa trong họ Đào kim nương - loài thực vật bản địa có xuất xứ từ Australia.

Bạch đàn vốn đã khá nổi tiếng vì một loại tinh dầu chiết suất trong đó: dầu khuynh điệp. Thế nhưng vào năm 2013, giới khoa học ở Australia phát hiện ra một sự thật gây sốc của loài cây này, đó là trên lá cây có chứa vàng.

Trong một nghiên cứu của Tổ chức Nghiên cứu khoa học và công nghiệp Australia (CSIRO) đăng trên tạp chí Nature Communications, các nhà khoa học cho biết rễ của cây bạch đàn có thể ăn sâu 40m vào lòng đất để tìm kiếm nguồn nước.

Nhóm đã dùng phương pháp lấy mẫu thực vật để tìm kiếm khoáng chất và phát hiện lá cây bạch đàn có chứa vàng.

Kỳ lạ loài cây có thể hút vàng lên lá, ở Việt Nam mọc nhiều- Ảnh 1.

Một cây bạch đàn mọc ở vùng hoang dã Australia. Ảnh: IFL Science

Trước đó, người ta cho rằng vàng trong lá cây bạch đàn là do ô nhiễm bề mặt chứ không phải vàng được hấp thụ từ môi trường. Tuy nhiên, nghiên cứu trên đã phát hiện vàng xuất hiện từ rễ đến lá.

Cụ thể, nhóm nghiên cứu khi đó đã tới Freddo Gold Prospect ở phía bắc Kalgoorlie, Tây Australia, để kiểm chứng. Bên trên mỏ vàng nằm sâu dưới lòng đất là những cây bạch đàn lớn. Lá, cành và vỏ của chúng chứa hàm lượng nguyên tố vàng (Au) đặc biệt cao.

Những phát hiện này được phản ánh lại trong một thí nghiệm nhà kính, các cây con được trồng trong chậu cát trộn vàng. Kết quả, kính hiển vi điện tử cũng tìm thấy các hạt Au trong lá của những cây này.

Phát hiện mới này đã mở ra phương pháp mới tìm kiếm mỏ vàng theo cách ít gây hại môi trường hơn, đó là dựa vào sự "mách bảo" của lá cây bạch đàn.

Kỳ lạ loài cây có thể hút vàng lên lá, ở Việt Nam mọc nhiều- Ảnh 2.

Trên thế giới hiện có hơn 700 loài cây bạch đàn. Bạch đàn là loài cây gỗ lớn, vỏ mềm, lá cây màu xanh và có hình lưỡi liềm. Đây là loài cây dễ trồng vì nó có thể thích nghi được với những vùng đất nghèo dinh dưỡng. Cây bạch đàn được khai thác nhiều để lấy gỗ và dầu. Ngoài ra, loài cây này còn có nhiều công dụng cho sức khỏe như giảm đau, giảm căng thẳng, khả năng chống viêm, bảo vệ da…


Hải Vân (T/h)