dd/mm/yyyy

Tiềm năng du lịch còn "ngủ quên", Kon Tum ban hành danh mục dự án mời gọi doanh nghiệp lớn đầu tư

Tỉnh Kon Tum đang từng bước đầu tư hệ thống hạ tầng du lịch, kêu gọi các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính lớn, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng… để khai thác tiềm năng du lịch rất lớn nhưng đang “ngủ quên” của địa phương.

Nhiều tiềm năng du lịch còn "ngủ quên" 

Tỉnh Kon Tum có một hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng, mang đậm bản sắc văn hóa rất riêng của các tộc người thiểu số, trong đó phải kể đến "Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên" là "Kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại" đã được UNESCO công nhận. 

Ngoài ra, địa phương còn có nhiều nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên khá phong phú với các loại hình có thể khai thác như du lịch tham quan (Vườn quốc gia Chư Mom Ray, thác Pa Sỹ - Măng Đen…), du lịch cộng đồng (thưởng ngoạn thiên nhiên và trải nghiệm đời sống người dân làng Kon Kơ Tu, TP.Kon Tum; làng Kon Pring, huyện Kon Plông…).

gop/ Đánh thức tiềm năng du lịch của Kon Tum - Ảnh 1.

Thị trấn Măng Đen (huyện Kon Plông) có nhiều cảnh đẹp, khí hậu mát mẻ nên được ví như Đà Lạt thứ hai. Ảnh: H.L

gop/ Đánh thức tiềm năng du lịch của Kon Tum - Ảnh 2.

Ngoài ra, Kon Tum còn có nhiều di tích lịch sử, cách mạng đã được xếp hạng cấp quốc gia như: Di tích lịch sử Ngục Kon Tum (TP.Kon Tum), di tích lịch sử ngục Đăk Glei (huyện Đăk Glei); di tích lịch sử chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh (huyện Đăk Tô); di tích Chiến thắng Plei Kần (huyện Ngọc Hồi)... 

Bên cạnh đó, các công trình tôn giáo có kiến trúc, nghệ thuật độc đáo như: Nhà Thờ Gỗ, Tòa Giám mục, Chùa Bác Ái... đều là những điểm đến hấp dẫn của người dân và du khách.

Phát triển du lịch bền vững

Mặc dù ngành du lịch đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên theo ông Nguyễn Văn Bình - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum, việc phát triển đang gặp nhiều khó khăn do điều kiện kinh tế - xã hội hạn chế, nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch chưa tương xứng với tiềm năng du lịch hiện có của tỉnh.

Bên cạnh đó, việc thu hút nhà đầu tư chiến lược vào lĩnh vực du lịch chưa nhiều, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch đa số là doanh nghiệp nhỏ, tiềm lực tài chính, nhân lực thiếu sức cạnh tranh.

Để phát triển ngành du lịch trong thời gian tới, tỉnh Kon Tum đã đề ra nhiều phương hướng nhiệm vụ. Trong đó, sẽ mời gọi, lựa chọn nhà đầu tư có tiềm năng để đầu tư các dự án lớn, xây dựng hạ tầng du lịch; các công trình văn hóa, thể thao gắn với phát triển du lịch theo hướng bền vững. 

Đồng thời từng bước định vị thương hiệu du lịch Kon Tum thông qua các sản phẩm du lịch "Trải nghiệm văn hóa, khám phá thiên nhiên" và là điểm đến "Du lịch an toàn, thân thiện, mến khách" dựa trên lợi thế so sánh về tài nguyên du lịch sinh thái và văn hóa đặc trưng của tỉnh Kon Tum.

gop/ Đánh thức tiềm năng du lịch của Kon Tum - Ảnh 3.

Nhà thờ Gỗ - một trong các điểm đến độc đáo ở TP.Kon Tum. Ảnh: H.L

Bên cạnh đó, địa phương sẽ đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong thực hiện các giải pháp phát triển du lịch theo hướng xây dựng hệ thống du lịch thông minh; nhất là trong việc xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch; xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên du lịch, thông tin về di sản văn hóa phi vật thể... để quảng bá, xúc tiến, thu hút đầu tư.

UBND tỉnh Kon Tum mới đây cũng đã ban hành danh mục các dự án thu hút đầu tư của tỉnh giai đoạn 2021- 2025. 

Riêng lĩnh vực du lịch - dịch vụ có 47 dự án, trong đó, ưu tiên xúc tiến đầu tư vào khu vực có tiềm năng phát triển du lịch như: Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y (huyện Ngọc Hồi), thị trấn Măng Đen (huyện Kon Plông), huyện Kon Rẫy, huyện Tu Mơ Rông… và hướng tới hoàn thiện hệ sinh thái du lịch xanh theo chuỗi giá trị. 


Hoàng Lộc