Tuy nhiên, công tác tái đàn hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thiếu con giống và giá tăng cao, người chăn nuôi còn e dè vì lo sợ dịch bệnh tái phát trở lại.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Quảng Trọng Thao - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Kiên Giang cũng cho biết, dịch tả lợn châu Phi đã làm thiệt hại gần một nửa tổng đàn lợn của tỉnh. Công tác tái đàn hiện nay tuy đang gặp khó khăn đủ bề, song đây cũng là cơ hội để tỉnh đẩy nhanh tái cấu trúc ngành chăn nuôi theo hướng bền vững, đồng thời hiện thực hóa Luật Chăn nuôi.
Trước mắt, Kiên Giang đang đẩy nhanh việc hỗ trợ các hộ chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh, đồng thời có chính sách hỗ trợ cho vay vốn để bà con tái đàn đảm bảo an toàn.
Song song với đó, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở, ngành và địa phương đảm bảo tái đàn lợn thận trọng, hiệu quả, giảm nguy cơ tái phát dịch tả lợn châu Phi, đồng thời phát triển các loại gia súc, gia cầm và thủy sản nhằm phục vụ tăng trưởng chung của ngành.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Long – Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, trong tháng 7/2020, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 90 xã (bao gồm 1 xã mới phát sinh, 86 xã tái phát và 3 xã đã qua 21 ngày trong tháng 7) của 14 tỉnh. Tổng số lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy trong tháng 7 là 3.673 con.
Từ đầu tháng 8/2020 đến ngày 12/8/2020, bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát tại 46 xã của 12 tỉnh. Tổng số lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy trong tháng là 2.099 con.
Như vậy hiện nay, cả nước có 184 xã thuộc 65 huyện của 19 tỉnh, thành phố có dịch chưa qua 21 ngày, với số lợn tiêu hủy lũy kế là 6.773 con.
Mặc dù các tỉnh đều đang đẩy mạnh tái đàn, số đầu lợn tăng nhanh tuy nhiên dịch tả lợn châu Phi vẫn âm ỉ tái phát, do đó bà con chăn nuôi cần thận trọng khi tái đàn, chỉ nuôi khi chuồng trại đảm bảo các điều kiện an toàn dịch bệnh.
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến lưu ý 6 vấn đề: Đề nghị địa phương xem xét, ban hành chính sách hỗ trợ con giống, hỗ trợ quỹ đất xây dựng chuồng trại đáp ứng cơ sở chăn nuôi và vốn để tổ chức tái đàn, tăng đàn.
Phổ biến nhân rộng mô hình hộ chăn nuôi an toàn sinh học, nhất là những hộ lúc trước giữ được đàn lợn thành công trước dịch bệnh và cả những hộ có lợn bị dịch, nhưng sau khi xử lý giờ đã nuôi tái đàn thành công.
Chú ý tiêm đầy đủ các loại vaccine phòng bệnh theo đúng hướng dẫn; đẩy mạnh việc tái đàn, tăng đàn để đáp ứng nhu cầu nguồn thịt lợn cung cấp cho địa phương vào các tháng cuối năm; rà soát công tác thống kê, báo cáo chính xác số liệu để hoàn thiện việc hỗ trợ tiêu hủy lợn bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi cho dân và công tác phòng, chống dịch bệnh;
Khẩn trương tổ chức triển khai kế hoạch quốc gia phòng, chống dịch tả lợn châu Phi giai đoạn 2020 - 2025 theo Quyết định số 972/QĐ-TTg ngày 7/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ.