Việc bà Xuân trồng rồi thu hoạch ớt năng suất cao ngay mùa mưa khiến nhiều người trầm trồ thán phục.
Công nghệ cao tiết kiệm và hiệu quả
Mùa hè, những cơn mưa nặng hạt vẫn trút xuống không ngớt trên cánh đồng Củ Chi (TP.HCM). Thường thì đây không phải thời điểm thích hợp cho việc trồng và thu hoạch ớt, vì dễ nhiễm sâu bệnh, năng suất cũng không cao.
Bà Nguyễn Thị Kim Xuân.
Tại ấp Vân Hàn, xã Trung Lập Thượng, vườn ớt của bà Nguyễn Thị Kim Xuân vẫn xanh tươi mơn mởn và đang cho lứa thu hoạch đầu tiên đưa đi xuất khẩu. Đó là điều khiến không ít người phải trầm trồ thán phục.
Thuê 3ha đất ở xã Trung Lập Thượng (Củ Chi, TP.HCM), bà Xuân trồng 2 loại ớt chính: Ớt chỉ thiên, ớt chỉ địa. Giống ớt được tìm thấy dễ dàng ngay tại trong nước nhưng quy trình kỹ thuật thì khác hẳn cách làm thông thường.
Cây ớt trồng trong bầu giá thể, đặt ngay trên mặt đất trải bạt nhựa, được cung cấp đầy đủ phân, nước qua hệ thống ống tưới nhỏ giọt được bơm từ nhà lều. Nền đất ruộng vốn úng ngập, vì thế không tốn nhiều công làm đất mà chỉ cần san ủi sơ cho bằng phẳng.
Việc mạnh dạn thay đổi tư duy canh tác nông nghiệp đem lại lợi nhuận cao nếu đi đúng hướng.
Nhờ được cung cấp dưỡng chất theo một quy trình tự động, 33.000 gốc ớt lên đều tăm tắp, trái chen nhau treo lủng lẳng trên cành. Một cây ớt chỉ địa, mỗi lứa có thể thu 2 – 3kg là chuyện thường. Không ít gốc phải nghiêng ngả vì chịu không nổi sức nặng do quả ớt mà chính nó sinh ra.
Điều khác biệt, theo bà Xuân, do cung cấp đủ thường xuyên phân, nước nên ớt ở đây sẽ cho thu hoạch quanh năm. Vườn ớt không bón thuốc BVTV mà phòng trừ sâu bệnh bằng hỗn hợp ớt, tỏi, gừng ngâm rượu; mỗi gốc ớt đến tuổi trưởng thành có chiều cao lên đến 4 mét.
Chiều dài trung bình của trái, ớt chỉ địa dài khoảng 18 - 20cm, ớt chỉ thiên dài khoảng 10 - 12cm.
Với số vốn đầu tư ban đầu hơn 2 tỉ đồng/3 mẫu đất, lứa trái đầu tiên đã bắt đầu chín mọng và cho thu hoạch, năng suất bình quân 500kg/ngày. Cả vườn ớt của bà Xuân đã được bao tiêu xuất khẩu với giá bán cao hơn hẳn giá thị trường vì năng suất gần như vượt chuẩn.
Khởi nghiệp ở tuổi 50
Theo ông Đinh Quốc Công, Giám đốc nông trại SmartEco Farm, khác với kinh nghiệm thuần túy, hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ là có thể tạo 1.000 cây có năng suất cao giống nhau từ một cây ban đầu.
“Cả vườn ớt 3 mẫu mà năng suất đồng đều nhau như tại vườn của bà Xuân đã chứng minh điều đó. Vì không phải ai cũng dễ dàng thực hiện được ngay từ vụ đầu tiên mà không tốn “học phí” ban đầu”, ông Công chia sẻ sau khi tham quan vườn ớt nhà bà Xuân.
Hiện vườn ớt của bà Xuân đã được ký hợp đồng bao tiêu xuất khẩu.
Thừa nhận điều này, như bà Xuân kể, để có được vườn ớt như hôm nay bà cũng đã tốn gần 5 năm học hỏi kinh nghiệm làm nông nghiệp qua internet từ chính người thân trong gia đình ở tận bên Úc.
“Là dân Sài Gòn, từ lớn tới bé chưa quen chân lấm tay bùn. Đến 50 tuổi tôi mới rẽ ngang sang một hướng đi hoàn toàn mới. Nói là “tay trắng” gây dựng cả vườn ớt công nghệ cao cũng không quá, vì tôi cũng không hề biết gì về nông nghiệp cho đến khi trực tiếp thuê đất để trồng cây”, bà Xuân thổ lộ.
Bà Xuân tự mình bỏ vốn ra để phát triển mô hình hoàn toàn mới.
Từ giã cuộc sống đô thị, ra ngoại thành dựng lều bạt làm nông, bà Xuân trăn trở từng ngày cùng cây ớt. Không ít nỗi gian truân đã trải qua, thậm chí cả vườn ớt cũng “suýt chết” mấy lần.
Mỗi khi gặp sự cố, bà Xuân lại chụp hình gửi qua internet nhờ gia đình tư vấn. Nhưng màu sắc của hình ảnh chắc chắn không trung thực như quan sát thực tế bằng mắt thường.
“Chính mình phải cảm và nhận biết được sức khỏe của cây trước tiên để biết sinh mạng của nó có bị đe dọa hay không. Vì thế, làm nông nghiệp hay công nghệ cũng phải đặt tâm hồn của mình vào trong đó”, bà Xuân nói.
Thậm chí lúc cây mới lớn, thân cây còi cọc, lá cây vàng vọt không xanh màu, nhiều nông dân địa phương còn tư vấn mua hết phân này thuốc nọ bón vào cho xanh màu lại. Nhưng bà Xuân vẫn phải nhẹ nhàng từ chối. Cây phải có quá trình sinh trưởng tự nhiên và đủ mạnh để chống chọi lại tật bệnh bằng chính sức đề kháng của nó.
Bà Xuân nhớ lại, có thời điểm cây bị bọ trĩ tấn công làm quéo cong đọt lá, nhưng nhờ cung cấp dưỡng chất đúng và đủ, cây tự trị lành bệnh cho chính nó.
Bí quyết của bà Xuân là khi cung cấp đủ dưỡng chất, ớt sẽ có màu sắc tươi rói, trái to, dài và thẳng; vượt trội hơn hẳn ớt trồng theo phương pháp thông thường.
Theo cách canh tác thông thường, chừng 2 – 4 tháng thì ớt ngừng thu hoạch để cây hồi phục, nhưng theo quy trình đang áp dụng, ớt ở đây sẽ cho trái quanh năm. Ngoài diện tích đang thu hoạch, bà Xuân còn dành một khoảnh đất để thử nghiệm tiếp giống ớt chỉ thiên nhập từ Úc về.
Ớt chỉ là bước đi đầu tiên cho các mô hình nông nghiệp công nghệ cao mà bà Xuân và gia đình đang hướng tới. 150ha đất ở Trảng Bàng (Tây Ninh) đang được xúc tiến thuê lại để phục vụ mục đích tiếp theo.
Đây là mô hình tiên phong áp dụng công nghệ lộ thiên để phát huy hết năng suất của giống ớt
Qua tất cả những việc đã làm, bà Xuân khẳng định nếu người nông dân chịu khó thay đổi tư duy và tập quán canh tác, nông nghiệp vẫn là lĩnh vực đầy triển vọng, hoàn toàn có thể đem lại lợi nhuận cao.
“Từ quy mô 3ha đến dự tính mở rộng ra gần 150ha là một bước tính toán hoàn toàn khác hẳn. Nhưng đến 50 tuổi tôi còn dám rẽ ngoặc để làm nông, và mô hình đang tỏ ra hiệu quả. Chúng tôi tự tin ở khả năng của mình”, bà Xuân chia sẻ.
Ông Võ Ngọc Đẹp - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TP.HCM